Hé lộ vũ khí bí mật, giúp Tào Tháo nhanh chóng xưng bá 1 phương

Thứ sáu, ngày 14/01/2022 08:30 AM (GMT+7)
Vũ khí bí mật này giúp Tào Tháo nhanh chóng làm chủ vùng đất phương Bắc rộng lớn, đồng thời giành được không ít thắng lợi trong Tam Quốc. Đó là gì?
Bình luận 0

Trong Tam Quốc, để tranh đấu trên vũ đài chính trị, nhiều cuộc chiến đẫm máu đã xảy ra. Cuối cùng, thế chân vạc được hình thành bao gồm Tào Nguỵ, Thục Hán và Đông Ngô. Những ông chủ của ba tập đoàn chính trị mạnh nhất lúc bấy giờ là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền.

Bên cạnh những cuộc đấu trí nảy lửa, yếu tố để quyết định thắng thua trên chiến trường Tam Quốc cần phải có vũ khí và nhân lực tốt. Trong đó, nhân lực tốt ở đây đóng vai trò trọng yếu. Ngoài những mãnh tướng kiêu hùng, việc sở hữu một đội quân hùng mạnh, thiện chiến được coi là điều kiện cần mà tập đoàn chính trị nào thời Tam Quốc cũng muốn sở hữu.

Trong ba vị quân chủ đứng đầu Tam Quốc, Tào Tháo là người có lợi thế hơn cả. Theo các chuyên gia, sở dĩ Tào Tháo có thể thống nhất phương Bắc thành công và trong một khoảng thời gian ngắn chủ yếu là nhờ vào một vũ khí bí mật. Đó chính là đội kỵ binh hùng hậu và tinh nhuệ.

Do bị hạn chế bởi các yếu tố về địa lý, nên trong buổi đầu lập nghiệp, Thục Hán chủ yếu tập trung vào bộ binh, Đông Ngô phát triển thuỷ quân dựa trên những lợi thế sẵn có.

Chỉ một vũ khí bí mật, Tào Tháo nhanh chóng xưng bá 1 phương: Khả năng chiến đấu cực mạnh! - Ảnh 1.

Kỵ binh chính là "át chủ bài" giúp Tào Tháo thống nhất phương Bắc. Ảnh: Sohu

Tuy nhiên, "át chủ bài" giúp Tào Tháo thống nhất phương Bắc rộng lớn lại là kỵ binh. Vì sao Tào Tháo lại lựa chọn "đầu tư" vào kỵ binh? Nguyên nhân là trong giai đoạn đầu gây dựng cơ nghiệp, Tào Tháo đã gặp phải hai đối thủ tầm cỡ là Lã Bố và Viên Thiệu. Hai người này đều có trong tay đội kỵ binh rất mạnh.

Chính vì vậy, để đánh bại chư hầu, thống nhất và xưng bá ở phương Bắc, chỉ có phát triển kỵ binh mới là con đường nhanh nhất giúp Tào Tháo hiện thực hóa được tham vọng trên.

Hổ Báo kỵ - Đội quân đệ nhất của Tào Tháo

Trong Tam Quốc chí cũng có ghi chép rằng, Tào Tháo sở hữu một đội kỵ binh tinh nhuệ, và được gọi là "Hổ Báo kỵ". Tên gọi này xuất phát từ đặc điểm chiến đấu của đội kỵ binh, trên chiến trường dũng mãnh như hổ báo.

Theo phần "Nguỵ thư" trong "Tam Quốc chí", Hổ Báo kỵ do Tào Thuần thống lĩnh là lực lượng tinh nhuệ trong thiên hạ, tuyển lựa có lẽ trăm người chọn một.

Thông tin này cho thấy yêu cầu để gia nhập Hổ Báo kỵ của Tháo quả thực không hề đơn giản. Tố chất, sức mạnh và khả năng chiến đấu của những người này chắc chắn phải vượt xa các binh sĩ thông thường trong Tam Quốc.

Chỉ một vũ khí bí mật, Tào Tháo nhanh chóng xưng bá 1 phương: Khả năng chiến đấu cực mạnh! - Ảnh 2.

Hổ Báo kỵ là đội quân vô cùng tinh nhuệ của Tào Tháo. Ảnh: Sohu

Nhằm thực hiện tham vọng thống nhất thiên hạ, ngay từ giai đoạn đầu, Tào Tháo đã dốc sức đào tạo một đội quân tinh nhuệ. Những thành viên trong đội quân này không chỉ có khả năng cưỡi ngựa giỏi, bắn cung tốt mà còn có khả năng tác chiến vô cùng nhanh nhạy.

