Hé lộ dấu tích kiến trúc đồ sộ và di vật quý ở chính điện Kính Thiên

Lê Tâm Thứ tư, ngày 17/12/2014 08:37 AM (GMT+7)
Từ tháng 2-12.2014, Viện Khảo cổ đã liên tục khai quật thám sát với tổng diện tích gần 1.000m2 tại khu vực chính điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long. Các kết quả có được vô cùng khả quan, đã hé lộ dấu tích kiến trúc đồ sộ thời Lê Trung hưng, di vật quý thời Lý - Trần.
Bình luận 0

Di tích phức hợp chồng nhau

Sáng 16.12, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2014. PGS - TS Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: "Cuộc khai quật năm 2014 đã xác định được rõ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung hưng đến thời Nguyễn. Với 3 hố khai quật, lần đầu tiên các nhà khảo cổ đã xác định được các dấu tích kiến trúc ở trục trung tâm của Hoàng thành kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại, chứ không chỉ từ thời Lê như các đợt khai quật trước, thể hiện rõ nét qua các đường nước lớn và các cột trụ, móng tường”.

img
Di vật bằng vàng miếng có niên đại cuối thời Lý đầu thời Trần.     Nguyễn Hồng Kiên  
Từ kết quả khai quật năm 2013, hố đào được mở rộng sang phía đông với tổng diện tích là 350m2, tại hố khai quật này, các nhà khảo cổ đã thấy xuất hiện dấu tích của 6 tầng văn hóa chồng lên nhau, gồm lớp mặt của thời hiện đại, lớp văn hóa tiếp theo thuộc thời Pháp và nhà Nguyễn, lớp văn hóa thời Lê Trung hưng dày 30cm kết thúc bằng lớp nền sân Đan Trì, lớp văn hóa thời Lê sơ dày 25cm, lớp văn hóa thời Trần dày 40-50cm và cuối cùng là lớp văn hóa thời Lý đến Trần dày 1,6m, sâu nhất là vị trí đường nước lớn.

 

Đây là lần đầu tiên, các cuộc thám sát và khai quật ở trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã xác định được các tầng văn hóa đầy đủ nhất có niên đại kéo dài từ thế kỷ VIII-IX đến thế kỷ XIX-XX. Các dấu tích kiến trúc ở trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến hiện đại, bước đầu làm xuất lộ 4 dấu tích kiến trúc lớn thời Lý như móng kiến trúc, móng tường, sân gạch và đặc biệt đường nước lớn. PGS - TS Trịnh Sinh cho biết: “Một kết quả rất quan trọng của đợt khảo cổ lần này là chúng ta tìm thấy đường nước lớn ở dưới tầng văn hóa thời Lý, Trần, nhưng cần phải tìm hiểu đường nước đó đổ đi đâu, xung quanh có ao hồ nào hay có nguồn dẫn ra sông Tô Lịch, hoặc như ý kiến của một số người đánh giá là phải chăng nó chỉ có ý nghĩa về mặt phong thủy...”. Đợt khai quật năm 2014 này đã cho thấy nhiều dấu tích kiến trúc thời Trần bị phá hủy nghiêm trọng, đồng thời xác định được một phần không gian chính điện Kính Thiên ở khu vực trung tâm như: Ngự đạo, sân Đan Trì, móng kiến trúc, đặc biệt các di tích này đều xác định rõ 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung hưng xếp chồng lên nhau rất đồ sộ.

Đề xuất tiếp tục đào rộng

GS Hoàng Văn Khoán phát biểu: “Ngoài những di vật được tìm thấy rất phong phú, nổi bật là loại ngói men xanh, vàng thời Lê sơ, thì tôi đặc biệt ấn tượng và thích thú với hiện vật bằng vàng hình rồng, trang trí cách điệu hoa sen. Đây có thể là miếng vàng trang trí trên áo hoặc mũ của các nhân vật trong hoàng tộc, chế tác rất tinh xảo. Với cái mào rồng và thân hình uốn lượn, tôi nghĩ di vật này là thuộc cuối thời Lý chớm sang đầu thời Trần. Cuộc khai quật năm 2014 tìm thấy nhiều di vật hay thì đã rõ, kiến trúc cũng nhất quán với những gì đã đào được nhiều năm qua. Tuy nhiên chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu đào rộng ra để hiểu thêm về kiến trúc cung đình”.

Đề xuất này cũng nhận được sự đồng tình của phần đông các ý kiến phát biểu tiếp sau đó. PGS -TS Lâm Mỹ Dung cho biết: “Nếu cứ đào nhỏ lẻ sẽ khó kết nối, dù hệ thống dữ liệu có tốt. Chúng ta cần phải tổ chức những đợt khai quật lớn để có cái nhìn khái quát hơn, cũng như cần phải có kế hoạch cụ thể, lâu dài, tiến tới khai quật toàn bộ khu tích. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ và các cơ quan chức năng cũng cần có kế hoạch lưu giữ vết tích khai quật để sau này có thể trưng bày ngoài trời. Cần phải xác định khai quật để trưng bày chứ không phải khai quật chỉ đơn thuần là dành cho nghiên cứu”.

GS Nguyễn Quang Ngọc- Chủ tịch Hội Lịch sử Hà Nội nhận định: Những gì đào được vừa qua góp phần nâng cao nhận thức, tiến gần thực tế, giúp chúng ta có suy nghĩ khác hẳn so với một vài năm trước. Trước kia chúng ta có lúc còn hoang mang nhưng bây giờ đã có niềm tin hơn. Bởi thế chúng ta cần phải tiếp tục đào lớn hơn, không thể 1 năm trời mà chỉ đào được có gần 1.000m2. Đường nước mới phát lộ cho chúng ta những nhận thức mới, căn cứ vào bản đồ Hồng Đức thì khu vực hoàng thành có hồ lớn. Nên tiếp tục có những tính toán cụ thể, hy vọng chỗ ta đang khai quật chính là trung tâm thành Thăng Long xưa”.

Phát biểu kết thúc, GS Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Từ năm 2011, khi bắt đầu khai quật ở điện Kính Thiên cho đến bây giờ thì không chỉ nhận thức của chúng ta thay đổi mà còn có nhiều thứ khác cũng thay đổi. Diện tích khai quật hiện nay còn ít nên cần mở rộng để có những nhận thức tổng thể, tránh phán đoán.

Trong khi đó, đặc trưng của di tích rất phức tạp, nhìn từng tầng rất khó nên yêu cầu của các cơ quan liên quan là vừa khai quật, vừa bảo tồn. Tôi được biết tổng diện tích cần khai quật của Hoàng thành là 130.000m2 trong khi đó, 1 năm chúng ta chỉ khai quật được gần 1.000m2 thì ít quá và chậm quá”.

TS Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội  cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã có kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, có đề án nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên. Sang năm sau, dự kiến kế hoạch khai quật sẽ tăng lên 5.000m2 đồng thời sẽ nhìn nhận đánh giá sau 5 năm trình hồ sơ lên UNESCO, di sản đã có thêm được những gì”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem