Hệ thống cảng hàng không có vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội
Hầu hết doanh nghiệp tư nhân đều thua lỗ khi đầu tư sân bay cỡ nhỏ và vừa
Thái Nguyễn
Thứ tư, ngày 31/05/2023 19:43 PM (GMT+7)
Thảo luận tại Quốc hội chiều ngày 31/5, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết việc cụ thể hóa chủ trương đề án xã hội hóa đầu tư, quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay vẫn còn nhiều băn khoăn, nhiều bất lợi đối với các nhà đầu tư mới.
Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đồng tình với giải pháp của Ủy ban Kinh tế tại báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 của Ủy ban Kinh tế có nêu giải pháp cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, trong đó có quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhận định hệ thống cảng hàng không nói riêng và ngành hàng không nói chung có vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội, du lịch. Hàng không là con đường ngắn nhất đưa Việt Nam ra thế giới và kéo thế giới đến gần Việt Nam.
"Đối với trong nước, địa hình nước ta rất phù hợp với loại hình hàng không. Hiện nay nước ta có 22 cảng hàng không, nhiều cảng bị quá tải, cứ vào dịp Tết, cao điểm là ùn tắc, chậm chuyến ở các sân bay. Theo dự thảo quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo trình Chính phủ, đến năm 2030 cả nước có 30 sân bay, đến năm 2050 tăng lên 33 sân bay. Hiện nay số sân bay Việt Nam sở hữu cũng ít hơn so với các nước trong khu vực", đại biểu Thanh chia sẻ.
Về nguồn lực đầu tư, đại biểu nhận định không nên dựa toàn bộ vào ngân sách nhà nước nữa mà nên cho địa phương muốn mở sân bay thu hút đầu tư, địa phương nào năng động, thu hút đầu tư phát triển du lịch thì sẽ thu hút được nhà đầu tư tư nhân sân bay. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã trình đề án xã hội hóa đầu tư, quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. Tuy nhiên, khi cụ thể hóa chủ trương này thì vẫn còn nhiều băn khoăn, nhiều bất lợi đối với các nhà đầu tư mới.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết, thứ nhất, tư nhân chỉ được đầu tư các sân bay cỡ nhỏ và vừa, hầu hết các loại sân bay này đều thua lỗ. Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch đề xuất tiếp tục đầu tư khai thác 6 sân bay lớn có lãi lớn nhất Việt Nam hiện nay, đó là: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc và Long Thành. Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải, 5 sân bay này, trừ sân bay Long Thành lớn nhất đang xây dựng đang chiếm khoảng 78% thị phần khách hàng và 90% thị phần hàng hóa.
Nguyên nhân thứ hai khiến tư nhân chưa mặn mà với đầu tư sân bay là cơ chế chính sách hiện nay chưa hấp dẫn, toàn bộ các sân bay xã hội hóa, cải tạo, nâng cấp, xây mới hoàn toàn phải theo phương thức hợp tác công tư PPP.
"Như sân bay Cà Mau, theo đúng cơ chế chính sách xã hội hóa cảng hàng không, sân bay như dự thảo hiện nay thì Cảng Hàng không Cà Mau dễ bị bỏ rơi, vì ACV không còn trách nhiệm để mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau nữa, kể cả ACV có trách nhiệm đầu tư sân bay Cà Mau thì tỉnh cũng phải đợi thêm nhiều năm nữa, còn nhà đầu tư mới thì chưa thấy hấp dẫn nên rất khó khăn đầu tư, dù từ nay đến năm 2020, tổng vốn đầu tư sân bay Cà Mau là 4.700 tỷ đồng, chỉ tương đương 20 km đường cao tốc Dầu Giây - Long Thành", ông Thanh chia sẻ.
Do đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh kiến nghị cần sự điều chỉnh, hoàn thiện chính sách xã hội hóa đầu tư khai thác cảng hàng không, sân bay và tập trung đầu tư cảng hàng không, sân bay làm bệ đỡ cho các cảng hàng không tham gia quy mô tăng cạnh tranh, tăng tốc phát triển ngành hàng không, phát triển sẽ đóng góp thiết thực cho địa phương có sân bay, cho kinh tế - xã hội phát triển và tăng hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.