Hạt muối Bà Rịa nổi tiếng cả nước. Nghề làm muối ở Bà Rịa có từ thời cha ông đi mở cõi. Nhưng làm sao khắc phục tình trạng được mùa mất giá, làm sao giữ được nghề cha ông thì diêm dân không tự trả lời được.
Quay quắt giữ nghề
Ở xã An Ngãi (huyện Long Điền), ông Huỳnh Văn Điền đã có 20 năm gắn bó với đồng muối. Ông bảo, lúc nắng nóng nhất cũng là lúc diêm dân làm việc cật lực nhất. Nhiều người còn tranh thủ thì giờ, ăn cơm ngay trên đồng muối lúc ban trưa, chén cơm trộn mồ hôi.
Những năm 1990, nghề làm muối rất phát đạt vì giá muối cao. Nhưng khoảng 10 gần đây, giá muối giảm mạnh. Nhiều người phải chịu lỗ để giải phóng hàng tấn muối ứ đọng vì không bán được, trước khi vụ mới lại bắt đầu.
Niên vụ này, giá muối tiếp tục giảm. Hiện muối trải bạt chỉ 800.000 - 900.000 đồng/tấn. Còn muối đất chỉ từ 650.000 - 750.000 đồng/tấn, thấp hơn mọi năm từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Đầu ra cho hạt muối chưa hết long đong.
"Nghề muối là nghề truyền thống lâu đời ở Bà Rịa. Tỉnh cần có giải pháp để gìn giữ, phát triển; không để nghề truyền thống mai một".
Thứ trưởng Trần Thanh Nam
Ở ruộng muối kế bên, ông Phạm Văn Thơm cũng có thâm niên hàng chục năm làm muối. Ông Thơm kể, nghề muối cực nhất là khâu thu hoạch, nên tốn nhiều nhân công. Giá nhân công bây giờ đã 400.000 đồng/ngày, chưa kể các chi phí khác.
"Làm muối bây giờ oải lắm, không được bao nhiêu tiền. Tôi làm cho đỡ nhớ nghề thôi" - ông Thơm nói.
Lối đi cho nào hạt muối?
Hạt muối Bà Rịa tiêu thụ ở hầu khắp thị trường phía Nam, là lựa chọn số một của nghề làm nước mắm ở Phú Quốc (Kiên Giang). Năm nào được mùa cá cơm, các nhà thùng Kiên Giang có thể tiêu thụ đến 30.000 tấn/năm, tăng khoảng 10.000 tấn so với bình quân.
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất của tỉnh, với 420ha. Nhưng thời gian qua, nghề muối gặp không ít khó khăn vì giá thấp, thị trường tiêu thụ chưa đa dạng.
Việc phụ thuộc nhiều vào đánh bắt thủy hải sản, khiến khâu tiêu thụ muối của bà con bị động, giá muối bất ổn. Các HTX, doanh nghiệp chỉ thu mua được một phần nhỏ sản lượng muối của diêm dân mỗi năm.
Thực tế cho thấy, việc đưa muối vào chế biến sâu đã góp phần nâng cao giá trị và muối Bà Rịa vươn xa. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều đó.
HTX Hải sản Nguyên Phát (TP.Vũng Tàu) đã tiến hành ủ thảo dược để xuất khẩu muối ra nước ngoài. Bà Cao Thị Diệu Thúy - Giám đốc HTX cho biết, những tháng đầu năm, HTX đã xuất bán 5 tấn muối ủ thảo dược sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, quy trình sản xuất muối ở Bà Rịa chưa thật sự tốt. Để xử lý muối thô, chi phí sẽ tăng lên khoảng 30%.
"Điều này gây khó khăn lớn cho các đơn vị thu mua muối khi cạnh tranh với các đơn vị sản xuất khác trong nước"- bà Thúy cho biết.
Trung bình mỗi năm, DNTN Muối Lê Bên ở xã An Ngãi (Long Điền) thu mua trên 10.000 tấn. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp này vẫn là các nhà thùng làm nước mắm ở Phú Quốc. Ông Lê Văn Bên - chủ doanh nghiệp cho biết, đang gặp trở ngại về mặt bằng xây dựng nhà máy chế biến.
Theo ông Bên, để vừa có thể sản xuất vừa chế biến, cần có sự liên kết đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện nay, không có nhiều đơn vị sản xuất muối làm được điều này.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh BRVT, ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển nghề muối. Sở NNPTNT đã kiến nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn sản xuất muối công nghệ cao, và đầu tư xây dựng 1 kho dự trữ muối. Đây là giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho diêm dân.
Tại buổi khảo sát tình hình sản xuất muối vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã đồng ý chủ trương này. Ông Nam đề nghị tỉnh cần tập trung nâng chất cho sản phẩm muối; thúc đẩy kết nối thị trường; thu hút đầu tư và phát triển thương hiệu muối Bà Rịa bằng cách làm mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.