Hành vi con trẻ

Tuấn Khanh (Thế giới Tiếp thị) Thứ bảy, ngày 13/09/2014 07:00 AM (GMT+7)
Trước những hành vi với con trẻ diễn ra trong xã hội, báo chí chỉ có thể tải lên một phần nhỏ nhoi những gì đang xảy đến với thế hệ trẻ mỗi ngày, cùng với rất nhiều điều đáng lo nghĩ.
Bình luận 0
Chuyện về bé gái lỡ tay ăn trộm quyển sách, và bị nhục hình công cộng được xôn xao bàn tán không ít. Những phản ứng mạnh mẽ từ báo chí lẫn giới phụ huynh đã khiến sở Giáo dục của tỉnh đề xuất toàn thể nhân viên của nhà sách phải ra xin lỗi bé gái này trước sân trường.
img
Abraham, tổ phụ dân Israel hiến tế Isaac con trai duy nhất của mình – một “kịch bản” thử thách niềm tin của ông đối với Thượng đế của ông. Tranh của hoạ sĩ Ý Michelangelo Merisi da Caravaggio.(Tranh chỉ mang tính minh hoạ)

Nghe qua thì công lý có vẻ được như lập lại. Nhưng đọng lại trong cảm giác, vẫn là một điều gì đó bất thường.

So với những chuyện đã từng xảy ra với trẻ em, câu chuyện được xin lỗi có vẻ như là một “happy end” (kết thúc có hậu) đáng để tán thưởng.

Em S., nạn nhân của vụ nhục hình, là một số phận may mắn hơn bé Ngọc Trâm (Đồng Tháp) bị đưa ra công an tra khảo đến tâm thần vì làm mất 47.800 đồng của lớp, hoặc như em Triệu Khang (Bảo Lộc) chọn cách tự tử để minh oan cho mình khi bị kết tội ăn cắp. Có thể dễ dàng nhận ra rằng, không phải vì một giá trị quá lớn mà trẻ con bị hành hạ, bị chà đạp, mà những hành động của người lớn đang mang dấu hiệu việc quay lại hình thái của một xã hội hiến tế.

Với nhiều hình thức tôn giáo của thời trung cổ. Hiến tế (sacrifice) được coi là một sự kiện xã hội hoặc tôn giáo trong một đời sống phồn thực. Hiến tế được coi là cách để chuộc tội hoặc làm dịu đi cơn giận dữ của các thần linh. Thế nhưng hiến tế của thế kỷ này, chỉ làm có ý nghĩa làm dịu đi sự giận dữ hay sĩ diện của con người – vốn đã quá kiêu ngạo và cường quyền với chính đồng loại của mình.

Những cuộc trừng phạt, tra khảo, làm nhục… với trẻ em đã không mang lại một giá trị giáo dục nào khác, mà chỉ cấy trong tiềm thức của từng thế hệ rằng mai sau, để xoa dịu bản thân mình, chỉ có cách tốt nhất là hiến tế một ai đó. Và cứ thế, vòng quay của sự man rợ đã trở lại, ngay trong thế giới này, bằng mọi sự diễn đạt khác nhau nhưng cùng một tính chất dã man.

Thế giới đã trải qua hằng hằng những đổi thay. Loài người đã chuyển đổi muôn vạn lớp áo trong giao tiếp, nhưng không khó để nhận ra bản chất của sự việc, khi xảy đến.

Trở lại câu chuyện của sở Giáo dục tỉnh Gia Lai định buộc toàn thể nhân viên của một nhà sách phải ra trước sân trường để xin lỗi bé S., có thể coi đó là một trường hợp hiến tế khác, cho một ý nghĩa khác chứ không hoàn toàn vì công lý.

Về quyền hạn, sở cũng không có bất kỳ một quyền hạn nào được bắt hàng loạt người phải làm một hành động tự sỉ nhục mình trước đám đông như vậy. Hơn nữa, khi cố gầy dựng một ánh hào quang của vị thần công lý, họ lại làm đảo lộn mọi giá trị thông thường là “người không ăn cắp phải đi xin lỗi một người ăn cắp”, là trong đó, rất nhiều người trong nhà sách không liên can đến sự kiện này.

Có thể coi việc người bảo vệ của nhà sách đã hành động như một cách “hiến tế” em S. trong sai lầm của em, thì những người ở một cơ quan giáo dục lại “hiến tế” tập thể cho một lý luận thiếu khoa học và giáo dục. Lẽ ra, chỉ cần một lá thư xin lỗi của siêu thị, công bố xin lỗi ở trường, ở siêu thị... cử người đến nhà em để hoà giải cũng như nhắc nhở em lấy cắp là một điều không đúng. Cách hành động đúng và thật lòng không quá khó, như mọi quốc gia văn minh khác vẫn có những ví dụ về ứng xử bình thường mà chúng ta được biết, được học, được dạy.

Hàng ngàn năm trước, loài người hiến tế trong sự thơ ngây và nông cạn. Nhưng ở thời đại này, chúng ta phải tự vấn rằng vì sao vẫn còn xảy ra hình thức này, trên đất nước mình, hôm nay?
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem