Hé lộ về cuộc đàm phán lịch sử giữa Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch

Nguyễn Hoà Thứ năm, ngày 20/08/2020 19:31 PM (GMT+7)
Hiệp định kháng Nhật lần hai của Quốc - Cộng chính là chìa khóa để toàn thể nhân dân Trung Quốc giành thắng lợi trước phát xít Nhật. Nhưng để đạt được hiệp định lịch sử mang tính sống còn đó phải kể đến vai trò vô cùng quan trọng của Chu Ân Lai trong cuộc hội đàm với Tưởng Giới Thạch vào năm 1937.
Bình luận 0

Chuyện Chu Ân Lai gặp Tưởng Giới Thạch được tóm tắt như sau: Vào năm 1936, đúng tiết xuân, trên tờ Thân báo của Thượng Hải có đăng dòng tin: "Tìm người khởi sự", yêu cầu tìm người có tên là Ngũ Hào, vào ngày 5/5, hẹn gặp tại Hotel Tân Á, đường Bắc Tứ Xuyên để thương lượng. Ngũ Hào chính là biệt danh của Chu Ân Lai trong những năm đầu tại Bạch khu.

Hé lộ về cuộc đàm phán lịch sử giữa Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch - Ảnh 1.

Tưởng Giới Thạch và vợ.

Vào ngày 9/8/1936, Trương Sung, tướng đặc vụ thân tín của Tưởng Giới Thạch bí mật tới Thiểm Bắc, tham gia hội kiến với một số lãnh đạo cao cấp trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mục đích của các cuộc gặp này là đi đến thống nhất sẽ có một cuộc gặp cấp cao bàn phương thức liên kết kháng Nhật.

Hai ngày sau, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mở hội nghị, căn cứ vào tình hình cụ thể, Mao Trạch Đông đã đề nghị kịp thời đổi ngay từ phương châm "kháng Nhật phản tướng" thành "Bức tướng kháng Nhật".

Sau khi "sự biến Tây An" đại diện toàn quyền của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - Chu Ân Lai với tài năng chính trị cùng nhãn quan nhìn xa trông rộng đã hóa giải mâu thuẫn giữa các bên, sắp đặt hội nghị 3 bên, đạt được hiệp ước "dịch tướng kháng Nhật".

Chiều ngày 24/12, Tưởng Giới Thạch đã có cuộc gặp với Chu Ân Lai. Trong cuộc gặp này, Tưởng Giới Thạch đã "tâm sự" một cách ý nhị với Chu Ân Lai rằng: "Ân Lai, ông vẫn cứ là đồng chí tốt như thời ở Hoàng Phố. Tôi với tư cách của một lãnh tụ đảm bảo rằng, quyết không để xảy ra nội chiến, sau này ông có thể đến Nam Kinh trò chuyện cùng tôi".

Có thể nói sau "sự biến Tây An", lại có thêm hàng loạt sứ mệnh quan trọng khác đang đón chờ Chu Ân Lai, mà công việc quan trọng có tính chất quyết định của lịch sử là: Tiến hành cuộc đàm phán chính thức với Quốc dân đảng.

Nhưng sau khi Trương Học Lương bị bắt, lời hứa của Tưởng Giới Thạch liệu còn đáng tin, điều này khiến nhiều người vô cùng băn khoăn. Quả đúng vậy. Vào ngày 9/2/1937, hai bên Quốc - Cộng đã tiến hành cuộc hội đàm chính thức lần thứ nhất tại Tây An. Phía Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh, còn Quốc dân đảng có Cố Phúc Đồng và Hạ Trung Hàn.

Trong lúc đó, Trương Sung vẫn liên tục xin ý kiến Tưởng Giới Thạch để nhanh chóng mở một hội nghị mà nhân vật chính chỉ có Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch.

Tại hội nghị 9/2/1937, chính sự thoải mái và cởi mở của Chu Ân Lai đã làm không khí không còn nặng nề. Bước khởi đầu của Hội nghị Tây An khá thuận lợi, đã đạt được hiệp định giữa hai bên. Nhưng đến giây phút quyết định khi chuẩn bị đặt bút ký, Tưởng Giới Thạch đã chỉ đạo lật ngược toàn bộ hiệp định. Do vậy, kết quả hội nghị không thu được là bao nhiêu.

