Do các hệ thống cống, đập đang triển khai thi công làm nguồn nước bị ô nhiễm khiến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở kênh Sáu Thước càng trở nên bức xúc.
Mệt mỏi xách nước từ dưới kênh lên nhà, anh Phạm Văn Nhanh, ở ấp 7A2, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, bức xúc: “Ở đây, chúng tôi đều sử dụng nước dưới kênh Sáu Thước trong sinh hoạt hàng ngày. Để đối phó với vấn đề đó thì tất cả các hộ dân trong ấp buộc phải trang bị thêm các thiết bị lọc, trữ nước, với mong muốn lắng lọc cho bớt cặn bẩn. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân chúng tôi”.
Theo các hộ dân nơi đây, hồi trước nước kênh luôn là nguồn nước chính trong sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, những năm trở lại đây, do một số hộ dân thiếu ý thức cứ quăng rác, xác động vật chết bừa bãi xuống kênh, chưa kể là tình trạng thả nuôi gia súc, gia cầm tràn lan. Vì thế, hầu hết các hộ dân nơi đây đều rất mong có nước sạch để sử dụng. Chị Ngô Thị Thu Ba, ở ấp 7A2, xã Vị Thanh, bày tỏ: “Ở đây ai cũng dùng nước kênh hết. Khổ nỗi nhiều người thiếu ý thức quá nên xác động vật chết hay rác thải đều vứt hết xuống kênh thì thử hỏi làm sao không ô nhiễm”.
Nhu cầu lại càng bức thiết hơn khi vài tháng trở lại đây, hệ thống cống, đập đang triển khai đồng loạt trên địa bàn xã, từ đó gián tiếp làm ách tắc dòng chảy nên càng làm cho tình trạng ô nhiễm nặng hơn. Ông Trần Văn Lùn, ở ấp 7A2, xã Vị Thanh, than phiền: “Mọi sinh hoạt như tắm, giặt trong gia đình chúng tôi đều sử dụng nước của con kênh này. Nhưng không hiểu sao có hôm tắm xong thì có mùi hôi rất khó chịu. Chắc do nước bị ứ đọng lâu ngày do đang xây dựng cống, đập nên mới như thế”.
Do không chịu được cảnh phải xách từng thùng nước như những hộ dân khác nên nhiều năm nay, gia đình anh Phan Văn Dũng, ở ấp 7A2, xã Vị Thanh đã trang bị luôn cả mô tơ điện để tiện bơm nước sinh hoạt hàng ngày. Anh Dũng chia sẻ: “Nước kênh mùa này ô nhiễm lắm, nhưng vì không có nước sạch buộc phải sử dụng. Hổm rày nước dưới kênh xanh rờn, tắm vào là ngứa lắm. Vì vậy, tôi thường đợi nước lớn mới dám bơm lên để lóng phèn xài đỡ. Tuy bà con đã kiến nghị nhiều lần nhưng chẳng biết đến bao giờ mới có nước sạch sử dụng”.
Cũng theo anh Dũng, mỗi khi vào mùa khô, lượng nước mưa sử dụng không đủ nên gia đình phải bỏ tiền ra để mua nước đóng bình về phục vụ nhu cầu nấu ăn và uống. Tính ra, mỗi tháng phải bỏ ra cả trăm ngàn đồng tiền mua nước lọc. Còn anh Trần Văn Ốc, ở ấp 7B2, xã Vị Thanh, cho hay: “Hồi trước, người dân ở đây đã thuê thợ đến khoan giếng nhưng chẳng hiểu sao khoan sâu đến cả trăm mét mà nước vẫn bị nhiễm phèn nặng nên không sử dụng được. Từ đó phải tiếp tục chịu cảnh sử dụng nước dưới kênh Sáu Thước”.
Ông Phạm Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Vị Thanh, thừa nhận: Hiện nay, do các tuyến kênh ngày càng ô nhiễm nên nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao. Mặt khác, do triển khai hàng loạt các dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã nên nhiều tuyến kênh bị ảnh hưởng, gây bức xúc trong dân. Đáng nói là tuyến kênh Sáu Thước nằm ngang nên khi triển khai thi công hệ thống cống, đập đã làm cho dòng nước không thể tiêu thoát. Trong khi đang vào mùa khô, mực nước thấp, càng khiến cho nguồn nước dưới kênh ô nhiễm nặng thêm.
Theo Chi nhánh cấp nước Vị Thanh (Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang), trong năm 2016, để mở rộng mạng lưới cấp nước, công ty đã lên phương án kéo tuyến ống bên phía bờ Bắc kênh xáng Xà No qua địa bàn xã Vị Thanh. Tuy nhiên, đối với các tuyến nhánh rẽ như ở tuyến kênh Sáu Thước, nếu người dân có nhu cầu thì cần kiến nghị đến địa phương. Từ đó, địa phương sẽ tổng hợp gửi cho chi nhánh về nhu cầu sử dụng nước sạch để có cơ sở rà soát, xem xét, đề xuất với công ty bổ sung kế hoạch đầu tư các tuyến ống vào thời điểm 6 tháng cuối năm hoặc trong những năm tiếp theo.
Thanh Thúy (Báo Hậu Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.