Hậu Covid-19: Gần 90% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 31/10/2020 16:21 PM (GMT+7)
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) vừa phối hợp cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo "Hỗ trợ Doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19", giúp doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn để duy trì sản xuất.
Bình luận 0
Hậu Covid-19: Gần 90% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mất khả năng cân đối dòng tiền…

Theo số liệu do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây, trong tháng 10, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 41.783 doanh nghiệp, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm trước; 30.256 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 13.502 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có gần 8.554 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Riêng tại TP.HCM, hiện nay vẫn còn khoảng 84% doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn. Trên địa bàn thành phố, số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm 2,14%, còn lại là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cho nên, việc tiếp cận nguồn vốn đối với đa số doanh nghiệp là một thách thức lớn.

Theo Điều tra PCI 2019, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), có tới 35% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn. 

Đồng thời, vẫn còn một tỷ lệ lớn doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn. 

Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn.

Đáng lưu ý là cũng theo điều tra PCI trong nhiều năm qua, gần 90% doanh nghiệp đồng tình với nhận định "không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp". 

Điều này có nghĩa là nếu có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng không thể đảm bảo cho họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Và thậm chí, ngay cả khi có tài sản thế chấp, nguồn vay của họ cũng rất "ngắn hạn", chỉ trong vòng 1 năm với mức lãi suất cao. 

Với cách thức tiếp cận nguồn vốn như vậy, rất khó để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch, chiến lược kinh doanh dài hạn. Tiếp cận vốn vẫn là bài toán nan giải đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, quản lý Chương trình Cao cấp, Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước, USAID/Việt Nam chia sẻ: "Đồng cảm với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đang phải đối mặt, USAID thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME), đã và đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như ITPC để đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ phục hồi sản xuất kinh doanh trong và sau Covid-19. 

USAID LinkSME sẽ trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp thông qua chia sẻ kiến thức tài chính với các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị và nộp đơn đăng ký liên quan đến tiếp cận tài chính và thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem