Hé lộ chiêu “ép” na ra trái vụ để bán giá cao

Việt Tùng Thứ hai, ngày 22/06/2015 06:15 AM (GMT+7)
Muốn có na trái vụ phải để lại các mầm thân. Sau khi thu hoạch, cắt tỉa mầm để lại khoảng 15cm, được một thời gian các mầm này sẽ nảy lộc và ra hoa. Na trái vụ không sai quả, chỉ bằng ½ vụ chính, nhưng nếu giá na chính vụ 25.000 đồng/kg, thì na trái vụ khoảng 50.000 đồng/kg.
Bình luận 0

Na Chí Linh (Hải Dương) không chỉ có chất lượng, giá trị kinh tế cao, mà còn được khẳng định bởi kỹ thuật “ép” ra quả trái vụ. Người dân nơi đây đang nỗ lực xây dựng thương hiệu “Na an toàn Chí Linh” để xuất khẩu đi Mỹ.

Từ bạch đàn sang na

Thị xã Chí Linh là nơi tiếp giáp với huyện Đông Triều (Quảng Ninh) và Hữu Lũng (Lạng Sơn), diện tích tự nhiên chủ yếu là vùng đồi gò. Cũng vì thế, khoảng 20 năm về trước, cây trồng chủ yếu ở đây là vải thiều và bạch đàn. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế thấp, nên chục năm trở lại đây, diện tích vải, bạch đàn ngày một giảm và thay thế vào đó là một giống cây mới đang được ví là “cây vàng”, cây “xóa đói, giảm nghèo” và là cây làm giàu của người dân nơi đây. Đó chính là cây na.

img
Chính quyền và người dân thị xã Chí Linh (Hải Dương) đang nỗ lực để đưa na xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: V.T

Theo ông Nguyễn Văn Điều – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Chí Linh, hiện trên địa bàn có khảng 500ha na, trong đó na đã cho thu hoạch khoảng 400ha. Trong đó nhiều hộ gia đình có tới cả chục ha, doanh thu hàng tỷ mỗi năm, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, mà con vươn lên làm giàu.

Chúng tôi về “vựa” na ở xã Hoàng Tiến, cả một khu vực rộng lớn được phủ lên một màu xanh bạt ngàn của na. Mặc dù na mới cho quả to mới bằng cái chén, song nông dân đang rất vui và không khí làm việc ở đây đầy phấn khởi. Bởi họ tin vào một mùa na được mùa, được giá và đặc biệt vui vì vừa qua có một doanh nghiệp về khảo sát với dự kiến sẽ đưa na xuất khẩu sang Mỹ và một số nước Đông Âu.

Ông Phạm Bá Ngôn – Trưởng thôn Tân Tiến (Hoàng Tiến) cho biết, hiện thôn có khoảng 100ha na, với 75 hộ trồng. Hầu hết các diện tích bạch đàn, vải kém chất lượng đều đã được người dân chặt để trồng na. Đang chăm sóc na, gặp chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Thủy (thôn Tân Tiến), hiện có 3ha na, là một trong những người đi đầu trong phong trào trồng na và đặc biệt là kỹ thuật “ép” na ra quả trái vụ, cho biết: Trước đây anh trồng vải, nhưng giá trị của cây vải đem lại thấp, bấp bênh vì không có đầu ra, nên quyết định chuyển sang trồng na. “Nghĩ là làm, tôi quyết định mua giống về trồng, lúc đầu là 1ha, tôi nhân rộng ra và bây giờ là 3ha, với giá trị đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi 600 – 650 triệu đồng. Nhưng tôi nghĩ, làm na chính vụ vẫn chưa ổn, nên đã nghĩ ra cách làm na trái vụ. Chỉ có hàng “độc”, chất lượng mới có giá trị kinh tế cao” – anh Thủy chia sẻ.

Nói về kỹ thuật “ép” na ra trái vụ, anh Thủy cho biết, muốn có na trái vụ phải để lại các mầm thân. Sau khi thu hoạch, cắt tỉa mầm để lại khoảng 15cm, sau một thời gian các mầm này sẽ nảy lộc và ra hoa, vào khoảng tháng 11 âm lịch sẽ cho thu hoạch. Na trái vụ không sai quả, chỉ bằng ½ vụ chính, nhưng nếu na chính vụ 25.000 đồng/kg, thì na trái vụ khoảng 50.000 đồng/kg.

Có thương hiệu sẽ bay xa

Chất lượng, giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế của cây na ở Chí Linh đã được khẳng định, song có một điều mà lãnh đạo địa phương, cũng như người trồng na rất trăn trở là chưa xây dựng được thương hiệu cho quả na. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hóa – Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh cho biết, kế hoạch xây dựng thương hiệu “Na an toàn Chí Linh” đã được thị xã lập kế hoạch và đang giao các phòng ban chuyên môn, phối hợp Sở KHCN hoàn tất hồ sơ thủ tục để công nhận.

“Mặt khác, thị xã đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao KHCN để người dân sản xuất ra quả na “sạch” nhất, ngon nhất, an toàn nhất, để có thể xuất khẩu na đi Mỹ và các nước khác, chứ không chỉ bó hẹp ở thị trường trong nước” – ông Hóa cho biết thêm.

Theo ông Điều, vừa qua đã có một vài doanh nghiệp về lấy vải ở Chí Linh để xuất khẩu đi Mỹ, qua đó doanh nghiệp này cho biết họ cũng đang có ý định đưa na sang Mỹ trong vụ na năm nay. Tuy nhiên, cái khó là diện tích trồng na VietGAP chưa nhiều...

Anh Nguyễn Văn Trường ở thôn Tân Tiến bộc bạch: “Cũng nhờ cây na mà gia đình tôi đã thoát nghèo, nên tôi quyết “sống chết” với cây na. Hiện tôi áp dụng quy trình VietGAP cho vườn na, mặc dù có thể chưa được như mong muốn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng”. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem