Cất nhà chòi-trò chơi tuổi thơ dữ dội của trẻ em miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long
Ký ức miền Tây: "Tuổi thơ dữ dội" với trò chơi cất nhà chòi mùa hè ở chốn miệt vườn, sông nước
Chúc Ly - Mai Anh
Thứ tư, ngày 04/08/2021 05:15 AM (GMT+7)
Trẻ con miền Tây (ĐBSCL) ngày trước chẳng có xe điện, đu quay hay những trò chơi điện tử,… Nhưng bù lại bọn con nít dưới quê lại sáng tạo ra nhiều trò chơi vừa không tốn tiền mà lại vui. Trong số đó, làm sao thiếu được trò cất nhà chòi.
Nếu có 1 điều ước, ắt hẳn ai cũng muốn một lần được quay về với ký ức tươi đẹp của tuổi thơ. Trẻ con miền Tây những ngày hè thường chơi trò cất nhà chòi.
Ký ức chơi cất nhà chòi theo những bước chân lớn lên, trưởng thành, đi xa của những đứa trẻ miền Tây năm nào. Rồi một ngày bất chợt, ký ức về trò chơi cất nhà chòi bỗng ùa về.
Hàng chục năm trước, cất nhà chòi là trò chơi rất phổ biến của trẻ con ở các vùng quê miền Tây. Cứ vào 3 tháng hè, những đứa trẻ quanh xóm lại tụm 5, tụm 7 rủ nhau đi cất nhà chòi ở những khoảng đất trống sau vườn.
Gọi nhà chòi bởi nơi đây vừa là nhà mà cũng vừa là chòi. Thực chất đây là ngôi nhà được xây dựng từ đôi tay của những cô bé, câu bé 5-10 tuổi.
Không có khuôn mẫu, cũng chẳng có quy tắc nào cho những căn nhà chòi đó. Tùy vào sự sáng tạo và khéo léo của mỗi em mà những căn nhà chòi được tạo ra bằng vật liệu "cây nhà lá vườn".
Clip: Chơi nhà chòi - ký ức "tuổi thơ dữ dội" của trẻ con miền Tây.
Đây cũng được xem là "gia tài đầu đời" mà bọn trẻ quê sở hữu. Đây chính là món quà tinh thần vô giá mà đôi khi vài chục năm sau ngẫm lại ai từng trải nghiệm vẫn thấy vui.
Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, những căn nhà chòi như thế cũng dần ít đi. Những buổi học thêm, những trò chơi điện tử, dường như thay thế cho những căn nhà đã từng là mơ ước của nhiều đứa trẻ miền Tây.
Thế nhưng, hiếm không có nghĩa là không có. Chúng tôi đã rất may mắn để có dịp quay trở lại chuyến đò về tuổi thơ khi tham gia vào một nhóm bạn nhỏ cất nhà chòi.
Chia sẻ với chúng tôi, em Vũ Thị Ngọc Ánh (ngụ xã Hòa An, Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), trưởng nhóm cất nhà chòi, cho biết: "Mỗi khi rảnh là bọn em 4-5 đứa gom lại dựng nhà chòi để chơi. Tuy không ai chỉ dạy, nhưng ai cũng có thể cất được nhà".
"Thấy ba mẹ có nhà riêng nên tụi em cũng có một ngôi nhà riêng của mình. Hè này em cùng với mấy bạn hàng xóm rủ nhau cất nhà để các anh chị em chơi", em Ánh cho hay.
Còn đối với cô bé Bùi Thị Cẩm Tiên nhà cách đó vài căn, dù là lần đầu tiên cất nhà chòi, nhưng thao tác của Cẩm Tiên vô cùng thành thao, từ việc chặt lá dừa, lá chuối cho đến thắt lá dừa.
Cẩm Tiên cho biết: "Dưới quê thì ít chỗ chơi nên thường cuối tuần hoặc những ngày hè em hay về ngoại chơi. Thấy các anh chị cất nhà chòi em rất thích nên xin tham gia cùng. Em muốn làm ngôi nhà thật đẹp, chia ra nhiều phòng y như ngôi nhà thiệt".
Cất nhà chòi thấy đơn giản, nhưng vẫn phải trải qua các công đoạn như làm nhà thật. Đầu tiên chọn khoảng đất trống sau hè hay trong vườn trái cây. Sau đó, bọn con nít xúm xít lại với nhau để phân chia công việc.
