Hé lộ hệ sinh thái G-Group, công ty đứng sau mạng xã hội đình đám BeatVN

An Vũ Thứ sáu, ngày 27/01/2023 12:48 PM (GMT+7)
G-Group hiện sở hữu 11 công ty thành viên trong đó có VSEC, Ginnovations, Tima, GTV, BeatVN, Gpay, Quỹ đầu tư G-Capital,… Trước khi G-Group ra đời, ông Phùng Anh Tuấn được nhiều người biết đến với vai trò người điều hành F88, chuỗi cửa hiệu cầm đồ đầu tiên tại Việt Nam.
Bình luận 0

Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, ngày 24/1, Công an thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) tiến hành ngày 24/1 tại khách sạn Pao's đã tạm giữ là Trương Ngọc Hà Tuấn hay còn gọi với cái tên nổi tiếng Tuấn Saker (SN 1985, ở Cầu Giấy, Hà Nội).

Cơ quan chức năng bắt quả tang Tuấn Saker đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Vật chứng thu giữ tại hiện trường gồm 29,93g ma túy gồm ma túy tổng hợp MDMA, ketamin, cần sa và một số chất nghi là ma túy tổng hợp khác.

Trương Ngọc Hà Tuấn được biết đến là một người nổi tiếng trên mạng xã hội TikTok với nick name "Tuấn Saker" với hơn 28.000 người theo dõi; đồng thời Tuấn còn được biết đến là admin trang Facebook Beatvn có hơn 3 triệu người theo dõi. Tuấn Saker hiện đang là lãnh đạo chủ chốt của Công ty CP Beat Việt Nam.

Hé lộ hệ sinh thái G-Group - công ty đứng sau BeatVN  - Ảnh 1.

Tuấn Saker từng được ví là idol của giới 8x, 9x...

Nhận diện hệ sinh thái G-Group

Theo tìm hiểu, Công ty CP Beat Việt Nam nằm trong hệ sinh thái của Công ty CP Tập đoàn G (G-Group). 

Tiền thân của G-Group là Công ty CP Tập đoàn Gplay, thành lập ngày 8/1/2016. Trụ sở nằm tại P 207-01, tầng M, toà nhà N01A-Golden Land, 275 Nguyễn Trãi - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội.

Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 30 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: ông Phùng Tuấn Anh góp 26,1 tỷ đồng (87%), Bùi Tiến Thành góp 1,5 tỷ đồng (5%), cổ đông Tô Đại Phong góp 1,5 tỷ đồng (5%), cổ đông Nguyễn Minh Đức góp 900 triệu đồng (3%).

Đến tháng 9/2017, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn G. Người đại diện pháp luật khi này là ông Phùng Anh Tú (SN 1988) kiêm Tổng Giám đốc.

Tháng 8/2018, G-Group nâng vốn điều lệ lên 60 tỷ đồng. Và đến tháng 10/2021, Công ty tăng vốn lên 700 tỷ đồng, không rõ cổ đông góp vốn. Người đại diện pháp luật vẫn là ông Phùng Anh Tú - cùng địa chỉ thường trú với ông Phùng Anh Tuấn (SN 1984).

Trước khi G-Group ra đời, ông Phùng Anh Tuấn được nhiều người biết đến với vai trò người điều hành F88, chuỗi cửa hiệu cầm đồ đầu tiên tại Việt Nam.

Trên website của G-Group giới thiệu, Tập đoàn đầu tư trong 3 lĩnh vực: Tài chính công nghệ; Truyền thông công nghệ; An ninh công nghệ; sở hữu 11 công ty thành viên trong đó có VSEC, Ginnovations, Tima, GTV, BeatVN, Gpay, Quỹ đầu tư G-Capital,…

Hé lộ hệ sinh thái G-Group - công ty đứng sau BeatVN  - Ảnh 2.

Hệ sinh thái của G-Group. Ảnh chụp màn hình

BeatVN là công ty trong lĩnh vực truyền thông xã hội và giải trí, cung cấp nội dung số: tin tức xã hội, nghệ thuật, thể thao và đời sống của giới trẻ. Công ty thành lập ngày 16/10/2015 với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, trong đó ông Phùng Anh Tuấn góp 50%, Đoàn Hải Minh góp 20%, Trương Ngọc Hà Tuấn (Tuấn Saker) góp 10% , Hà Trung Kiên góp 10% và Nguyễn Đắc Trà Ly góp 10%. Người đại diện pháp luật là ông Phùng Anh Tuấn (SN 1984) kiêm Chủ tịch HĐQT.

BeatVN sở hữu kênh Facebook hơn 1,6 triệu like, kênh Youtube với gần 300.000 người đăng ký cùng mạng lưới social media với hơn 30 triệu followers trong hệ thống. Ngoài hệ sinh thái Multi Network bao gồm các kênh đa dạng trên một số nền tảng mạng xã hội (20 triệu người theo dõi), Beat còn sở hữu B Creative, đơn vị cung cấp dịch vụ truyền thông marketing cho các doanh nghiệp.

CTCP Công nghệ Gapo được thành lập với mục tiêu xây dựng mạng xã hội nội địa. Vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, trong đó G-Group góp 35%, Công ty CP Giải pháp Công nghệ cao Việt Sifo góp 35% và Hà Trung Kiên góp 30%. Tháng 07/2019, Công ty CP Công nghệ Gapo chính thức ra mắt Mạng xã hội Gapo. Tháng 05/2021, Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo ra mắt GapoWork – Nền tảng giao tiếp cho doanh nghiệp. Cập nhật thay đổi tháng 5/2021, Gapo có vốn điều lệ hơn 200 tỷ đồng.

Trong khi đó, GTV được thành lập năm 2010 với tên gọi ban đầu là GameTV, kinh doanh dựa trên tựa game Age of Empires (AoE/Đế Chế). Công ty này hoạt động trong lĩnh vực eSports (thể thao điện tử), livestream, đào tạo và phát triển Idols, streamers và phát hành game. Đây cũng là đơn vị game thủ Chim Sẻ Đi Nắng từng đầu quân.

Bên cạnh truyền thông và game, G-Group cũng hoạt động khá mạnh trong lĩnh vực tài chính. Công ty CP Tập đoàn Tima bắt đầu tham gia thị trường công nghệ tài chính từ năm 2015 với vai trò là sàn kết nối tài chính đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, theo thông tin tự công bố.  G-Group từng là cổ đông sáng lập khi góp 60% vốn vào Tima, ngoài ra phải kể đến Tổng Giám đốc G-Group - ông Phùng Anh Tú (10%) và ông Nguyễn Văn Thực (10%).

Trước đấy, F88 được G-Group giới thiệu nằm trong hệ sinh thái các công ty con của mình. Song đến tháng 7/2019, cái tên F88 đã không còn xuất hiện trên website của G-Group.

Đến ngày 2/10/2018,  G-Group, ông Phùng Anh Tú thoái hết vốn tại Tima, chỉ còn ông Nguyễn Văn Thực nắm 21,760%. Cùng với đó, cơ cấu cổ đông Tima xuất hiện hai cổ đông “ngoại” mới là Belt road Investment Group limited và Dunearn PTE. Trong đó, quỹ ngoại Belt road Investment Group limited vào ngày 1/10/2018 đã góp vốn 3 triệu USD vào Tima. Cập nhật tại tháng 4/2022, Tima có vốn điều lệ hơn 8,8 tỷ đồng, không rõ cổ đông sáng lập. Người đại diện pháp luật là ông Trần Thế Vĩnh (SN 1982).

Trong khi đó, G-Capital là quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ và tài chính, tham gia đầu tư vào các công ty thành viên của G-Group. Ví điện tử Gpay cũng thuộc G-Group cho biết họ sẽ đạt 5 triệu người dùng thường xuyên vào năm sau. Tháng 1/2021, Gpay nhận khoản đầu tư Series A từ Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỷ đồng. Công ty thành lập với vốn ban đầu là 10 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là ông Trần Mạnh Công (SN 1987).

Công ty CP Công nghệ Hanet thành lập ngày 31/5/2021 với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: G-Group góp 9%, Phùng Anh Tú góp 1%, Võ Đức thọ góp 90%. Đến tháng 6/2021, Công ty nâng vốn lên hơn 13,8 tỷ đồng...

G-Group làm ăn thế nào?

Dữ liệu cho thấy, giai đoạn năm 2016 - 2017, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 444 triệu đồng và 6 tỷ đồng, báo lỗ thuần ở mức 1 tỷ đồng và 720 triệu đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của G-Group đạt 32,6 tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm trước; lỗ thuần cũng tăng lên 5,3 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 1,88 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của G-Group đạt 239,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 152,1 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 4 lần và 2,7 lần so với thời điểm đầu năm, tăng trưởng mạnh về người dùng và doanh thu, tuy nhiên vẫn báo lỗ.

Tương tự G-Group, các công ty thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn này cũng có kết quả kinh doanh khá tương đồng, tăng trưởng mạnh về người dùng và doanh thu, tuy nhiên vẫn báo lỗ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem