Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại Hội thảo “Cao đẳng – thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức, ThS Chung Ngọc Quế Chi - Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh có bài tham luận đề cập đến những khó khăn trong quá trình phát triển hệ thống đào tạo cao đẳng Việt Nam.
ThS Chung Ngọc Quế Chi chỉ ra rằng, hệ thống đào tạo sau trung học của Việt Nam khá phức tạp, bao gồm nhiều bộ phận thuộc cơ quan quản lý khác nhau. Tình trạng này dẫn tới “mạnh ai nấy làm”, thiếu tính thống nhất, liên thông. Đặc biệt, những năm qua, hệ đào tạo cao đẳng vẫn loay hoay với bài toán cơ quan Nhà nước quản lý phù hợp.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hệ thống đào tạo cao đẳng trong nước xuất hiện và gắn chặt với đại học từ những năm đầu thế kỷ 20. Sự phát triển hệ cao đẳng đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực nước nhà qua các thời kỳ. Tuy nhiên, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ những quy định liên quan đến trình độ cao đẳng thuộc bậc đại học ở các luật trước đó.
“Đây là sự thay đổi khó tin”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói và phân tích, sự dịch chuyển trên dẫn tới các cơ sở giáo dục cao đẳng không được coi là cơ sở giáo dục đại học, quản lý giáo dục nghề nghiệp bị chia sẻ. Các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học, trường cao đẳng sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý Nhà nước, phần còn lại thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Quy định này đem đến nhiều hệ lụy không mong đợi.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT viện dẫn, Luật Dạy nghề năm 2006 quy định dạy nghề gồm: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề với mục tiêu “đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo. Năm 2014 Luật Giáo dục nghề nghiệp thay cho Luật Dạy nghề. Các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề viết lại thành trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Dẫu vậy, mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp vẫn viết theo Luật Dạy nghề năm 2006; còn mục tiêu cụ thể của trình độ cao đẳng được thiết kế theo cấu trúc “cộng dồn” trình độ sơ cấp và trung cấp mà không theo cấu trúc “đồng tâm”. Về bản chất, trình độ cao đẳng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp thường là giáo dục sau trung học nhưng chưa phải là giáo dục đại học, nó chỉ tương đương cấp độ 4 hoặc cấp độ thấp hơn của ISCED 2011 (Phân loại Tiêu chuẩn Quốc tế về Giáo dục năm 2011).
Trong khi đó, các chương trình cao đẳng “đích thực” phải được thiết kế nhất quán theo hướng nâng cao học vấn để bảo đảm tương đương cấp độ 5 của ISCED 2011 - cấp độ đầu tiên thuộc giáo dục đại học.
Từ đó, có thể thấy, kể từ khi các chương trình cao đẳng nghề ra đời theo Luật Dạy nghề và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo thiết kế; đặc biệt, kể từ khi các trường cao đẳng (chuyên nghiệp) và cao đẳng nghề chuyển sang mô hình “cao đẳng mới hợp nhất” (khác với thông lệ quốc tế) theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì công tác đào tạo cao đẳng của Việt Nam đã và đang phạm phải ít nhất hai sai lầm nghiêm trọng.
Điều này được thể hiện rõ tại Công văn số 19/HH-NC&PTCS của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc chuyển vai trò quản lý Nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ GD&ĐT (Công văn số 19).
Cụ thể, khi trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ nhưng nếu cơ quan quản lý lại nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp nghề lên thành cao đẳng, trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn dẫn tới tình trạng đào tạo “siêu tốc” và có thể tạo ra nguồn lực không tương xứng với trình độ đào tạo, không phù hợp với thông lệ chung của thế giới và hậu quả là nguồn nhân lực của ta không được thế giới công nhận.
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Công văn số 19 có nêu, thời gian qua có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa cao đẳng nghề với cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. Việc này dẫn tới quy định hợp nhất giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp có thể làm “méo mó” cơ cấu nguồn nhân lực cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dù khái niệm “cao đẳng” hoàn toàn không nhất quán trong suốt lịch sử giáo dục của Việt Nam nhưng theo TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nét giống nhau của các mô hình cao đẳng đều thuộc bậc giáo dục đại học. Chỉ riêng mô hình cao đẳng nghề theo Luật Giáo dục 2005 và cao đẳng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 mới đi theo cấu trúc khác, không thuộc giáo dục đại học.
TS Lê Viết Khuyến nhìn nhận, từ khi công tác quản lý Nhà nước đối với hệ cao đẳng không do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm tạo “điểm nghẽn” cản trở phân luồng học sinh sau THCS và phát triển nguồn nhân lực.
Theo thông lệ chung, để đáp ứng hội nhập quốc tế, các nước cần tuân theo “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế” (ISCED) do UNESCO ban hành. Phiên bản mới nhất là ISCED 2011 (ban hành năm 2011) có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014. Phiên bản này dành cho tất cả thành viên UNESCO, trong đó có Việt Nam để xác định trình độ của các chương trình giáo dục và đào tạo cụ thể.
“Dựa vào tài liệu trên, chúng ta có thể xác định được chương trình giáo dục của các quốc gia có tương đương nhau hay không, có phù hợp thông lệ quốc tế không?”, TS Lê Viết Khuyến nêu vấn đề và cho biết, ISCED 2011 được chia thành 9 cấp độ. Cụ thể: Cấp độ 0 cho giáo dục mầm non; cấp độ 1 cho tiểu học; cấp độ 2 cho trung học bậc thấp, tách ra theo hai luồng là: THCS dành cho giáo dục phổ thông và một luồng theo hướng dạy nghề, được gọi là sơ học nghề.
Cấp độ 3 cho trung học bậc cao (là THPT, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề); cấp độ 4 cho giáo dục sau trung học nhưng chưa phải đại học; cấp độ 5 cho cao đẳng; cấp độ 6 cho trình độ cử nhân và tương đương; cấp độ 7 cho thạc sĩ; cấp độ 8 cho tiến sĩ. “Theo ISCED 2011, các cấp độ 2, 3 thuộc về giáo dục trung học, các cấp độ 5, 6, 7 và 8 thuộc về giáo dục đại học. Không có khái niệm “Bậc Giáo dục nghề nghiệp” như ở Việt Nam”, TS Lê Viết Khuyến cho hay.
Xuất phát từ thực tiễn, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho hay, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Quốc hội điều chỉnh Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp theo định hướng: Đưa trình độ cao đẳng trở lại giáo dục đại học; đồng thời đưa quản lý Nhà nước về đào tạo cao đẳng chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ GD&ĐT.
Theo TS Lê Viết Khuyến, nếu loại cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học, cùng với áp lực giảm quy mô tuyển sinh vào đại học thì hậu quả tất yếu là đưa giáo dục đại học Việt Nam trở về đặc trưng tinh hoa - chỉ thích ứng với nền kinh tế trước công nghiệp hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.