Là chị cả trong nhóm, em Ánh đảm trách việc kiếm tre, chặt lá dừa. Còn các em gái nhỏ trong nhóm thì cắt lá chuối để làm thảm trải nhà và dây chuối thì buộc thanh tre. Các em cho biết, lá chuối, là dừa ở quê thì bao la lại dễ kiếm.
Để ngôi nhà được đẹp, tre được chọn có dáng thẳng để làm cột. Kèo thì dùng tạm củi dừa hặc các loại cây khác như trâm bầu.
Quan trọng nhất phải tính toán sao để căn nhà có tỉ lệ phù hợp, khi dựng lên phải chắc chắn. Khâu chặt cây thường sẽ ưu tiên các anh chị có kinh nghiệm, óc thẩm mĩ và có sức lực để phụ trách. Còn các thợ phụ thì chung tay gom cây, gom lá và về nhà lấy dụng cụ.
Khâu dựng nhà được cậu trai duy nhất trong nhóm là em Phan Văn Mến đảm trách. Sau khi chọn được chỗ đất bằng phẳng, quét dọn sạch sẽ, Mến được giao trọng trách đào lỗ, dựng cột.
Mồ hôi nhễ nhại Mến vừa làm vừa kể: "Nhà này tụi em làm có 8 cây cột, tụi em dùng dao đào lỗ sâu chừng 30cm rồi chôn cây xuống, có vậy cột nhà mới vững. Em thấy vui nên em chẳng thấy mệt chút nào".
Còn các chị lớn tiếp sức gáp kèo, dùng dây chuối cột cố định phần khung sườn. Người buộc dây, người dựng cột loay hoay tầm 30 phút sườn nhà cũng xong.
Em Nguyễn Huyền Trân vừa tiếp lợp mái nhà vừa nói: "Tụi em dùng lá chuối để lợp phần mái, lá dừa kết lại dừng vách để sau phần mái nhà và vách không bị trống. Thấy vậy chứ cũng phải khéo, lơ mơ nẹp không khéo, chỉ cần một trận gió to thổi qua là căn nhà chòi có khi chỉ còn… trơ cái sườn không".
Chơi đồ hàng ở nhà chòi
Ngọc Ánh cho biết: "Khâu cuối cùng là trang trí, thấy vậy chứ quan trọng lắm. Bởi khâu này thể hiện được độ đẹp xấu của mỗi căn nhà chòi. Để trang điểm thêm cho căn nhà chòi, tụi em sẽ hái hoa trước sân nhà, hay thắt lá dừa thành hình hoa, xé lá thành sợi để làm màn,….thậm chí đem cả những món đồ chơi ưa thích để trang trí. Còn nền nhà tụi em sẽ dùng bao, hay lá chuối lót để ngồi cho sạch".
Với không khí hào hứng và phân công công việc rõ ràng, căn nhà chòi nhanh chóng được cất xong. Sau đó, bọn trẻ quê cũng bắt chước bày trò nấu cơm trong ngôi nhà bé nhỏ của mình.
Để có được những "bữa cơm" trong nhà chòi, các em lấy gạch để làm lò, lấy lon để làm nồi,…Còn đồ ăn, đủ thứ món, nào là lạp xưởng, đùi gà,…được làm bằng lục bình hay các loại rau củ lá có sẵn trong vườn.
Chẳng mấy chốc, "bữa cơm" cũng được bày biện thịnh soạn bằng rất nhiều "món ăn" từ đủ thứ loại lá. Những món ăn này được các em bày biện chỉ chỉ để ngắm, còn bữa trưa của cả bọn là những chiếc bánh ngọt hay những thứ xin được ở nhà từ lúc sáng. Ai có gì hùn nấy, thấy vậy mà không khí trong căn nhà chòi rôm rả, không ngớt tiếng cười nói.
Em Ánh tâm sự: "Em vui vì đó là công sức mình làm ra, mình không mệt vì vậy. Làm nhà chòi cũng như là việc mình tự làm ngôi nhà cho chính mình, rồi chị em bạn bè xúm lại chơi chung, tuy cực mà vui lắm".
Những ngày sau đó, ngoại trừ ban đêm phải vào nhà mà ngủ. Còn ban ngày, bọn trẻ hầu như loay hoay suốt ở nhà chòi. Đó là thiên đường tuổi thơ bên góc vườn quê thanh bình.
Tuổi thơ vô tư rồi cũng qua...Trò chơi nhà chòi có lẽ cũng dần trở thành xa lạ với con nít bây giờ. Nhưng với bọn trẻ quê, thì đây là cả một vùng trời ký ức, dung dị nhưng thân thương mà chẳng có gì thay thế được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.