Hào hứng, xốn xang nhớ lại ngày hội, cả làng ùa xuống ao đánh cá

Trần Lan Thứ năm, ngày 22/09/2022 06:09 AM (GMT+7)
Theo tập quán của đồng bào xưa, các làng mạc, khu dân cư đều ở bên bờ sông, bờ suối. Làng tôi cũng không nằm ngoài quy luật đó. Làng ở bên một con suối không lớn lắm nhưng nó đã để lại những ký ức không thể nào quên, trong đó có những trận đánh bàu bắt cá hàng năm vào mùa hạn hán.
Bình luận 0

Con suối hiền hòa chảy quanh làng, suối bắt nguồn từ các mạch trong khe núi, các mạch nước gom dần với nhau khi về đến quanh làng đã trở thành một con suối. Ngày đó chưa có các điều kiện như bây giờ, suối là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người trong làng.

Náo nức nhớ lại ngày hội đánh cá của làng - Ảnh 1.

Dòng suối gắn bó đời sống người địa phương, nơi nuôi dưỡng kỹ ức bao thế hệ. Ảnh: PV

Người dân thường ra tắm giặt, rửa rau, rửa các nông cụ nông  nghiệp… cứ mỗi khúc suối chỗ cạn, rộng có nhiều cát hình thành một cái bến. Chúng tôi lớn lên đã thấy khúc suối chảy qua làng có rất nhiều cái bến, bến để tắm, giặt cho người, bến tắm trẻ em, bến tắm cho trâu bò và cho trâu bò uống nước.

Suối có tầm quan trọng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, suối chung của làng, có trong hương ước của làng, luật bất thành văn của làng. Tất cả từ người già đến trẻ, gái trai đều răm rắp tuân thủ theo các điều mà ông bà, cha mẹ nhắc nhở, răn dạỵ

Mùa thu, vào tháng 8 (al), trời đổ mưa ào ạt, những cơn bão kèm theo mưa nước chảy lênh láng, con suối đục ngầu, sôi réo cả ngày lẫn đêm, suối bây giờ như rộng hơn, cây cỏ hai bên bờ bị nước dìm xuống sâu. Có những trận lụt lớn, nước suối tràn vào làng. Cá theo ngược dòng nước, đến khúc suối của làng dừng lại sinh sôi nảy nở từng đàn.

Náo nức nhớ lại ngày hội đánh cá của làng - Ảnh 2.

Đánh bắt cá, ngày hội làng, nét đẹp hồn quê của bao thế hệ. Ảnh: PV

 Mùa xuân, nước suối trong vắt, ngồi trên bến có thể nhìn thấy những đàn cá mương, cá cấn nghiêng mình phô ra những cái vảy sáng lấp lánh. Những con cá to thường ẩn mình trong những khúc suối sâu, đêm đến mới nghe tiếng quẫy của chúng như những đàn trẻ tập bơi.

 Sang mùa hè, các mạch nước đầu nguồn bị tắc hẳn, con suối của làng cạn dần, từng khúc suối ngăn ra thành những cái vũng lớn. Cá bắt đầu dồn vào các vũng lớn chật chội và dày đặc lại.

 Người làng theo thói quen từ ngàn xưa bắt đầu chuẩn bị dụng cụ đánh bắt cá. Những cái nơm được đem ra sửa sang lại, người chưa có thì mua cái mới, những cái vó, cái trủ được vá cẩn thận, kiểm tra kỹ lưỡng đến từng cái gọng, cái cần.

Có những người không cần nơm, vó, trủ,tự sắm cho mình một cái ngạnh thật sắc, ngồi dưới ngọn đèn dầu ngắm nghía một cách mãn nguyện.

Náo nức nhớ lại ngày hội đánh cá của làng - Ảnh 3.

Dụng cụ nơm, trủ... là vật dụng không thể thiếu với người đánh bắt cá. Ảnh: PV

Ngày hội đánh cá, tiếng trống, tiếng kẻng vang lên báo hiệu cho phép dân làng được ra suối đánh cá. Theo quy ước của làng cứ đánh từ dưới lên. Tiếng hú, hét, tiếng reo hò vang dội, xóm làng huyên náo cả lên.

Từ già đến trẻ, từ nam thanh nữ tú cho đến những đứa trẻ con đang nằm trên lưng anh chị đều đổ ra bờ suối. Tiếng nơm úp xuống nước rào rào, tiếng vó, giọt nước tong tong tiếng reo hò vang dội tạo nên một âm thanh ồn ào náo nhiệt vô cùng. Mỗi khi có người úp được con cá vào nơm, thò tay bắt lên cầm chắc chắn rồi đưa lên ngang đầu, tiếng reo lại nổi lên từ đầu vũng cho đến cuối vũng.

Khoảng một giờ đồng hồ quần thảo, nước vũng đã đặc ngầu lại, những con cá nhỏ nổi lờ đờ, bọn con trẻ chúng tôi dùng cái rổ xúc lấy rất dễ dàng. Những con cá măng khôn lanh cứ ngoi lên thở, chỉ chờ có thế những cái ngạnh đã xiên ngang người của chúng và những tiếng reo hò như vỡ cả mặt nước vang lên.

Náo nức nhớ lại ngày hội đánh cá của làng - Ảnh 4.

Đánh bắt cá trở thành nét đẹp văn hóa vùng miền cần được duy trì, phát triển. Ảnh: PV

Những cái giỏ đeo bên hông hay những cái dây xâu cá cột ngang thắt lưng đã đầy cá. Những con cá chép đỏ đuôi, cá chày, cá diếc mắt đỏ hoe, những con cá tràu to bằng cổ tay đen trũi bây giờ đã chịu nằm yên không giãy giụa nữa.

 Mọi người khi đến thì theo hiệu lệnh, khi về thì tùy nghi di tản. Khoảng độ nửa buổi chiều, đánh bàu cũng đã tan, mặt nước đục ngầu, không gian yên tĩnh, chỉ còn lại những đứa trẻ đứng trên bờ cầm những cái rổ nhỏ xuống xúc những con cá mương, cá cấn nổi lờ đờ xung quanh bờ vũng.

Những nồi cá kho nghệ, khế…tỏa thơm lừng từ các bếp trong làng.

Chúng tôi lớn lên trong tiếng reo hò của những buổi đánh cá suối làng, mùi vị của những con cá suối làng đã thấm sâu vào trong máu thịt của bao thế hệ của người làng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem