Hậu duệ của KTS người Pháp từng thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội làm sách về kiến trúc Hà Nội

Tuệ Lâm Thứ sáu, ngày 06/12/2024 17:16 PM (GMT+7)
Hậu duệ của KTS François Charles Lagisquet - một trong những kiến trúc sư thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội đã tham gia thực hiện cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt – Pháp". Cuốn sách vừa được ra mắt sáng nay (6/12) tại Hà Nội.
Bình luận 0

Theo đó, cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa Văn hóa Việt Pháp" đem đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ, bao gồm: Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa (Phần I); Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với những phong cách điển hình là Beaux-Arts; Art De'co; Đông Dương, Kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu, Kiến trúc Thép, Gothique (Phần 2) và Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954 (Phần 3).

Hậu duệ của KTS người Pháp từng thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội tiết lộ kỷ niệm lần đầu đến Hà Nội - Ảnh 1.

Cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa Văn hóa Việt Pháp". Ảnh: HH

Cuốn sách là sự kết tinh trí tuệ và tâm huyết của nhóm tác giả, bao gồm cả những chuyên gia uy tín và các bạn trẻ đầy nhiệt tâm như: Tiến sĩ, nhà nghiên cứu, KTS Trần Quốc Bảo - giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội (viết tiếng Việt), dịch giả Thẩm Yến Linh (dịch sang tiếng Pháp), nhiếp ảnh gia Lê Hoàng (thực hiện phần hình ảnh chủ đạo). Chủ nhiệm dự án là Trần Hải Anh, được biết đến tại Việt Nam qua cuốn truyện tranh "Sống" - Nhà xuất bản Kim Đồng, 2023.

Bà Trần Hải Anh - Chủ nhiệm dự án chia sẻ: "Khi mới nghe về chủ đề kiến trúc thời Pháp thuộc ở Hà Nội, một người sinh ra và lớn lên ở Pháp như tôi không mấy hào hứng. Chỉ đến khi bắt đầu trò chuyện với KTS Trần Quốc Bảo và đồng hành cùng nhiếp ảnh gia Lê Hoàng chụp ảnh các công trình, tôi mới thực sự hiểu và nhận ra điều gì đó rất Việt Nam trong những công trình được gọi là phong cách Pháp.

Tôi hiểu rằng, các KTS thời đó đã phải thích nghi với khí hậu và văn hóa bản địa ra sao, để kiến trúc Hà Nội mang sự độc đáo, uyển chuyển trong từng chi tiết. Nhờ làm việc với KTS Trần Quốc Bảo và anh Lê Hoàng, tôi như nhìn thấy kiến trúc Hà Nội theo cách hoàn toàn mới, bắt đầu hứng thú, đam mê với dự án cuốn sách này. Tôi biết ơn quyển sách và toàn bộ ê-kíp thực hiện đã giúp tôi hiểu hơn về Hà Nội, gắn bó hơn với quê hương, đất nước Việt Nam.

Hậu duệ của KTS người Pháp từng thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội tiết lộ kỷ niệm lần đầu đến Hà Nội - Ảnh 2.

Bà Trần Hải Anh - Chủ nhiệm dự án phát biểu tại buổi ra mắt sách. Ảnh: HH

Quyển sách này là tác phẩm kiến trúc song ngữ Việt - Pháp, được lên ý tưởng và sản xuất tại Việt Nam, bởi những người Việt Nam, với sự hỗ trợ của một số người bạn Pháp. Đây là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia kiến trúc dày dạn kinh nghiệm và một đội ngũ những người trẻ ở độ tuổi 30, đã cùng nhau làm nên thiết kế, hình ảnh và ý tưởng cho quyển sách".

Ông Maurice Nguyễn - Hậu duệ của KTS François Charles Lagisquet - một trong những kiến trúc sư thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội chia sẻ: "Cách đây hơn 50 năm, khi tôi đang trưởng thành ở Paris, nhà trường đã tổ chức thăm quan nhà hát Opéra Garnier, nhà hát siêu lớn của thành phố Paris. Với đôi mắt của một đứa bé 10 tuổi, tôi rất ấn tượng với bề thế của tòa nhà này.

Tối hôm đó khi về ăn cơm với ba mẹ, kể lại câu chuyện mình đi thăm quan hát Opéra Garnier thì mẹ nói với tôi: "Con à, ở quê ba mẹ Hà Nội cũng có một nhà hát lớn rất đẹp, nhà hát đó được xây bởi ông cố của con. Ông cố là người Pháp, sang Việt Nam cuối thế kỷ 19 sau khi xong nhiệm vụ quân sự, sĩ quan quân sự của Pháp, thì ông làm kiến trúc sư cho TP. Hà Nội và tham gia rất nhiều công trình của Hà Nội. Công trình lớn nhất và nổi tiếng nhất là Nhà hát Lớn Hà Nội".

Hậu duệ của KTS người Pháp từng thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội tiết lộ kỷ niệm lần đầu đến Hà Nội - Ảnh 3.

Ông Maurice Nguyễn - Hậu duệ của KTS François Charles Lagisquet - một trong những kiến trúc sư thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: HH

Từ lúc đó cho đến năm 1992, lần đầu tiên tôi bước chân đến Thành phố Hà Nội, quê hương của ba mẹ tôi. Trong đầu tôi luôn muốn đi tham quan công trình của ông mình xây dựng. Trước khi về Hà Nội, ba tôi cũng nhắn nhủ tôi: "Con cố gắng ghé trường xưa mà ba học ở Hà Nội, trường Grand Lycée Albert Saraut".

Sau khi đến một khách sạn ở Hồ Tây, tôi thuê xích lô, hồi đó taxi chưa có nhiều, để tham quan 2 công trình liên quan đến gia đình mình. Khi đi tham quan được Nhà hát Lớn, tôi thấy Nhà hát Lớn rất đẹp. Lúc đó, không có xe nhiều ở Hà Nội, nhà hát cũng chưa tu sửa, sơn phết, cải tạo. Dù chưa đẹp như bây giờ nhưng không khí, đường xá xung quanh nhà hát rất đẹp, làm tôi cảm thấy rất lãng mạn trước công trình mà ông cố mình đã xây dựng.

Tới đó, tôi nhờ bác xích lô chở đi tham quan trường Grand Lycée Albert Saraut, nhưng bác không biết trường nằm ở đâu, phải hỏi 3-4 người đồng nghiệp, rốt cuộc mới có thể đưa tôi tới đó. Tới cổng chính của trường, tôi mới bước xuống cổng chụp ảnh thì có 2 chú công an tới nói: "Anh không được chụp ảnh ở đây, mời anh đi ra chỗ khác".

Tôi cũng không biết tại sao, khi lên lại xích lô về khách sạn hỏi ông tài xế mới biết đó không còn là trường mà là Văn phòng Trung ương Đảng. Lúc đó, tôi cũng không biết Văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan quan trọng như thế nào, mãi sau mới biết. Ba của tôi rất vui khi nhận được 2 bức ảnh mà tôi chụp được tại nơi này. Đó là 2 lý do vì sao tôi tham gia sản xuất quyển sách này".

Hậu duệ của KTS người Pháp từng thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội tiết lộ kỷ niệm lần đầu đến Hà Nội - Ảnh 4.

Các khách mời xem sách "Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp". Ảnh: HH

"Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp" đưa người đọc du hành ngược thời gian

Đọc "Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp", có cảm giác ta đang được xem một cuốn phim về lịch sử Hà Nội, hay đúng hơn là được du hành ngược thời gian, trở về với Hà Nội của thế kỷ 19, 20 cùng các tác giả, đi vào từng ngóc ngách và chi tiết của 18 công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là các công trình thời Pháp thuộc như: Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Thư viện trường PTTH Chu Văn An…

Từ nền tảng cội nguồn kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa ở thế kỷ 18 trở về trước với thành quách "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo", kết nối vùng dân dã "kẻ chợ"; sự chuyển mình hội nhập, tiếp thu lối nghệ thuật tinh hoa của kiến trúc phương Tây ở thời kỳ Pháp thuộc như: Beaux-Arts, Art Décor, Gothique… cho đến sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc thế giới với văn hóa bản địa… mỗi cứ liệu lịch sử kiến trúc được các tác giả diễn giải một cách hết sức nhẹ nhàng, dễ hiểu và giàu cảm xúc. Độc giả sẽ thấy trong sự tráng lệ vốn là điển hình cho phong cách Beaux- Arts của Phủ Chủ tịch, lại có những họa tiết trang trí đậm chất cổ truyền Việt Nam.

Ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm: "Về quyển sách này, chúng tôi thấy nhóm tác giả chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là các tư liệu, chất lượng thông tin hình ảnh. Tôi được biết thời gian nhóm tác giả tập trung trong vòng 2 năm để ra mắt quyển sách. Quyển sách được xuất bản dưới 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Pháp, đây cũng là điều đặc biệt so với các quyển sách kiến trúc thông thường khác đã được xuất bản trước đó.

Đối với sách kiến trúc, độc giả thường nghĩ rằng đây là sách chuyên ngành mà chỉ dành cho người làm nghề. Nhưng thực tế, sách kiến trúc, đặc biệt là quyển sách được biên tập lần này, tôi thấy góc tiếp cận rất mới. Nhóm tác giả dưới góc nhìn không phải là nhà nghiên cứu sâu, cách tiếp cận của các bạn trẻ, đây là cách làm rất hay để thu hút nhiều người quan tâm và cách truyền tải thông tin cũng dễ hiểu hơn. Đặc biệt, trong này cũng có các bức tranh, bức ảnh được vẽ lại chất lượng rất tốt.

Tôi nghĩ, quyển sách rất hấp dẫn người đọc. Cái hấp dẫn đầu tiên là bìa bên ngoài, tiếp tục là các trang sách bên trong tạo ra sự cuốn hút cho người đọc. Tôi nghĩ, quyển sách đã làm được tất cả những yếu tố như vậy".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem