Hệ sinh thái tài chính số thúc đẩy phục hồi kinh tế Indonesia ra sao?

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 26/01/2022 08:33 AM (GMT+7)
Indonesia phải phát triển một hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số đầy đủ, tích hợp và mang tính cạnh tranh cao để đẩy nhanh quá trình phục hồi của đất nước sau đại dịch.
Bình luận 0

Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK)  Indonesia tuyên bố rằng, lĩnh vực dịch vụ tài chính phải được hỗ trợ bởi các điều kiện tiên quyết cơ bản, bắt đầu bằng việc thiết lập một hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số toàn diện và tích hợp. Maskum, cố vấn của Nhóm đổi mới tài chính kỹ thuật số OJK nhận xét rằng, để đạt được điều này là một nỗ lực hợp tác cần sự giúp đỡ của nhiều người, bao gồm các cơ quan quản lý, chính phủ và cả các bên liên quan.

Mục tiêu theo cố vấn này là phải phát triển một hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số đầy đủ, tích hợp và có tính cạnh tranh cao để đẩy nhanh quá trình phục hồi của đất nước. Bởi theo ông Maskum, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh doanh ở Indonesia. Tuy nhiên, ông tin rằng đây không phải là một rào cản vì OJK coi đây là một động lực thay đổi thích nghi to lớn cho tất cả các thành phần kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ tài chính để vươn lên và tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành.

Hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số thúc đẩy phục hồi kinh tế Indonesia. Ảnh: @AFP.

Hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số thúc đẩy phục hồi kinh tế Indonesia. Ảnh: @AFP.

Hiện tại, số lượng giao dịch thanh toán kỹ thuật số ngày càng tăng phản ánh dân số Indonesia ngày càng hiểu biết về tài chính kỹ thuật số. Nó cũng phản ánh việc áp dụng các dịch vụ fintech vào thương mại điện tử ngày càng tăng của đất nước này. Theo Ngân hàng quốc gia Indonesia, các giao dịch kỹ thuật số sẽ tiếp tục mở rộng tăng trưởng trong năm 2022, khi tốc độ phát triển của ngành thương mại điện tử và thanh toán điện tử dự kiến sẽ tăng lần lượt là 33,2% và 32,3%.

Cũng tại Indonesia đang ngày càng có nhiều công ty ví điện tử chuyển sang các doanh nghiệp đa ngành, công ty siêu ứng dụng để cung cấp dịch vụ tài chính kết hợp, và để đạt được thành công thì ngành công nghiệp này phải tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ, tài chính, công ty công nghệ để mang đến cho khách hàng trải nghiệm mượt mà, thuận tiện nhất có thể trong xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số đang dần rõ nét hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các ngân hàng được khuyến khích đón nhận kỷ nguyên ngân hàng liên kết mở rộng bằng cách cung cấp nhiều giao diện lập trình ứng dụng (API) riêng biệt hơn cho các công ty thanh toán điện tử, Fintech và các nền tảng kỹ thuật số khác. Bằng cách sử dụng API, các ngân hàng sẽ có thể phát triển một hệ sinh thái thanh toán toàn diện, khai thác hệ sinh thái hiện tại và mở rộng quyền truy cập tương quan với thị trường thương mại, dịch vụ số đang cần có sự liên kết tương quan nhất định. Cơ quan Ngân hàng Indonesia cũng đặt mục tiêu chuẩn hóa ngân hàng liên kết mở rộng và bắt đầu phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo ra một hệ thống thanh toán quốc gia thống nhất vào năm 2025.

Nói cách khác thay vì trở thành nạn nhân của sự đổ vỡ do chuyển đổ số tăng tốc, các ngân hàng truyền thống ở Indonesia se phải phát triển kỹ thuật số nếu họ hy vọng tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế Indonesia. Với hàng trăm nghìn ứng dụng trên các hệ sinh thái kỹ thuật số khác nhau đã có sẵn trong nước, các ngân hàng lớn của Indonesia sẽ thật sai lầm khi đi theo lối mòn vết xe cũ bằng cách ra các ứng dụng hoặc dịch vụ tương tự đại trà. Thay vào đó, cả chính phủ Indonesia và ngân hàng trung ương đều khuyến khích các ngân hàng truyền thống thực hiện các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số độc đáo riêng mình và đón nhận kỷ nguyên ngân hàng liên kết mở rộng.

Vào cuối năm 2021, Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo khẳng định sự phát triển nhanh chóng của tài chính kỹ thuật số phải được duy trì, giám sát và tạo điều kiện để nó có thể phát triển tốt cho nền kinh tế chung của quốc gia.

"Nếu chúng ta duy trì nó một cách nhanh chóng và phù hợp, Indonesia có tiềm năng to lớn để trở thành một gã khổng lồ kỹ thuật số sau Trung Quốc và Ấn Độ và nó cũng có thể đưa chúng ta trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới vào năm 2030", Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo nói thêm.

"Một hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số bền vững có trách nhiệm giảm thiểu rủi ro đối với các vấn đề pháp lý và vấn đề xã hội có thể xảy ra, có thể ngăn ngừa tổn thất và nâng cao khả năng bảo vệ cho cộng đồng", Joko "Jokowi" Widodo nói.

Ngoài ra, các chuyên gia tài chính Indonesia đồng nhận định, việc áp dụng ngân hàng kỹ thuật số và thậm chí cả ví điện tử được dự đoán cũng sẽ góp phần rất lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo kinh tế ở đất nước này trong thời gian tới.

Indonesia phải phát triển một hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số đầy đủ, tích hợp và mang tính cạnh tranh cao để đẩy nhanh quá trình phục hồi của đất nước sau đại dịch. Ảnh: @AFP.

Indonesia phải phát triển một hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số đầy đủ, tích hợp và mang tính cạnh tranh cao để đẩy nhanh quá trình phục hồi của đất nước sau đại dịch. Ảnh: @AFP.

Các nền tảng kỹ thuật số trong ngành tài chính của Indonesia hiện tại đã được chứng minh là có thể giúp các thành viên trong hệ sinh thái thích nghi, duy trì khả năng phục hồi và cuối cùng phục hồi sau những cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra, cũng như kích thích sự phục hồi kinh tế. Kết luận này dựa trên nghiên cứu gần đây nhất từ Viện Nhân khẩu học, Kinh tế và Kinh doanh của Đại học Indonesia.

Nhà nghiên cứu của trường đại học này còn nhận xét: "Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng trong một cú sốc kinh tế, người Indonesia vẫn kiên trì tìm kiếm các nguồn thu nhập mới và phần lớn trong số họ dám nhảy vào các doanh nghiệp dựa trên kỹ thuật số nhiều hơn". Nghiên cứu cũng tuyên bố rằng sự xuất hiện của các nền tảng kỹ thuật số và hệ sinh thái của ngành tài chính đã tạo ra một bước đệm chống lại cú sốc kinh tế.

Còn theo Bộ điều phối các vấn đề kinh tế quốc gia, Indonesia có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt là trong ngành tài chính, bằng chứng là mức tăng trưởng chuyển đổi kỹ thuật số 7,07% trong quý 2 năm 2021. Cũng trong năm 2020, Indonesia vẫn đứng thứ 85 trong số 131 quốc gia về chỉ số đổi mới kỹ thuật số.

Để đi lên, Chính phủ Indonesia đã và đang đưa ra một số chương trình nhằm chuẩn bị tốt hơn cho đất nước để đối phó với tiềm năng và các vấn đề do phát triển công nghệ đặt ra. Họ cũng cam kết ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt thông qua việc tăng cường kết nối trên toàn quốc, cũng như thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước. Những thay đổi về cơ cấu của đất nước là nhằm thúc đẩy năng suất và khả năng cạnh tranh, cũng như phục hồi công nghiệp hóa và khuyến khích đổi mới theo hướng chuyển đổi số toàn cầu, đa dạng mọi mặt, trong đó có cả ngành tài chính.

Đến năm 2025, doanh thu từ dịch vụ tài chính kỹ thuật số ở Indonesia dự kiến sẽ tăng lên 8,6 tỷ USD, tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 34%, theo một báo cáo thị trường mới của Cơ quan xúc tiến và xuất khẩu Thụy Sĩ, Swiss Global Enterprise.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem