Cứ sau vài trận mưa đầu mùa, nhất là khoảng tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm lịch, các thửa ruộng vùng đất ngập phèn lênh láng nước. Đó là lúc những cây hẹ nước bắt đầu đâm tược. Chẳng mấy chốc, cọng hẹ đã mọc dài chừng 5-6 tấc, mặt lá rộng cỡ bề ngang một ngón tay. Đây cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi bắt đầu đi thu hoạch loại rau trầm thủy này.
Nói vậy cho oai chứ thật ra trong những buổi không có giờ học, ở đồng quê thời xa xưa chẳng có gì chơi, chúng tôi rủ nhau giải trí một cách hơi… có ích. Năm ba đứa bạn, quần cụt, áo thun, dầm chân trong những miếng ruộng, mắt láo liên tìm trong lòng nước từng đám hẹ oặt òa ngọn lá sau những cử động bước chân của chúng tôi. Vậy là khom mình xuống, thò tay nhổ từng đám lá hẹ khỏi mặt đất ruộng.
Hẹ nước - rau hoang dại đã thành đặc sản. Ảnh:T.L
Hẹ nước là loài rong không chỉ mọc ở ruộng nước mà còn hiện diện ở các kênh mương, đầm nước vùng đất phèn. Cũng như lúa trời (lúa ma), loài rau hoang dại này mọc nhiều ở khu vực Đồng Tháp Mười. Nơi nào nước sâu, chảy mạnh và nhiều thì lá hẹ nước có màu xanh đậm và to bản hơn, xốp hơn, giòn hơn và thơm hơn hẹ mọc ở đáy mương. Nhổ hẹ nước về, người ta cắt bỏ nguyên phần gốc, rễ, đem rửa sạch. Hẹ nước được người ta dùng ăn sống như một loại rau, chấm nước cá kho, thịt kho… nhưng ngon nhất là chấm mắm kho.
Mắm kho trước kia, bây giờ là lẩu mắm, là món thường ngày của người dân miền Tây Nam Bộ. Cái ngon của hẹ nước chấm mắm kho, lẩu mắm mới là đặc biệt. Vì lúc mới ăn chẳng cảm thấy gì đặc biệt, nhưng càng nhai càng nghe vị ngọt rất đặc trưng của nó lẫn vị mặn ngọt của nước món ăn, thấm dần, thấm dần vào dạ dày.
Ngọn rau hoang dại trên mâm cơm đạm bạc của người nghèo vùng đất chua phèn từ nhiều năm nay đã thành đặc sản ở phố thị, trong các nhà hàng, vừa ngon, bổ, rẻ lại vừa rất an toàn vì là loại rau “siêu sạch”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.