Ở bậc nhà trẻ, mẫu giáo thì “chạy” vào các trường công lập mà ở đó con mình không bị “tát vào mặt” khi bảo mẫu cho ăn, khỏi bị “giội nước cho ngộp thở” khi tắm. Ở bậc tiểu học và trung học cơ sở thì “chạy” sao để con vào các trường “xịn”, nơi có đội ngũ giáo viên “100% đạt loại giỏi cấp tỉnh”, nơi mà con mình sẽ luôn luôn xuất sắc ở tất cả các môn học trong suốt cấp học!
Nhiều vị hiệu trưởng các trường “có thương hiệu” phải tắt máy di động ngay khi bước vào hè vì không thể chịu nổi với hàng chục cuộc gọi đến mỗi ngày để năn nỉ xin xỏ, thậm chí “chỉ đạo miệng” từ những vị có chức sắc với mục đích cuối cùng là gửi con vào học cho bằng được.
Bộ GDĐT đã bỏ hẳn hệ thống trường chuyên ở cấp THCS từ lâu, song nhiều nơi vẫn “âm thầm” hình thành các “trường điểm”. Rồi các trường cũng “âm thầm” hình thành các “lớp chọn”. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc “chạy” nói trên.
Thực tế đã chứng minh rằng, những lợi ích mà các loại trường điểm và lớp chọn này mang lại thì không đáng kể mà tai hại thì nhiều. Là bởi, nhiều bậc phụ huynh không lường hết hoặc không biết năng lực của con mình, họ chỉ nghĩ đơn giản rằng cứ cho con vào trường điểm và lớp chọn, ắt con mình sẽ giỏi. Họ đâu biết, đã vô tình tạo áp lực cho con ngay từ đầu cấp học. Nhiều em phải “bơi” suốt những năm THCS vì sức học không theo kịp các bạn.
Để “lấy lòng” phụ huynh, không hiếm thầy cô tự nâng điểm, làm sao để năm nào các em cũng đạt “học sinh giỏi”. Hư danh đó được các thầy cô “nuôi dưỡng” cho đến khi thi vào lớp 10 thì mới vỡ lẽ. Trường nào tổ chức thi vào lớp 10 một cách nghiêm túc và sòng phẳng thì những em “giỏi ảo” nói trên sẽ lộ sáng hoàn toàn. Và rồi, phụ huynh lại tiếp tục “chạy” để con qua hết bậc THPT.
Đến cổng các trường hiện nay sẽ dễ dàng bắt gặp câu này: “Nói không với tiêu cực trong giáo dục”. Thế nhưng, việc “âm thầm” hình thành các trường điểm và lớp chọn như lâu nay cũng là một dạng của tiêu cực đấy! Và việc “chạy” của phụ huynh đã vô tình gieo vào đầu con trẻ những ngờ vực về sự minh bạch ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Vấn đề là ở chỗ, các em có chịu học hay không chứ không hẳn là phải học trường điểm và lớp chọn thì mới “nên người”. Hàng ngàn đứa trẻ ở nông thôn không hề biết đến các khái niệm “lớp chọn” nhưng các em vẫn thi đỗ vào các trường ĐH danh giá đó thôi!
Hà Nhiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.