Rất nhiều vấn đề cần bàn bạc phải đợi đích thân Tưởng Giới Thạch tới trực tiếp đàm phán. Tưởng Giới Thạch đã điện hẹn gặp Chu Ân Lai từ ngày 22 đến 25/3 tại Thượng Hải. Địa điểm hẹn gặp là Tây Hồ, Hàng Châu, trong lịch sử gọi cuộc gặp quan trọng này là "Hội đàm Tây Hồ".

Cuộc hội đàm lần này diễn ra vào hạ tuần tháng 3/1937. Vừa mào đầu, Tưởng Giới Thạch đã nêu quan điểm: "Các ông cần xem xét lại những quyết định trong quá khứ, các ông không cần phải đàm phán hợp tác với Quốc dân đảng, mà chỉ cần hợp tác với tôi, hợp tác vĩnh viễn, giải quyết được vấn đề này, mọi thương lượng khác đều có thể giải quyết tốt".

Chu Ân Lai đã quá thấu hiểu ý tứ con người, dã tâm của Tưởng Giới Thạch khi đề cập tới "vấn đề lãnh tụ". Chu Ân Lai cũng nói thẳng: "Chúng tôi luôn ủng hộ những nguyên tắc của Ủy viên trưởng (Mao Trạch Đông) là đứng trên lập trường đấu tranh chung để giải phóng dân tộc, giành tự do dân chủ và cải thiện dân sinh, quyết không bao giờ chịu bán mình đầu hàng. Nếu Ủy viên trưởng quyết tâm kháng Nhật, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất định thành tâm hợp tác, quyết không mưu tư lợi nhất đảng".

Nghe đến đây, Tưởng Giới Thạch rất vui mừng nói: "Được rồi, tốt rồi, tôi biết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không làm tôi thất vọng mà".

Nhưng, Chu Ân Lai cũng nghiêm mặt mà chỉ thẳng ra rằng: "Chúng tôi thừa nhận Ủy viên trưởng là lãnh tụ kháng Nhật trên toàn quốc, nhưng như vậy không có nghĩa là chúng tôi mất đi tính độc lập của một chính đảng, nếu như nói kháng Nhật được dựa trên cơ sở nền tảng của hợp tác, một nguyên tắc của chúng tôi đó là sự độc lập".

Lúc này, Chu Ân Lai đưa ra 6 yêu cầu cụ thể của Trung ương Đảng đối với Tưởng. Hai bên bàn đi tính lại, mọi lời lẽ khôn ngoan sắc sảo nhất được đưa lên bàn cân. Chu Ân Lai và Phan Hán Niên quyết không nhượng bộ. Tưởng và Trương Sung cũng không chịu kém... Bàn đi tính lại mãi, vẫn chưa đi đến thống nhất, hai bên vô cùng căng thẳng.

Mấy ngày sau, cuộc thương lượng lại diễn ra. Tình thế đã có nhiều biến chuyển. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp bàn và quyết định rằng: Vì đại nghiệp của toàn thể dân tộc Trung Hoa phải nhượng bộ một phần với Tưởng. Còn Tưởng cũng vì muốn tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của tất cả các giới cho cuộc kháng chiến chống Nhật đã chọn ý kiến của Chu Ân Lai đưa ra là hợp tác vĩnh viễn.

Cuối cùng, Tưởng bất ngờ phán:  "Cho dù biện pháp hợp tác vĩnh viễn vẫn chưa thực sự được khẳng định, nhưng tôi cũng quyết không bao giờ một lần nữa tấn công lại các ông!". Như vậy, Chu Ân Lai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng giao phó.

Sau vài chục năm chinh chiến, qua biết bao biến cố lịch sử, khi đứng ở cương vị cao nhất của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chu Ân Lai vẫn bồi hồi xúc động mỗi khi trở lại Tây Hồ, nhớ đến cuộc hội đàm có tính chất lịch sử quyết định vận mệnh của cả một dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem