Hành trình phượt xuyên biên giới của phượt thủ 71 tuổi, trải qua 13.785km, chi khoảng 400 triệu đồng
Chi 400 triệu đồng, phượt thủ 71 tuổi đi qua 7 tỉnh Trung Quốc, vượt gần 13.800km
Thanh Hà (thực hiện)
Thứ năm, ngày 05/09/2024 08:00 AM (GMT+7)
Dáng người nhỏ bé, cao 1m6, nặng chưa tới 50kg, nhưng điều khiển Honda 500cc, nặng 200 kg, ông Trần Lê Hùng (71 tuổi) gây bất ngờ cho cộng đồng mạng khi phượt xuyên biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc với quãng đường dài 13.785km trong thời gian 41 ngày.
Mới đây trên mạng xã hội, trong các nhóm group du lịch, phượt xe máy bàn tán xôn xao câu chuyện, phượt thủ Trần Lê Hùng, 71 tuổi, đến từ Hà Nội đã có hành trình phượt xuyên biên giới: Việt Nam – Lào - Trung Quốc, với quãng đường dài 13.785km, trong thời gian 41 ngày, ước tính chi tiêu 400 triệu đồng.
Ngay sau khi ông Hùng chia sẻ trên trang cá nhân, đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi, ngưỡng mộ và cảm phục bản lĩnh từ cộng đồng đam mê du lịch.
Chia sẻ về hành trình vạn dặm với Dân Việt, ông Trần Lê Hùng cho biết, chuyến đi cho ông nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm, ấn tượng khó quên mà có lẽ ông sẽ chẳng còn chuyến đi nào như vậy nữa.
Hành trình phượt xuyên biên giới: Không dành cho truyền thông, bạn bè mà dành cho chính mình
Sau 41 ngày với hành trình xuyên biên giới đầy chông gai và nguy hiểm, ông đã về trở về nhà an toàn và được báo chí phỏng vấn, giới trẻ ngưỡng mộ, bỗng chốc trở nên nổi tiếng. Ông cảm thấy thế nào?
- Tôi không nghĩ mình được nổi tiếng. Chuyến này, tôi đi không dành để truyền thông, không dành cho bạn bè mà dành cho chính tôi. Vì sao tôi nói vậy. Cách đây 5 năm tôi đã từng có chuyến đi xuyên lục địa Á - Âu, qua 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 6 tháng, tôi đã đến ngôi trường cũ ở Gruzia - nơi tôi từng theo học ngành tự động hóa.
Thời điểm đó tay lái còn non kém, chưa có nhiều kinh nghiệm lái mô tô, vì vậy tôi đi chỉ với một tâm thế tập trung sức lực tinh thần để lái xe, bám theo bạn hướng dẫn viên, không dám lơ là để ngắm nhìn cảnh vật. Sau đó về Việt Nam, tôi chỉ ao ước có chuyến đi quay trở lại Trung Quốc, được ngắm nhìn những cảnh đẹp đó.
Để chuẩn bị cho chuyến hành trình phượt xuyên biên giới, ông đã phải chuẩn bị những gì, rèn luyện thể lực ra sao?
- Năm 2019, sau chuyến đi xuyên lục địa Á – Âu, tôi trở về nhưng không vì thế mà "gác xe". Tôi là thành viên nhiều tuổi nhất trong câu lạc bộ mô tô Hà Nội, nhưng gần như không bỏ lỡ bất cứ chuyến đi nào. Cùng với những thành viên trong câu lạc bộ, tôi phượt Cao Bằng, Hà Giang, thậm chí có đợt chạy 600km đi một mạch từ Hà Nội vào Quảng Trị, đến nhiều tỉnh thành để hỗ trợ các giải đua xe đạp, chạy bộ, hội khỏe… mà không thấy mệt.
Tôi vẫn duy trì đều đặn việc tập bơi, ngồi thiền để tăng sức dẻo dai. Năm 2020, tôi chở vợ đi xuyên Việt vào Cà Mau trong 20 ngày.
Với mức độ duy trì đều đặn như vậy một phần cho sức khỏe, một phần tôi nuôi giấc mơ quay trở lại Trung Quốc. Để khi cậu hướng dẫn viên alo là tôi có thể lập tức lên đường.
Và may mắn ao ước của tôi đã thành hiện thực, trước ngày đi 10 ngày, cậu hướng dẫn viên gọi cho tôi và báo về chuyến đi ghép đoàn. Ngay lập tức tôi bắt tay vào hoàn tất thủ tục đổi hộ chiếu, xin visa, khám sức khỏe, mua bảo hiểm quốc tế, các giấy phép vào Tây Tạng…
Bên cạnh đó là chuẩn bị đồ dùng. Những đồ dùng nào từ chuyến đi trước không cần thiết tôi bỏ lại, bổ sung những đồ dùng cho chuyến đi lần này. Tôi chia đồ và sắp xếp thật khoa học vào ba thùng, mỗi thùng tôi phải nhớ trình tự và đồ dùng, để khi cần tôi có thể lấy ra ngay, tránh tình trạng khi dừng xe, đã rất mệt nhưng lại phải bới tung cả ba thùng đồ để tìm.
Tôi đã từng đi ở chuyến trước nên tôi biết, nếu mình chần chừ ở ngoài đường, chỉ cần 15 phút để tìm đồ, mình có thể chết cóng vì lạnh.
Về xe máy, tôi cũng mang đi kiểm tra toàn bộ và chỉnh sửa, bảo dưỡng thật tốt. Tôi cứ âm thầm chuẩn bị như vậy trong thời gian 10 ngày, không một ai biết, kể cả gia đình, bạn bè. Đến ngày lên đường, tôi chỉ nhắn với con tôi một câu: "Bố đi phượt mấy ngày rồi bố về". Sau đó là tôi đi.
Với hành trình phượt xuyên biên giới, trải qua quãng đường dài 13.785km, trong thời gian 41 ngày, vậy ông có gặp sự cố nào nguy hiểm?
- Chuyến đi của tôi bắt đầu xuất phát từ Hà Nội sang Lào, từ cửa khẩu Lào tôi qua cửa khẩu Trung Quốc. Ở quãng đường này cực kỳ khó đi, đường vừa xấu, ổ voi, ổ gà, sình lầy, thậm chí có những đoạn tôi phải đứng lên để điều khiển xe. Tôi và cậu hướng dẫn viên đã phải mất 4 ngày mới đến được cửa khẩu Trung Quốc.
Từ cửa khẩu này, tôi đi xuyên qua 7 tỉnh Trung Quốc gồm Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Lan Châu, Thanh Hải và Khu tự trị Tây Tạng.
Chuyến đi lần này, tôi nói với cậu hướng dẫn viên sẽ đi đường quốc lộ chứ không đi cao tốc, nếu cung đường nào mệt quá thì mới chuyển lên đi cao tốc. Sở dĩ tôi muốn đi quốc lộ vì vừa đi vừa ngắm cảnh đẹp, vừa khám phá, tìm hiểu đời sống, văn hóa qua vùng miền, các dân tộc mà tôi đi qua. Đặc biệt được thưởng thức rất nhiều món ăn của họ, các quán, nhà hàng ven đường quốc lộ.
Tuy nhiên vì tôi đi ghép đoàn nên phải đảm bảo tuyệt đối lịch trình, tụ họp với đoàn tại khách sạn đã định trước vào mỗi buổi sáng, sau đó cả đoàn làm thủ tục cần thiết theo quy định rồi mới được di chuyển.
Cũng vì thế mà tôi thường xuyên chạy xuyên tối, trung bình một ngày tôi chạy khoảng 400km-500km, có ngày chúng tôi phải chạy xe liên tục 22 tiếng với 700km dưới thời tiết thay đổi liên tục, từ nóng 40 độ C đến -3 độ C.
Sự cố tôi gặp phải và đáng nhớ nhất là ở cung đường đèo Semo La. Đây là cung đường khắc nghiệt nhất chuyến đi của tôi. Semo La là con đèo nằm ở miền trung của Tây Tạng và dẫn đến khu vực Changtang. Nó còn được gọi là tỉnh lộ 206 (S206), một con đường vắng vẻ giữa vùng núi hoang vắng, hai bên đường là hai cái hồ rộng lớn, không có cây, không có rừng, chỉ có đồi trọc, đất và đất. Đỉnh đèo Semo La có độ cao 5.565m và được xem là con đường trải nhựa cao nhất thế giới.
Thực sự, chuyến đi này tôi không đặt mục tiêu phải chinh phục ngọn núi Tây Tạng ở độ cao 5.565m để tạo sự hoành tráng, oai phong. Tôi đã qua thời kỳ đó rồi, điều này chỉ hợp với người nào đó mới đi mà thôi. Tôi đi với mục đích muốn khám phá hết những tỉnh mình sẽ đi qua nên tôi chọn cách đi cung đường vòng lên phía Bắc xong quay về bằng phía Nam là vì thế.
Tôi và cậu hướng dẫn viên xuất phát từ khách sạn, lúc đó là 8h sáng và cho đến khi lên đến gần đỉnh đèo là hơn 1h đêm. Chạy liên tục, không nghỉ. Khi lên đến gần đỉnh đèo gió thổi vù vù, nhiệt độ -3 độ C, tôi cảm thấy mình kiệt sức, cung đường với những khúc cua liên tục, tôi chỉ mong đường thẳng để không phải đổ cua, vặn người, vặn tay lái.
Trong tâm thức tôi chỉ mong như vậy và tôi đã nhìn thấy đường thẳng trước mặt, tim đường là hàng cây. Nó giống như người đi trên sa mạc, khi đã kiệt sức vì khát nước, họ chỉ mong có một hồ nước với rừng cây xanh mát, để họ tắm, ngụp lặn và được uống nước thỏa thích. Trong tâm trí họ đang nhìn thấy hồ nước và cảm nhận được ngụp lặn trong hồ nước đó. Nhưng đó chỉ là ảo giác, điều mà trong tâm thức họ đang mong mỏi. Với tôi cũng vậy, đã có đoạn tôi đi ra sát mép đường, chỉ cần nhích chút là tôi ngã xuống vực. Tôi giật mình và biết mình đã lạc tay lái, đang bị ảo giác. Tôi lập tức dừng xe và nói với cậu hướng dẫn viên, tôi không thể đi tiếp được.
Cậu hướng dẫn viên bảo tôi: "Chú không thể dừng xe ở đây được, gió lồng lộng, thổi thốc thế này, dừng ở đây chú có thể chết cóng vì lạnh".
Nhưng tôi nói: "Chú bắt buộc phải dừng, nếu đi tiếp có thể chú cũng sẽ chết vì kiệt sức, lạng tay lái".
Nói xong, tôi cho xe máy sát lề đường bên phải của mình, cậu hướng dẫn viên đưa vội cho tôi thanh kẹo dinh dưỡng, tôi chỉ nhấm nháp được một nửa, sau đó tôi kịp ngồi xuống dựa lưng vào chân chống của xe và ngay lập tức thiếp đi. Sau khoảng một tiếng tôi tỉnh giấc, người dễ chịu và tỉnh táo. Cậu hướng dẫn viên thấy tôi tỉnh thì mừng lắm, nói với tôi: "Cháu đang định gọi người đến cứu hộ, vì sợ rằng chú không tỉnh".
Chúng tôi tiếp tục đi lên đỉnh đèo, tôi cũng kịp quay video, chụp một vài bức ảnh rồi cả hai lại tiếp tục di chuyển. Thế nhưng đi được một quãng, tôi thấy đèn xe của cậu hướng dẫn viên cứ xa dần, nhỏ dần, tôi liền gọi vào bộ đàm cho cậu ấy.
Cậu ấy nói với tôi: "Chú ơi, đến lượt cháu gục rồi". Nói rồi cậu ấy cũng dựa vào xe và ngủ ngồi ngay khi dứt lời với tôi.
Sau khi đợi cậu ấy tỉnh, cả hai chúng tôi tiếp tục chạy liên tục để kịp về đến khách sạn vào khoảng 7h sáng, vừa hay cả đoàn đang đợi để check số lượng người trong đoàn. Sau đó tôi và cậu hướng dẫn viên không đi theo đoàn hôm đó mà ngủ vùi nguyên 1 ngày để hồi sức.
Sau chuyến đi tôi nhận ra, đừng bao giờ nói: Tinh thần, ý chí có thể chiến thắng được sức khỏe. Khi cơ thể đã suy kiệt mà cứ nói, lấy ý chí tinh thần sẽ chiến thắng được sự suy kiệt của cơ thể là không có. Nếu người nào nói như vậy là nói hão, nói không đúng, đó chỉ là nói khoa trương mà thôi.
Hành trình phượt xuyên biên giới: Bí quyết để không bị ốm dù dưới thời tiết từ 40 độ C tới -3 độ C
Khi bị kiệt sức, gục ngay tại cung đường đèo lộng gió, lạnh tới -3 độ C như vậy, lúc đó ông có suy nghĩ rằng mình "tiêu rồi" và ân hận khi quyết định đi chuyến này?
- Tôi không ân hận, cũng không nghĩ rằng mình sẽ không vượt qua được. Tôi đã nhiều năm đi phượt, tôi đã trải qua nhiều sự cố, nguy hiểm nên tôi không hoảng hốt. Tôi tự tin, bình tĩnh. Tôi không nghĩ mình "tiêu rồi" mà tôi chỉ nghĩ, mình xỉu rồi, không nên đi cố, cần phải nằm nghỉ.
41 ngày di chuyển, trải qua nhiều "cung bậc" của thời tiết từ 40 độ C đến -3 độ C, ông có bị ốm?
- Tôi không bị cảm, không viêm họng bởi tôi có bí quyết riêng của mình. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể nói, nếu ai đó vỗ ngực nói rằng tôi khỏe, mặc phong phanh và có thể chịu được nhiệt độ thay đổi liên tục thì tôi e rằng người đó sẽ ốm trước tiên, thậm chí có thể bị sốc nhiệt, đột tử.
