Cần một nền giáo dục chạm đến trái tim
“Được may mắn trải nghiệm qua nhiều cách thức giáo dục ở các quốc gia khác nhau, tôi nhận thấy, điều căn cốt nhất của 1 nền giáo dục không hẳn là kiến thức hay kỹ năng mà là học cách cư xử giữa con người với con người. Ở các nước khác, không phải không có bạo lực. Nhưng đó là một dạng thức tội phạm có chủ đích. Còn trong cư xử, va chạm hàng ngày, tôi thấy họ ít khi nổi nóng và hung hăng. Bởi ngay tử rất nhỏ, các em bé đã được giáo dục về cách tôn trọng và yêu thương người khác. Với họ, việc xúc phạm người khác, dù chỉ bằng lời nói, cũng là sự xâm hại đáng lên án”.
Phạm Mai Quyên (30 tuổi, Việt kiều Pháp)
Quy tắc đạo đức lỏng lẻo
“Tôi nhớ khi các con mình học mẫu giáo, tới giờ ăn cơm, các con luôn phải mời cô và các bạn. Các con được dạy cảm ơn khi nhận quà của người khác và xin lỗi khi gây ra việc gì đó. Nhưng lên các cấp học cao hơn, các con không còn thói quen đó nữa… Càng ngày, dường như những quy tắc đạo đức trong ứng xử xã hội càng không được chú trọng. Sự lỏng lẻo ấy dẫn tới việc nhiều người “quên” đi việc phải yêu thương và tôn trọng người khác mà chỉ biết đến lợi ích của mình. Từ đó, việc con người đối xử với nhau theo kiểu “ăn thua” không còn là điều khó hiểu”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội Quán các bà mẹ)
Gây tổn thương người khác là chuyện bình thường (?!)
“Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự manh động, đáng sợ ngày càng tăng trong xã hội hiện nay, trong đó đặc biệt quan trọng là sự lệch chuẩn nhận thức về giá trị đạo đức trong hành xử. Một bộ phận không nhỏ đang coi việc hành xử côn đồ, gây tổn thương thân thể cho người khác là một chuyện bình thường. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn xem việc gây tổn thương cho ai đó là một chiến tích bản thân, là minh chứng cho sự “vượt trội” của cá nhân.
Mặt khác, trong câu chuyện này, vai trò quản lý xã hội và trách nhiệm quản lý nhà nước cũng chưa được nói đến một cách đầy đủ và thấu đáo. Điều này cũng khiến nhiều người chưa hoặc không ý thức được cái giá phải trả cho các hành động phạm pháp của mình.
Phạm Hoàng Hải (Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội)
Thiếu kỹ năng đối mặt áp lực
“Cuộc sống hiện nay có rất nhiều áp lực, nhiều cạnh tranh, sức ép từ việc làm, khó khăn về kinh tế, vướng mắc trong đời sống, sự phân tầng xã hội diễn ra gay gắt, những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong cuộc sống hàng ngày… đã làm cho một bộ phận dân chúng, nhất là những người trẻ tuổi không thích nghi được. Để hạn chế tình trạng này, cần có nhiều giải pháp. Trong đó cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho người dân, nhất là người trẻ. Khi người ta nhận định rõ hành vi sai trái bị lên án, nhất định bị xử lý, bị trừng phạt… hẳn người đó sẽ có những điều chỉnh hành vi của mình.
Luật sư Phạm thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An, Hà Nội)
Lỗ hổng lớn trong giáo dục gia đình
“Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ứng xử côn đồ, hung hãn của một bộ phận người dân hiện nay là do ảnh hưởng không nhỏ từ phía gia đình. Khó có thể thành người tốt nếu sống trong một gia đình mà cha mẹ không mẫu mực, không tôn trọng nhau, không quan tâm đến con cái… Nhà trường là nơi hình thành các mối quan hệ xã hội của trẻ em nên cũng có một phần không nhỏ trách nhiệm. Nhưng giáo viên khó có thể thay thế được cha mẹ. Đặc biệt, ở một giai đoạn nhất định của tuổi mới lớn, trẻ em cũng muốn thể hiện cái tôi, anh hùng cá nhân nên nếu cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ, không tôn trọng trẻ đúng mức và không dõi theo, can thiệp kịp thời đều có thể để lại giây phút bồng bột đáng tiếc”.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Phụng (quyền Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GDĐT)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.