Sáng nay 18.9, đại diện truyền thông của Công ty Heineken Việt Nam chính thức thông tin về vụ việc nhiều tờ báo thông tin Heineken đang làm thủ tục kiện Google và Facebook.
Hãng bia Heineken đang vất vả xử lý truyền thông liên quan đến video clip "Cận cảnh sản xuất bia Heineken giả" .(Ảnh: IT)
Theo đại diện Heineken, video clip tiêu đề “Cận cảnh sản xuất bia Heineken giả - Heineken counterfeit production” và đoạn mô tả nội dung “Bia Heineken giả, nước uống đóng chai giả, và còn nhiều loại bia, nước ngọt giả tràn lan trên thị trường” xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội từ năm 2016. Tuy nhiên mới đây nhất, video clip này lại được nhiều tài khoản facebook share và phát tán lại với tốc độ chóng mặt nên gây ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu và hoạt động của doanh nghiệp.
"Heineken hoàn toàn có thể khiếu nại lên Bộ Thông tin Truyền thông và nhờ họ can thiệp vì phía Google và Facebook đã vi phạm các quy định tại Nghị định 72/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng khi ‘sử dụng dịch vụ Internet hoặc thông tin trên mạng để đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức. Hoặc, Heineken cũng có thể khởi kiện ra toà vì 2 bên kia vi phạm quy định trong luật cạnh tranh...", Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia Kinh tế Tài chính, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định. |
“Thông tin về việc nói Heineken sẽ kiện Google, Facebook là nói hơi vượt quá vấn đề, chúng tôi chỉ gửi công văn cho Google, Facebook giải thích về tình huống video clip này và đề nghị họ không cho phát tán lại vì sự thật không phải như video clip mô tả”, đại diện Heineken giải thích.
Cụ thể, theo Heineken, những hình ảnh trong clip không nằm ở Việt Nam mà là ở Trung Quốc, tuy nhiên người đăng clip này lại cố tình dựng thêm 1 vài cảnh nữa nên gây ấn tượng sai lệch về một cơ sở sản xuất bia Heineken “giả” quy mô lớn tại Việt Nam với sản phẩm tràn lan trên thị trường. Do vậy, công văn chúng tôi gửi Google và Facebook với mục đích chính là nhờ các đơn vị này hỗ trợ ngừng phát tán, ngăn chặn và không chiếu trên Youtube nữa.
Ngoài ra, với một số trang báo đưa thông tin Heineken “kiện” Google, Facebook; đại diện hãng bia này cũng cho biết đã liên hệ để giải thích rõ tình huống của vụ việc.
Trước đó, trả lời trên một số tờ báo, Heineken cho rằng video clip tiêu đề “Cận cảnh sản xuất bia Heineken giả - Heineken counterfeit production” được ghi hình tại Trung Quốc, cơ sở này đang tiến hành thay đổi thông tin trên nhãn chai bằng cách tẩy xoá mã nhận diện lô sản xuất (mã ID) của sản phẩm bia chai Heineken chính hãng. Theo Heineken, đấy là những sản phẩm chính hãng được bán vượt ra khỏi phạm vi khu vực đã được quy định trên hợp đồng giữa công ty và đối tác.
Việc tẩy mã ID, có thể do bên xuất khẩu hoặc nhập khẩu thực hiện để che giấu việc họ đã vi phạm hợp đồng với Heineken.
Đồng thời, Heineken cũng nhận định những sản phẩm xuất hiện trong video là chính hãng, cơ sở sản xuất này đặt tại Trung Quốc, và những sản phẩm cũng như nội dung trong video không có bất kỳ mối liên hệ nào với Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, phía Google/Youtube và Facebook cho biết sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan đến video trên nếu không có “bản sao” quyết định của toà án, hoặc bất kỳ văn bản pháp lý chính thức nào khác.
Google là mạng tìm kiếm, Facebook là mạng xã hội, 2 tổ chức này đều là công ty đa quốc gia, hoạt động theo luật pháp quốc tế và tôn trọng luật nước sở tại. Google và Facebook có những điều khoản chung ràng buộc người dùng và yêu cầu người dùng phải thực hiện các nội dung đó, ngược lại họ có quyền gỡ bỏ các nội dung mà họ xác định là vi phạm.
Theo đó, khi một thông tin được phát tán trên 2 đơn vị này mà họ chưa xác định đươc vi phạm thì họ không tự tiện gỡ bỏ các thông tin đó, như là cách tôn trọng và cam kết với người dùng. Một tổ chức, cá nhân thứ 3 liên quan nào, nếu phát hiện bất cứ thông tin nào được cho là vi phạm, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của mình, thì có quyền yêu cầu Google và Facebook gỡ bỏ thông tin đó xuống.
Tất nhiên, như đã phân tích đó chỉ là "quyền yêu cầu", chứ không phát sinh một nghĩa vụ bắt buộc Google và Facebook phải thực hiện. Muốn yêu cầu của mình được thực hiện, cần phải có một vụ kiện tại tòa án, để xác định thông tin đó là vi phạm pháp luật hoặc các điều khoản của Google và Facebook.
Cần một bản án, như quan điểm của Google và Facebook trong trường hợp này là phù hợp.
Luật sư Kiều Hưng, Hãng Luật Giải Phóng
Hồ Văn (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.