Mâu thuẫn bảo tồn - phát triển
Hà Nội mở rộng có diện tích gấp nhiều lần diện tích cũ và có những chiến lược lớn về quy hoạch, phát triển, kiến trúc đô thị. Mấy tháng qua, công luận và giới chuyên môn liên tục lên tiếng xung quanh Đồ án quy hoạch Hà Nội, nhưng từ lâu công luận cũng đã lên tiếng gay gắt trước một số ý tưởng, giải pháp kiến trúc trên một số địa bàn của thành phố.
|
Tái hiện phố Hàng Đào xưa bằng công nghệ 3D |
Một trong những vấn đề nóng nhất khi nhiều người bàn về quy hoạch, kiến trúc Thủ đô là những va đập mới - cũ, hiện đại - truyền thống, phát triển - bảo tồn. Ngay chính kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khi phát biểu tại hội thảo quốc tế “1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng" do Hội KTS VN tổ chức mới đây, cũng cho rằng, kiến trúc Hà Nội biến dạng, bị lấn át trước sức ép của kinh tế thị trường. Chúng ta không thể đóng cửa, nhưng vẫn phải bảo tồn, cần phải giải quyết mâu thuẫn gay gắt này!
Hy vọng sau những ngày Đại lễ, quy hoạch, kiến trúc thủ đô tiếp tục là những vấn đề trọng tâm sớm có lời giải, để như mong muốn của nhiều chuyên gia, Hà Nội sẽ thân thiện hơn, xanh hơn, bền vững hơn, thịnh vượng hơn
KTS Phạm Thanh Tùng - Phó Tổng biên tập Tạp chí kiến trúc ví von: "Bản giao hưởng kiến trúc Hà Nội vẫn mải miết tấu lên với đủ loại thanh âm sai cung, lỗi nhịp… Không gian đô thị đầy bản sắc thấm đẫm lịch sử ông cha của thành phố ngàn năm tuổi này vẫn đang bị cái gọi là "phát triển" phá vỡ từng ngày".
Còn theo đánh giá KTS Đào Ngọc Nghiêm thì kiến trúc cao tầng phát triển nhanh nhưng chưa tạo được sự hài hoà giữa hiện đại và truyền thống. Bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị đã được đề xuất trong định hướng nhưng chưa được triển khai và quản lý chặt chẽ…
"Khát" không gian xanh
Không phải vô cớ mà phân tích và phác thảo biện pháp giải quyết mâu thuẫn này, nhiều chuyên gia đưa ra yêu cầu phát triển không gian, cảnh quan xanh như một chìa khoá hữu hiệu. Ngoài một số "vùng xanh" truyền thống trong khu vực trung tâm vẫn được "bảo lưu" còn những vùng xanh ở các khu đô thị mới thì phát triển chậm và những thảm xanh ở các vùng ngoại thành lại mai một dần do tốc độ đô thị hoá, phát triển giao thông, khu công nghiệp...
Nhìn những nhà cao tầng ở Hà Nội, KTS Nguyễn Văn Đỉnh (Trường ĐH Xây dựng) cho rằng, chúng chỉ là "nơi để ở" không hơn không kém. Theo KTS Đỉnh, nhu cầu về tiện nghi không chỉ trong từng căn hộ mà còn phải tính đến cả môi trường xung quanh…
Đưa ra vài ý tưởng cho việc bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, KTS Marco Ferrera - Tổng Giám đốc Công ty Kiến trúc xây dựng Accademia Italia lấy ví dụ: Hồ Gươm đang trong tình trạng như một "đảo giao thông" với "viên ngọc quý" bị ngăn bởi những con đường giao thông xe chạy vun vút và bãi đỗ xe.
Trong ý tưởng làm cho khu vực này đẹp hơn lên, ông đề xuất: Mở rộng khoảng xanh hai bên bờ đông - tây, giảm lưu lượng giao thông quanh hồ và chuyển hướng ra phía ngoài khu vực…, kết nối quần thể di tích Đền Ngọc Sơn và Đền Bà Kiệu.
Hoàng Thi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.