Hết tháng 9, khai thác thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Vinh Hải Thứ bảy, ngày 04/02/2017 12:10 PM (GMT+7)
Đến sau tháng 9 tới đây, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể đưa vào khai thác thử, còn tuyến Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.
Bình luận 0

img

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn ở hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh: V.C)

Sáng nay (4.2), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra tiến độ hai dự án đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, đến nay dự án Nhổn - Ga Hà Nội đã đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu. Tổng khối lượng triển khai thi công đã đạt được trên 30%. Theo đánh giá, tiến độ tổng thể của dự án đã bị chậm hơn so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, dự án có thể hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2021.

Trong những vướng mắc, chậm trễ của dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị thuộc UBND TP.Hà Nội cho biết việc quản lý tư vấn Hợp đồng tư vấn Systra còn nhiều bất cập.

“Tư vấn Systra là tư vấn lớn, nhiều kinh nghiệm các dự án đường sắt đô thị nhưng thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ tư vấn dừng huy động” - Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết.

Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi, di chuyển cây xanh còn nhiều vướng mắc.

UBND TP.Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ kế hoạch vốn ODA giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến mỗi năm khoảng 3.500 - 3.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có ý kiến về thiết kế, vị trí giếng gió tại ga S9 Kim Mã để trả lời kiến nghị của người dân.

Còn tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Ban QLDA tuyến đường sắt này cho biết khối lượng xây lắp công trình của dự án đã hoàn thành được hơn 90%. Trong đó, phần hạ tầng chạy tàu đã cơ bản hoàn thành.

Dự kiến sau 30.9.2017, dự án sẽ được đưa vào vận hành chạy thử liên động với thời gian chạy thử từ 3 - 6 tháng.

Hiện nay, vướng mắc được coi là lớn nhất của dự án này vẫn là nguồn vốn. Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để đi đến ký kết Hiệp định vay vốn bổ sung cho dự án. Đồng thời, ký kết gia hạn Hiệp định vay vốn tín dụng ưu đãi và bổ sung kế hoạch vốn sau khi Hiệp định vay bổ sung có hiệu lực nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính cho dự án.

img

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 90% khối lượng công việc.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá: “Cả hai tuyến đường sắt đô thị đang thực hiện đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, do đó ảnh hưởng đến việc giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Chúng ta cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án này”.

Theo Phó Thủ tướng, có nhiều nguyên nhân chậm tiến độ như còn thiếu kinh nghiệm trong việc thiết lập thể chế liên quan đến đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh; việc đánh giá gói thầu chưa đúng; kinh nghiệm quản lý dự án còn hạn chế ở giai đoạn đầu; giải phóng mặt bằng khó khăn…

Yêu cầu đặt ra là phải đẩy nhanh tiến độ dự án, tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn phải là số một.

“Chúng ta đã chứng kiến việc thi công khiến người tham gia giao thông gặp nạn. Vì vậy cần tập trung quyết liệt hạn chế tối đa ảnh hưởng đến tính mạng người dân” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành được hơn 90%, Phó Thủ tướng yêu cầu phải quyết liệt thực hiện đảm bảo an toàn, chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực để quản lý chuyên nghiệp.

Ông Trịnh Đình Dũng nêu ví dụ: “Ở nhiều nước, khi gặp khách nhân viên phải cúi chào. Đây không chỉ là sự chuyên nghiệp về vận hành mà còn cả về ứng xử, người dân đi lại thấy vui vẻ. Vì vậy, cần thực hiện văn hóa riêng của đường sắt, từ đó nhân rộng ra”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải xem xét lại tất cả các kiến nghị của các chủ đầu tư để giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, bố trí nguồn vốn cho dự án.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các bên liên quan tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm đường sắt đô thị.

“Khi đó, giá rẻ hơn, lại nâng cao được năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa ở đường sắt đô thị. Toa tàu có thể mua nước ngoài nhưng xây dựng hầm, đường sắt, trụ móng, nhà ga chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Cái gì không làm được mới nhập khẩu nước ngoài, đây cũng là mong muốn của Thủ tướng” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem