Nộp đơn xin giữ rừng
Anh Điểu Đa- kiểm lâm viên trên địa bàn cho biết: Đa số các hộ tham gia mô hình “cộng đồng giữ rừng” thuộc diện hộ nghèo, tham gia giữ rừng để có thêm thu nhập. Tại “cộng đồng” Bù Lư, xã Bù Gia Mập có 22 hộ nhận khoán bảo vệ 2.071ha.
Để công tác tuần tra, bảo vệ được xuyên suốt, “cộng đồng” chia làm 3 tổ, mỗi tổ 7 người. Mỗi khi đến ca trực, thành viên “cộng đồng” đem gạo, mắm, muối vào chốt cùng đi tuần, mỗi ngày được trả 150.000 đồng/người. Để tạo điều kiện ai cũng có ngày công tuần tra, tổ “cộng đồng” phân phối mỗi thành viên đi tuần 10 ngày/tháng, thu nhập 1,5 triệu đồng, đủ mua gạo cho cả gia đình.
Các hộ dân trong “cộng đồng thôn 3” xã Đắc Ơ, thu gom cành khô tại vành đai Vườn quốc gia Bù Gia Mập để chống cháy rừng vào mùa khô. Ảnh: Tân Tiến
Ông Điểu Long (SN 1971) cho biết: "Trước kia tôi từng làm lâm tặc. Đến khoảng năm 2004, việc kiếm gỗ ngày càng khó nên tôi không phá rừng nữa mà đi làm thuê. Tôi có 6 đứa con, nhưng chỉ có 1,5ha điều, cuộc sống rất khó khăn. Khi tôi có tuổi, không ai thuê mướn, gia đình thường thiếu gạo. Thấy nhiều người cùng thôn tham gia “cộng đồng giữ rừng” không còn chạy gạo từng bữa, tôi xin tham gia. Thấy tôi giữ rừng, con trai lớn Điểu Hồng (SN 1989) cũng tham gia ở thôn Bù Rên để kiếm tiền mua gạo nuôi gia đình”. Tương tự, gia đình anh Điểu Đôn (SN 1986), chỉ có vài sào điều, thường xuyên thiếu đói nên cũng tham gia “cộng đồng giữ rừng”, từ đó không phải lo chạy gạo mỗi ngày.
Tiêu chuẩn để tham gia “cộng đồng”, theo anh Trần Đức Ái - điều phối viên Đề án chi trả DVMTR thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, trong gia đình người đó không ai làm “nghề rừng”. Sau khi họ nộp đơn, được trưởng thôn duyệt và bảo lãnh, tới tổ trưởng “cộng đồng” xem xét, nếu đạt mới nhận.
Tăng thêm thu nhập
"Đề án chi trả DVMTR triển khai thực hiện vào năm 2013, ban đầu chỉ có trên 50 người S’Tiêng và M’Nông tham gia. Dần dần số lượng tăng gần 300 người, được phiên thành 9 “cộng đồng giữ rừng”. Mỗi cộng đồng từ 18-32 hộ, bảo vệ khoảng 2.000ha rừng”.
Anh Trần Đức Ái
|
Ông Điểu Ma Giang- tổ trưởng “cộng đồng” thôn 3, xã Đắc Ơ bộc bạch: “Từ năm 2006, Nhà nước có chương trình bảo vệ và phát triển rừng bằng ngân sách, dù chỉ được trả 50.000 đồng/ha/năm/người, nhưng nhiều hộ vẫn tham gia giữ rừng vì không muốn đứng nhìn người làng khác tới canh giữ rừng nơi mình sinh sống”.
Cũng theo ông Giang, tuy đời sống của đa số đồng bào hiện vẫn nghèo khó, nhưng từ khi tham gia cộng đồng, nhiều người thấy được lợi ích lâu dài của việc giữ rừng (được tăng thêm thu nhập, lại cải thiện môi trường và khí hậu).
Nhận thức pháp luật về rừng của đồng bào thôn 3 hoàn toàn thay đổi, từ đó không còn tình trạng chặt phá rừng làm rẫy, lấy gỗ, săn bắt thú. Cũng do nhận thức thay đổi, người này vận động người kia tham gia, đến nay “cộng đồng” thôn 3 có 18 hộ bảo vệ 2.275ha rừng.
Còn anh Điểu Thớ - tổ trưởng “cộng đồng” thôn 3, xã Đắc Ơ, đang giữ hơn 2.000ha rừng, cho hay: “Để bà con có thêm thu nhập, mỗi quý chúng tôi sắp xếp hộ ít nhất đi tuần 46 ca, hộ nào siêng hơn được 67 ca. Với 150.000 đồng/ngày, mỗi hộ sẽ được 6,9 triệu đồng đến trên 10 triệu đồng/quý, bình quân 2,3 - 3 triệu đồng/tháng, đủ mua gạo và thức ăn cho gia đình 4 người”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.