Cà Mau: Hé lộ tuyệt chiêu làm "bà đỡ" cho cua mẹ "trăm trứng nở trăm con", thu nhẹ nhàng hàng chục triệu mỗi tháng

Chúc Ly Chủ nhật, ngày 17/04/2022 06:09 AM (GMT+7)
Nuôi vỗ hay còn gọi là làm "bà đỡ" cho cua mẹ mang hàng triệu con ở huyện Năm Căn (Cà Mau) là một nghề đặc biệt. Dù nghề này đem lại thu nhập khá cao cho người dân nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và có những bí quyết riêng.
Bình luận 0

Tận dụng lợi thế là nơi có thương hiệu cua ngon nhất nước, nhiều hộ dân ở huyện Năm Căn (Cà Mau) phát triển nghề làm "bà đỡ" cho cua mẹ.

Những con cua cái đang trong quá trình ôm trứng được nông dân gọi là cua mẹ. Trứng sẽ phát triển cho đến lúc thành ấu trùng mới rời khỏi bụng cua; từ ấu trùng tiếp tục phát triển thành cua con hay còn gọi là cua giống được bán trên thị trường. Và những con cua mẹ ôm trứng sẽ được người dân nuôi và bán nguyên con cho những hộ làm cua giống.

Bí mật nghề làm "bà đỡ" cho cua mẹ mang hàng triệu con - Ảnh 4.

Để nuôi cua mẹ, trước tiên phải chọn được cua cái phù hợp. Đó là những con cua cái đầy gạch và không quá già. Ảnh: Chúc Ly.

Anh Trần Việt Hùng ở ấp Cái Nai, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, cho biết, nghề nuôi cua mẹ khá phổ biến ở địa phương do có nguồn cua nguyên liệu dồi dào. Đây là nghề không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và tốn nhiều công sức.

"Nếu sản xuất cua mẹ đạt chất lượng tốt có thể xuất bán cho các thị trường trong và ngoài nước, đem lại thu nhập cao. Cũng từ nghề làm "bà đỡ" cho cua mẹ, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo. Để thực hiện mô hình này, khâu quan trọng nhất là chọn được cua cái chất lượng", anh Hùng cho hay.

Được biết, các hộ làm nghề nuôi cua mẹ sẽ săn lùng những con cua cái đạt kích cỡ và tiêu chuẩn phù hợp để tiếp tục nuôi vỗ cho đến lúc ôm trứng.

Bí mật nghề làm "bà đỡ" cho cua mẹ mang hàng triệu con - Ảnh 5.

Người nuôi đang vệ sinh cua mẹ. Ảnh: Chúc Ly.

Anh Nguyễn Văn Niêm ở khóm 5, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nuôi vỗ cua mẹ, chia sẻ: "Để nuôi dưỡng cua mẹ cần phải chọn những con cua cái có trọng lượng khoảng từ 450-600gr, đầy gạch và cua không quá già".

Nói về thủ thuật để cua mẹ nhanh đẻ trứng, anh Niêm cho biết: "Sau khi chọn được cua mẹ thì tiến hành vệ sinh và phải cắt 1 mắt trái của cua. Việc làm này giúp cho cua nhanh đẻ trứng, hạn chế khả năng hoạt động sau khi sinh sản. Sau đó, cho cua vào bể chứa có chạy oxy. Sau thời gian chăm sóc từ 10-20 ngày, cua bắt đầu sinh sản và có thể xuất cua bán nguyên con".

Cua mẹ sau khi sinh sản, màu trứng biến đổi theo từng giai đoạn. Cụ thể, từ ngày nở thứ 1 đến ngày thứ 4, trứng sẽ có màu vàng; ngày thứ 5-8 màu xám, từ ngày 9-12 sẽ có màu đen. Mỗi con cua mẹ mang trứng có thể nở trung bình khoảng 2 triệu ấu trùng, đạt từ 200 - 500 con cua con.

Thức ăn của cua mẹ cũng rất dễ tìm, có thể tận dụng cá loại cá tạp, ốc,.. có sẵn ở địa phương. Với mô hình này, bình quân mỗi tháng anh Niêm bán ra được 50-70 con cua mẹ, giá mỗi con giao động từ 1-2 triệu đồng tùy thời điểm. Sau trừ chi phí, mỗi tháng anh lãi trung bình từ 10-15 triệu đồng.

Bí mật nghề làm "bà đỡ" cho cua mẹ mang hàng triệu con - Ảnh 8.

Cua mẹ được chăm sóc đến một thời điểm thích hợp sẽ cho vào ổ cát để chờ sinh sản. Ảnh: Chúc Ly.

Cũng là một hộ theo nghề làm "bà đỡ" cho của mẹ, chị Nguyễn Thị Mộng Thu ở khóm 5, thị trấn Năm Căn, cho hay: "Để tránh hao hụt, cua mẹ được nuôi riêng mỗi thùng một con. Khi cua chưa đẻ trứng thì mỗi ngày vệ sinh một lần, thay nước một lần. Khi cua đã ôm trứng thì mỗi ngày thay nước 2 lần và không vệ sinh".

Bí mật nghề làm "bà đỡ" cho cua mẹ mang hàng triệu con - Ảnh 9.

Một con cua mẹ sinh sản đã mang hàng triệu con. Ảnh: Chúc Ly.

Bí mật nghề làm "bà đỡ" cho cua mẹ mang hàng triệu con - Ảnh 12.

Trứng cua sẽ dần biến đổi từ màu vàng nhạt đến màu đen. Trong quá trình này, cua mẹ sẽ được bán theo nhu cầu của người mua. Ảnh: Chúc Ly.

Bí mật nghề làm "bà đỡ" cho cua mẹ mang hàng triệu con - Ảnh 14.

Mỗi con cua mẹ có thể mang hàng triệu ấu trùng, có giá bán từ 1-2 triệu đồng tùy loại. Ảnh: Chúc Ly.

Theo Phòng NNPTNT huyện Cái Nước, nhu cầu mua cua mẹ của thị trường khá cao. Địa phương tiếp tục vận động các hộ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao chất lượng và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, rà soát, thống kê lại số hộ thực hiện mô hình, có kế hoạch tập huấn kỹ thuật, hạn chế rủi ro cho bà con.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem