Xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam sau Nhà hát Lớn: “Tại sao cứ phải nhét hết vào vùng lõi Hà Nội?”
Xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam sau Nhà hát Lớn: “Tại sao cứ phải nhét hết vào vùng lõi Hà Nội?”
Hà Tùng Long
Thứ hai, ngày 29/05/2023 11:15 AM (GMT+7)
Liên quan đến ý tưởng xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi trái chiều, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề này.
Chia sẻ với Dân Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Việc xây dựng thêm nhà hát, tôn vinh văn hóa các dân tộc là việc rất đáng trân trọng. Nhất là với một thành phố gần 10 triệu dân như Hà Nội thì nhu cầu văn hóa ngày càng lớn. Nhưng xây ở đâu, xây cái gì và xây lúc nào là câu hỏi đặt ra đối với các vị lãnh đạo. Mỗi vị lãnh đạo, trong nhiệm kỳ của mình phải tính toán để làm sao trả lời rành rọt được 3 câu hỏi ấy.
Thứ nhất, về văn hóa – nghệ thuật của các dân tộc thiểu số thì chúng ta rất trân trọng nhưng có đòi hỏi phải có một nhà hát riêng không. Thí dụ, xây nhà hát theo loại hình nghệ thuật như: quan họ, chèo, tuồng, cải lương, múa rối… thì còn chấp nhận được bởi mỗi loại hình nghệ thuật có một đặc thù riêng nên kết cấu và công năng phải riêng. Chiếu chèo khác với sân khấu tuồng và khác với sân khấu múa rối. Trong khi đó, chúng ta còn không ít những nhà hát không đỏ đèn thường xuyên. Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội cũng đang sắp có nhà hát của ngành công an – một nhà hát được xây dựng rất bề thế, hoành trang ở ngay trung tâm thành phố và chúng ta nên tận dụng những cơ sở đó.
Thứ hai, xây ở đâu? Chúng ta có một nơi tôn vinh văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên. Tư duy của các thế hệ trước là xây dựng nhà hát tôn vinh văn hóa các dân tộc thiểu số ở chính một trong những cái nôi sản sinh ra các dân tộc đó, đâu nhất thiết phải ở Hà Nội.
Một bảo tàng, một nhà hát có thể ở những nơi khác. Đã đến lúc chúng ta phải lan tỏa điều đó ra nhiều nơi, không phải cái gì cũng quy tập ở Hà Nội. Nơi nào hợp lý nhất thì chúng ta làm. Chúng ta hoàn toàn có thể xây ở mỗi khu vực một nhà hát tôn vinh văn hóa các dân tộc. Cái này chúng ta phải tính toán.
Hà Nội đã mở rộng, rộng gấp đôi gấp ba so với trước đây, tại sao cứ phải nhét hết vào Hà Nội cũ, lại nhét vào đúng vùng lõi nhất là cạnh Nhà hát Lớn và Viện Viễn Đông Bác cổ - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nhà tôi ở gần khu vực này, thường xuyên qua lại nơi này… và tôi chưa hình dung được việc xây dựng một nhà hát ở không gian này sẽ như thế nào. Cho dù phải giải tỏa rất nhiều người dân, cơ quan, trụ sở làm việc thì tôi vẫn chưa thể hình dung được. Tôi càng không hiểu tại sao phải nhét hết vào vùng lõi này.
Thứ ba là thời điểm nào? Thời điểm này rõ ràng không phải không có nhu cầu nhưng chúng ta vẫn có những hạ tầng đáp ứng được. Chúng ta vẫn có địa điểm biểu diễn ở trung tâm mà chưa tận dụng hết. Lúc này kinh tế chúng ta đang khó khăn thực sự thì cứ thư thả, lúc nào kinh tế mạnh hơn và đủ điều kiện hơn thì chúng ta làm cũng chưa muộn.
Tôi không phản đối việc xây dựng thiết nhà hát này nhưng trong nhiệm kỳ của ông Bộ trưởng Bộ VHTTDL hiện nay, chưa phải là lúc để triển khai cái này. Sau này, chúng ta có điều kiện để đáp ứng theo những nhu cầu cần thiết".
Nhà hát các dân tộc Việt Nam đâu nhất thiết phải đặt tại Hà Nội?
Trước câu hỏi, nếu nhất thiết phải xây dựng nhà các dân tộc Việt Nam thì nên chọn biểu tượng văn hóa của dân tộc nào làm biểu tượng tiêu biểu cho 54 dân tộc, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Một nhà hát đâu thể chứa đựng được hết văn hóa của các dân tộc. Chúng ta nói dân tộc thiểu số nhưng kỳ thực người Kinh cũng là một dân tộc cơ mà. Các dân tộc có thể khác nhau về bản sắc văn hóa nhưng đều bình đẳng như nhau. Nói đến dân tộc là nói đến những đặc thù làm phong phú thêm giá trị văn hóa. Và đặc thù đó phải thể hiện được ngay trong nhà hát và vị trí của nhà hát nếu chúng ta bắt buộc phải xây dựng. Đâu nhất thiết phải nhét hết vào vùng lõi của thành phố Hà Nội cũ. Tôi cho rằng, như thế là không cần thiết.
Thậm chí, chúng ta có thể làm nhà hát các dân tộc Việt Nam theo từng khu vực. Chẳng hạn, nhà hát ở Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc, Nam Bộ, Trung Bộ… thì nó thích hợp hơn. Kích thích du lịch là không phải dồn về Thủ đô mà tiềm năng du lịch nằm rải trên khắp cả nước.
Việc xây dựng những nhà hát như thế sẽ mang lại lợi ích cho chính đồng bào – chủ nhân của những miền văn hóa ấy. Chúng ta phải thay đổi tư duy, không nên như cũ nữa. Thậm chí, tôi thấy tư duy bây giờ không bằng cũ. Các cụ ngày xưa chọn Thái Nguyên để xây dựng Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam là đều có tầm nhìn rất xa".
Mới đây, chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phía sau Nhà hát Lớn. Nếu nhà hát được xây dựng ở vị trí này sẽ tạo ra dấu ấn riêng, thu hút khách du lịch và có thể giúp kinh tế của Hà Nội phát triển.
Trước đó, tháng 2/2023, Chính phủ giao Bộ VHTTDL nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.