Để đảm bảo mức độ tinh nhuệ của đội quân này, bất kể là ngựa hay trang bị trong tay các binh lính đều mạnh hơn bình thường. Hổ Báo kỵ là lực lượng đầu tiên xông pha trong mọi trận chiến, vì thế nên kinh nghiệm chiến đấu thực tế cùng bản lĩnh thuộc hàng tốt nhất trong doanh trại của Tào Tháo.

Tào Tháo chinh chiến nhiều năm nên đã huấn luyện và chinh phục được nhiều kỵ binh xuất sắc. Vì là lực lượng quan trọng nên các thống lĩnh của Hổ Báo kỵ đều là những mãnh tướng được Tào Tháo tin tưởng như Hạ Hầu Uyên, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Thượng, Tào Nhân, Tào Thuần, Tào Nhân, Tào Hồng, Tào Hưu.

Vì sao Hổ Báo kỵ dũng mãnh?

Chỉ một vũ khí bí mật, Tào Tháo nhanh chóng xưng bá 1 phương: Khả năng chiến đấu cực mạnh! - Ảnh 3.

Để huấn luyện được đội Hổ Báo kỵ, đòi hỏi Tào Tháo phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Ảnh: Sohu

Để huấn luyện và phát triển kỵ binh, ít nhất phải đảm bảo các điểm sau: binh lính, ngựa chiến, người thống lĩnh, vũ khí, áo giáp, lương thực và cỏ.

Thứ nhất, về nhân lực, những kỵ binh trong Hổ Báo kỵ đều được chọn lựa hết sức kỹ càng. Những người này đều có thể chất vượt trội, rất trung thành và có sức chiến đấu cao.

Thứ hai, mỗi kỵ binh trong đội quân đặc biệt này đều phải trải qua huấn luyện về cưỡi ngựa và bắn cung. Đây được coi là kỹ năng đầu vào cơ bản nhất. Tuy nhiên, khác với các cung thủ của bộ binh có thể đứng trên mặt đất để tác chiến, Hổ Báo kỵ phải đảm bảo khả năng ngắm bắn chuẩn xác ngay cả khi đang cưỡi ngựa.

Ngoài cung tên, những kỵ binh này còn phải học cách chiến đấu và sử dụng vũ khí để giao chiến trên lưng ngựa. Đương nhiên là độ khó và cường độ huấn luyện sẽ nhiều hơn so với những binh sĩ thông thường.

Thứ ba, trang bị đắt đỏ. Để có được một đội quân Hổ Báo kỵ thì Tào Tháo cũng phải hao tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Trang bị đầu tiên cần có với đội quân này là ngựa chiến. Thời Tam Quốc, Tào Tháo có đến 5.000 kỵ binh, con số này tương đương với số lượng ngựa không nhỏ.

Hơn nữa, việc chọn lựa và chăm sóc những con ngựa chiến cũng rất tốn kém. Cụ thể, một con ngựa chiến của lực lượng kỵ binh hao tốn lương thực của 3 binh sĩ bình thường.

Đó mới chỉ là vấn đề lương thực, còn vũ khí trang bị cho các kỵ binh như cung tên, giáo, áo giáp... đều nhiều hơn gấp 3 lần bộ binh thông thường.

Chiến công của Hổ Báo kỵ

Theo ghi chép trong "Tam Quốc chí", đội Hổ Báo kỵ của Tào Tháo đã lập được nhiều chiến công.

Trong trận Quan Độ năm 200, dù có quân số ít hơn nhiều so với Viên Thiệu, song nhờ sự tinh nhuệ của Hổ Báo kỵ, Tào Tháo đã đánh bại đại quân hùng hậu của Viên Thiệu. Sau trận đánh này, Tào Tháo cũng dần ổn định cục diện thống nhất ở phương Bắc.

Trong phần "Chư hạ hầu tào truyện" có ghi chép, vào đầu năm Kiến An thứ 9 (năm 204), trong cuộc đối đầu giữa Tào Tháo và Viên Đàm ở Nam Bì, Tào Thuần đã thống lĩnh Hổ Báo kỵ bao vây nơi này. Nhờ Hổ Báo kỵ tấn công quyết liệt, quân của Viên Đàm sau cùng bại trận.

Đến năm 206, quân Tào tiến lên phía Bắc để chinh phạt các bộ tộc Ô Hoàn. Tào Thuần lại thống lĩnh Hổ Báo kỵ lập được đại công khi giết chết Đạp Đốn, Thiền Vu của người Ô Hoàn ngay trên chiến trường.

Có thể nói rằng, việc Tào Tháo quyết định đầu tư huấn luyện và tận dụng Hổ Báo kỵ vào những thời điểm mấu chốt nhất trong các trận chiến đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.

Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Tào Tháo làm chủ và củng cố thế lực ở phương Bắc trong những năm cuối thời nhà Đông Hán.

PV (Theo Pháp luật và bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem