Chính thức giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2% bắt đầu từ ngày 1/7
Nóng: Chính thức giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2% bắt đầu từ ngày 1/7
An Linh
Thứ bảy, ngày 24/06/2023 17:10 PM (GMT+7)
Chiều 24/6 tại hội trường, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chung về kỳ họp, trong đó có đồng tình giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2% bắt đầu từ ngày 1/7.
Thuế VAT giảm thêm 2% từ ngày 1/7 đến hết năm 2023
Quốc hội đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đến cuối năm nay, nhưng trừ nhóm hàng viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng.
Quốc hội chiều 24/6 thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó quyết nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết 43/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện từ 1/7 đến hết năm nay.
Như vậy, thuế VAT sẽ giảm về 8%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện hiệu quả chính sách, đảm bảo chính sách này không làm ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách, bội chi ngân sách nhà nước năm 2023. Giao Chính phủ báo cao kết quả vào kỳ họp thứ VI vào cuối năm 2023.
Trước đó tại thảo luận tại hội trường cũng như tại tổ của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng từ 4% trở lên thay vì 2% như đề xuất. Đồng thời, đề nghị kéo dài thời hạn giảm thuế VAT kéo dài sang năm 2024 thay vì trong 6 tháng cuối năm 2023.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội nên giảm thuế VAT 2% cho tất cả các mặt hàng thuộc danh mục chịu thuế 10% hiện nay. Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất nên kéo dài thời gian giảm thuế VAT sang năm 2024.
Theo GS-TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đà tăng trưởng suy giảm, chúng ta cần chính sách tài khóa mở rộng.
"Các ngành nghề lĩnh vực đều kết nối nhau, vì vậy, chọn cái gì dễ quản lý, dễ làm mới hiệu quả, cần giảm thuế VAT cho đại trà chứ không nên khoanh vùng, thậm chí có thể kéo giảm thuế này sâu hơn", ông Ngân nhấn mạnh.
Theo ông Ngân: Trong ba năm qua doanh nghiệp khó khăn liên tiếp, vì vậy, giờ chính sách cần phải bình tĩnh để giải quyết "căn cơ" các thách thức và giải bài toán một cách tổng thể. Vì vậy "không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, vì đám cháy này sẽ lan sang đám cháy khác", đại biểu Ngân nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Việt Nam: "Cần giảm 2% thuế VAT với tất cả mặt hàng", mọi cơ hội kinh doanh đều quý giá, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế này sẽ kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường - nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này.
Ông Lộc cho rằng, bối cảnh khó khăn, các loại hình kinh doanh có sự đan xen, chồng chéo và liên đới với nhau nên việc giảm với mặt hàng, lĩnh vực này mà không giảm đối với mặt hàng kia gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hiện nay các doanh nghiệp đã và đang hoạt động đa ngành, có mua bán, công nợ nhiều mặt hàng, doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình khác nhau.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, việc giảm thuế VAT 2% và lại giới hạn trong 6 tháng cuối năm 2023 chưa đủ sức vực dậy nền kinh tế. Ông Vân đề xuất: "Giảm 4% thuế VAT kéo dài sang năm 2024 để có "dư địa" giúp doanh nghiệp quen với các chính sách, thủ tục thuế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế), Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong năm 2022 và đầu năm 2023, theo các đánh giá, phân tích của các cơ quan hữu quan và các chuyên gia, hiện nay tình hình kinh tế xã hội nước ta đang khá khó khăn.
Báo cáo thẩm tra về kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết có một số ý kiến đề xuất giảm thuế VAT ở mức 4% để khoan thư sức dân.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết hiện vẫn còn một số quan điểm, ý kiến liên quan đến đề xuất giảm thuế VAT như thời gian quá ngắn, trong khi đó ý kiến lo ngại hiệu quả kích cầu tăng tiêu dùng của chính sách giảm VAT trong 6 tháng cuối năm 2023 không đạt kỳ vọng như thực tế đạt được năm 2022 là 19,8%.
"Sức mua và tiêu dùng vào giai đoạn hiện nay đã khác so với bối cảnh năm 2022. Trong năm 2022 sức mua và tiêu dùng của người dân đã bung ra và tăng trưởng cao sau một thời gian bị kìm nén bởi dịch bệnh, tới giai đoạn hiện nay, cả người dân và các doanh nghiệp đều đã và đang rất khó khăn", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho hay.
Theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội: "Một số ý kiến trong Uỷ ban TCNS cho rằng, chính sách giảm thuế GTGT vào giai đoạn nửa cuối 2023 khó có thể phát huy được tác dụng kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng như trong năm 2022".
Ngoài ra, "cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế GTGT đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu", Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho hay.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ có các các biện pháp kích cầu trong năm 2023 tập trung vào tháo gỡ các nút thắt để tăng cường giải ngân và phát huy hiệu quả của chi đầu tư công trong gói phục hồi kinh tế hơn là tiếp tục các chính sách giảm thu ngân sách.
Trả lời tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội ngày 1/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, có ý kiến đề nghị giảm VAT 2% 1 năm hoặc 1,5 năm thay vì đề xuất 6 tháng như của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là có lý do.
"Hiện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến không mở rộng cơ sở giảm thuế VAT, bên cạnh đó, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ có thời hạn hết năm nay. Việc giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng cũng phục vụ mục tiêu cân đối ngân sách nhà nước, kích cầu tiêu dùng cho năm nay.
"Chúng ta cần làm mọi cách tăng cường năng lực, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả bằng việc tháo gỡ khó khăn chứ không phải giảm thuế", ông Phớc phân tích.
Về số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng tồn dư gửi tại ngân hàng, theo ông Phớc, số tiền này đã được bố trí nhiệm vụ chi và đã có trong dự toán ngân sách được Hội đồng nhân dân tỉnh và Quốc hội phê chuẩn. Vì vậy, không lấy nguồn này để chi cho các nhiệm vụ chi khác. Bởi vì Hiến pháp quy định là các khoản chi đều phải nằm trong dự toán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.