Tôi đã từng thắc mắc, vì sao các chiến binh Mông Cổ đi chinh chiến khắp thế giới, trải qua những thời tiết khắc nghiệt nhất mà họ không bị ốm, thậm chí họ rất khỏe.
Sau khi đọc cuốn truyện về chiến binh Mông Cổ tôi đã có giải đáp, hóa ra những chiến binh đó không bao giờ tắm, quần áo không giặt. Tức là họ luôn ở trong tâm thế sẵn sàng hành quân, sẵn sàng nhảy lên lưng ngựa đi chiến đấu.
Biết được bí quyết này tôi đã thực hiện đúng như vậy trong chuyến đi của mình. Bộ giáp phượt tôi không giặt trong suốt chuyến đi, những giọt mồ hôi muối mặn đọng trong bộ giáp phượt sẽ trở thành hàng nghìn chiếc "khiên nhỏ" chắn gió vô cùng hiệu quả cho tôi.
Ngoài ra, quần áo bên trong tôi mặc 4 đến lớp, gặp thời tiết nắng nóng 40 độ C tôi cũng không cởi bất cứ áo nào, mặc dù áo trong cùng thấm ướt mồ hôi, tôi cũng để nó tự khô.
Bạn phải hiểu, một ngày tôi di chuyển, có những đoạn đường nắng chang chang, mồ hôi túa ra ướt đầm người, rồi đi một đoạn khác, gió lại thổi lạnh buốt, xong lại có đoạn mưa xối xả, rồi lại tiếp một đoạn lại nắng, oi bức. Suốt cả hành trình một ngày tôi gặp thời tiết 4 mùa, Xuân, Hạ, Thu, Đông, nếu tôi cởi bỏ bộ giáp phượt, để nhiệt độ mát thốc vào người, tôi sẽ bị cảm, ốm ngay lập tức. Vì vậy mà nguyên tắc của tôi là không để cơ thể bị thay đổi đột ngột nhiệt độ.
Ngay cả khi đến khách sạn tôi không nằm điều hòa, hoặc nếu có nằm thì tôi để chênh với nhiệt độ bên ngoài 1 đến 2 độ C.
Tôi xác định đi phượt giống như người lính ở chiến trường, không lấy cái sạch, cái sành điệu để làm tiêu chí, mục đích của chuyến đi.
Với một chuyến đi có thể nói là tour đặt riêng như vậy, chắc hẳn chi phí cho chuyến đi sẽ là không nhỏ, ông có thể tiết lộ kinh phí của hành trình phượt xuyên biên giới này?
- Nói cụ thể chi tiêu của cả chuyến đi, tôi không thể nhớ chi tiết nhưng tổng chi phí khoảng 400 triệu đồng.
Lần này đi, tôi xác định đi để hưởng thụ, cũng chẳng biết có còn cơ hội để đi phượt Trung Quốc nữa hay không, vì vậy mà tôi không tiết kiệm. Những chỗ lưu trú tôi chọn khách sạn tốt để ngủ, ăn uống tôi cũng chọn những món ăn ngon, đặc sản để thưởng thức. Tôi thích nhất là các món lẩu của Trung Quốc, vì nồi lẩu nào cũng rất ngon, rất tuyệt vời.
Điểm đến nào ấn tượng với ông nhất?
- Tôi đi qua 7 tỉnh của Trung Quốc, mỗi tỉnh có phong cảnh thiên nhiên, nét đẹp riêng, nhưng điểm đến ấn tượng nhất với tôi chính là Tây Tạng.
Đến Tây Tạng tôi đi khám phá những ngôi nhà trong làng và điều khiến tôi bất ngờ là những ngôi nhà được trang trí bằng phân bò. Phân bò được họ nhào nặn trộn với các hợp chất khác tạo thành những chiếc bánh tròn to, sau đó họ trang trí trên các bờ tường ngôi nhà, trên mái nhà.
Nhà càng giàu thì càng nhiều phân bò, nhà nào nghèo hơn thì ít phân bò hơn. Ngoài ra, mỗi nhà đều có một chiếc xe máy để đi chăn, lùa bò. Một chiếc ô tô để đi công việc, đi chợ.
Những ngôi nhà ở đây họ cũng không xây quá cao như ở bên Việt Nam, ngôi nhà nào giàu nhất họ cũng chỉ xây 2 tầng, còn với những ngôi nhà bình thường thì rất thấp. Tuy nhiên những nhà giàu thì họ trang trí nhà cửa rất đẹp, sạch sẽ và ngăn nắp.
Ẩm thực ở Tây Tạng cũng không nhiều món ăn độc đáo, các món rau cũng khá ít vì rau ở đây khó trồng hơn ở các vùng khác. Tôi nhớ nhất, món mỳ không người lái, không cả rau nhưng khi thưởng thức lại rất ngon, nước mỳ ngọt, rất ấn tượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.