Nhãn hiệu Phở Thìn Bờ hồ đến nay vẫn được con cháu cụ Bùi Chí Thìn chỉ tập trung kinh doanh, chưa nhượng quyền sử dụng hay bán nhãn hiệu cho người ngoài
Bát phở Thìn Bờ hồ từ năm 1955
Qua sự giới thiệu của người quen, chúng tôi gặp được bà Bùi Thị Thanh Nhàn con gái cụ Bùi Chí Thìn – người khai sinh ra bát Phở Thìn bờ hồ.
Ông cụ thân sinh của bà Nhàn – cụ Bùi Chí Thìn, sinh ra ở Hoài Đức (Hà Nội). "Năm 1952, bố tôi bị Pháp bắt nhốt ở Nhà tù Hoả Lò, bị tra tấn gãy xương vai nhưng đã được thả. Sau đó, bố tôi đã gặp một người quen là ông Lâm dạy cho nghề làm phở", bà Nhàn chậm rãi kể về lịch sử của bát phở Thìn bờ hồ.
Có nghề, cụ Thìn và vợ gánh phở đi bán rong khắp các phố từ Thi Sách sang khu Nhà máy nước rồi vòng vào Cung thiếu nhi. Bà Nhàn nhớ rõ vì từ bé đã giúp bố mẹ bưng bê, rồi sau đó cũng học nấu phở.
Sau một thời gian, cụ Thìn được một người quen hay ăn phở giới thiệu về ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng hiện nay để bán hàng. Đó là năm 1955, quán phở Thìn đầu tiên ở bờ hồ đến nay vẫn ghi dấu mốc thời gian này trên biển hiệu.
Tiếng lành đồn xa, phở Thìn bờ hồ ngày càng đông khách. Từ vị trí bán hàng đầu tiên, cụ Thìn và gia đình sau này mua thêm được một số vị trí khác để làm cửa hàng như số 1 Lê Văn Hưu, số 1 Hàng Tre, …
Cụ Thìn có 9 người con thì có đến 8 người nối nghiệp kinh doanh phở. Nhưng đến nay chỉ còn hai người con trai và một người cháu đích tôn tiếp tục nối nghiệp với nhãn hiệu Phở Thìn.
"Đến nay, chỉ còn quán của Bùi Chí Chiến ở số 1 Hàng Tre và Bùi Chí Đạt ở số 1 Lê Văn Hưu đang kinh doanh phở Thìn. Các anh chị em cũng đã có tuổi truyền lại dần cho đời thứ 3 là các cháu.
Trong đó, Bùi Chí Thành là cháu đích tôn của bố tôi đang kinh doanh tại địa chỉ 61 Đinh Tiên Hoàng. Ngoài 3 cơ sở này của gia đình thì chúng tôi chưa nhượng quyền sử dụng hay bán cho bất cứ một đơn vị nào nhãn hiệu phở Thìn của gia đình cả", bà Nhàn cho biết.
Người nước ngoài cũng muốn học làm Phở Thìn Bờ hồ
Tại cơ sở Phở Thìn Bờ hồ số 1 Lê Văn Hưu, ông Bùi Chí Đạt, 1 trong 9 người con của cụ Bùi Chí Thìn, hiện đang kinh doanh phở cùng con gái và con rể.
"Khoảng những năm 80, sau mấy năm vào TP. Hồ Chí Minh một thời gian, tôi đã về sửa lại căn nhà ở số 1 Lê Văn Hưu và bán phở, đúng với nghề được bố tôi dạy trước đây", ông Đạt nói.
Mấy năm gần đây từ sau khi bị tai biến, ông cũng đã truyền lại nghề và giao việc dần cho con gái và con rể. Hiện tại, ông chỉ còn hỗ trợ con kinh doanh phở, ít khi vào bếp trực tiếp như trước. Trên tấm biển quán phở nhà ông Đạt cũng ghi rõ nhãn hiệu Phở Thìn Bờ hồ.
Hiện nay, các con cháu cụ Bùi Chí Thìn là những người đã được cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu Phở Thìn vẫn đang còn hiệu lực.
Việc đăng ký nhãn hiệu Phở Thìn do cụ Bùi Chí Thìn để lại cũng là một câu chuyện dài.
Bà Bùi Thị Thanh Nhàn nhớ lại: "Gia đình tôi cũng có ý thức là phải giữ thương hiệu phở Thìn của bố mẹ tôi để lại, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu và làm thủ tục như thế nào".
Gia đình kinh doanh, treo biển Phở Thìn từ năm 1955 nhưng vẫn chưa làm thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Bước ngoặt đến vào năm 2003, một người quen của gia đình bà Nhàn làm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã khuyên nên làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
"Cũng may có người quen hướng dẫn nên năm 2003 chúng tôi đã làm thủ tục và được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền Phở Thìn" – bà Nhàn nói.
Theo quy định, chứng nhận nhãn hiệu độc quyền Phở Thìn có thời hạn 10 năm, đến năm 2013 là hết hạn nhưng gia đình bà Thìn cũng "quên".
"Thêm một lần may mắn nữa khi có cán bộ ở Cục Sở hữu Trí tuệ gọi điện nhắc có ra hạn không, nếu không sẽ cấp cho người khác cũng đang nộp đơn chúng tôi mới nhớ ra để đi làm thủ tục ra hạn", bà Nhàn cho biết.
Gia đình bà Nhàn đưa chúng tôi xem Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Phở Thìn được cấp lần đầu năm 2003 cho ông Bùi Chí Đạt và cấp lại năm 2014 có thêm tên bà Bùi Thị Thanh Nhàn.
Phở Thìn Bờ hồ ngày càng nức tiếng, có không ít người đến đặt vấn đề nhượng quyền nhãn hiệu cho họ cùng sử dụng để phát triển thương hiệu Phở Thìn. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc, trao đổi các con cháu cụ Thìn thấy rằng các điều kiện Phở Thìn yêu cầu rất khắt khe về đảm bảo các tiêu chuẩn nên chưa đi đến thống nhất.
Bên cạnh đó, nhãn hiệu Phở Thìn của đại gia đình bà Nhàn không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn có giá trị tinh thần do cụ Bùi Chí Thìn gây dựng để lại cho con cháu.
Mỗi khi nhắc tới chuyển nhượng cho người khác cùng phát triển, nhiều thành viên trong gia đình vẫn chưa thống nhất, chỉ sợ bị ảnh hưởng danh tiếng của gia đình nên cho tới nay vẫn chưa chuyển nhượng quyền sử dụng cho người ngoài.
Đồng quan điểm, ông Bùi Chí Đạt cũng cho rằng gia đình chưa thống nhất để người khác cùng sử dụng nhãn hiệu Phở Thìn.
Ông Bùi Chí Đạt nói: "Mua danh 3 vạn bán danh 3 đồng à? Bố mẹ tôi đã cho chúng tôi nghề làm phở và thương hiệu Phở Thìn nên không có chuyện bán hay nhượng quyền sử dụng đâu. Phải là anh, chị em, con, cháu trong gia đình của cụ Thìn mới được kinh doanh nhãn hiệu này".
"Có lần, khách Hàn Quốc tìm đến tôi và nhiều lần đàm phán rồi đặt vấn đề mời cả gia đình tôi sang Hàn Quốc, họ đưa ra nhiều đãi ngộ cho tôi để đào tạo và chuyển giao công thức Phở Thìn cho họ. Tuy nhiên, khi đó tôi thấy có gia đình ở đây cả và quen với cuộc sống của Hà Nội, của Việt Nam rồi nên tôi đã không nhận lời", bà Nhàn nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.