Hết thời ngô “leo đồi”

Trần Quang (thực hiện) Thứ hai, ngày 18/07/2016 13:30 PM (GMT+7)
Chúng ta sẽ có thêm 1 vụ ngô, tạo thêm công ăn việc làm và thêm thu nhập cho nông dân vùng cao. Thay vì ngô ở vùng miền núi hiện đang “leo đồi” thì hướng đi sẽ là “xuống đồi”.
Bình luận 0

Theo mục tiêu đã được Bộ NNPTNT đề ra, trong giai đoạn từ 2015-2020, nước ta sẽ phấn đấu tăng thêm sản lượng 1 triệu tấn ngô, góp phần giảm lượng ngô nhập khẩu, để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chăn nuôi trong nước.

Để làm rõ hơn về mục tiêu này, phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT).

Hết thời ngô “leo đồi”

img

Chuyển đổi ngô trên đất một vụ lúa đang mang lại thu nhập cho người dân các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Ảnh: T.L

Hiện nay, Bộ NNPTNT đang triển khai Dự án "Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp vùng núi phía Bắc". Đây là cơ sở để chúng ta giải quyết bài toán chuyển đổi cây trồng, tăng diện tích ngô. Ông có thể cho biết thêm về dự án này?

- Dự án khuyến nông trung ương này đã xây dựng được mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện gói kỹ thuật tổng hợp nhằm nâng cao năng suất, giá trị cho nông dân trồng ngô ở các vùng. Dự án tiến hành trong các năm 2014 (nửa cuối năm),  2015 và kết thúc vào năm 2016. Xuất xứ của dự án yêu cầu từ phía Bộ nhằm triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng với định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cũng phải nói lại rằng, dự án khuyến nông này được triển khai ở các vùng sinh thái trong cả nước gồm đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc... Các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, canh tác được yêu cầu xây dựng và thực hiện ở các mô hình; đặc biệt vấn đề nâng mật độ trồng cũng như các vấn đề canh tác đồng bộ khác.

Riêng ở vùng trung du miền núi phía Bắc; cách thực hiện và tiếp cận của dự án này là chọn đất 1 vụ lúa để đưa thêm vào 1 vụ ngô. Tôi đánh giá cao cách tiếp cận và lựa chọn này. Theo số liệu thống kê, khu vực trung du miền núi phía Bắc có tới 187.000ha đất chỉ trồng 1 vụ lúa, vụ lúa này là vụ lúa mùa và gần như phụ thuộc vào nước trời (mùa mưa); thời gian còn lại là bỏ hoang hóa nên nếu trồng được ngô là rất phù hợp.

Nhiều nông dân vẫn chưa hào hứng với cây ngô do hiệu quả còn thấp. Vậy Bộ NNPTNT sẽ có những giải pháp gì để tăng hiệu quả, tăng thu nhập cho người trồng ngô?

- Ngô là cây trồng cạn, tiêu dùng ít nước hơn nhiều so với cây lúa, nên trồng vào vụ xuân hè tính khả thi cao hơn; chỉ cần tính toán và trữ nước tưới cho ngô vượt qua giai đoạn khủng hoảng nước (trước 3 lá thật), đầu mùa mưa sẽ có những trận mưa bổ sung thêm nước cho ngô, gồm cả giai đoạn cây ngô xoáy nõn, sau khi thu hoạch vụ ngô này, cũng là khi mùa mưa đến, có nước bà con tiếp tục cấy lúa ở vụ mùa bằng các giống ngắn ngày.

Như vậy, chúng ta sẽ có thêm 1 vụ ngô, tạo thêm công ăn việc làm và thêm thu nhập cho nông dân vùng cao. Thay vì ngô ở vùng miền núi hiện đang “leo đồi” thì hướng đi sẽ là “xuống đồi”. Theo tính toán của trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông, theo lộ trình và nếu sức lan tỏa tốt, 50% diện tích đất 1 vụ lúa có thể trồng thêm 1 vụ ngô, tương ứng với 85.000 -90.000ha, năng suất tính trung bình 5 tấn/ha sẽ có thêm sản lượng ngô trên 400.000 tấn nữa. Cùng với các tiến bộ khá đa dạng, phong phú về giống ngô, chúng tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh sử dụng các giống ngô có khả năng chịu hạn cho vùng trung du miền núi phía Bắc.

Để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020 cả nước tăng thêm 1 triệu tấn ngô phục vụ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và giảm nhập khẩu, các chính sách hỗ trợ tăng diện tích ngô hiện nay đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Để tăng năng suất cũng như mở rộng diện tích ngô ở các tỉnh miền núi phía Bắc như trên địa bàn cả nước, tháng 5.2016 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 915 ban hành chính sách cho chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô. Quyết định này thay thế Quyết định 580 trước đây. Về đối tượng cây trồng, chỉ có chính sách hỗ trợ cho chuyển sang ngô, không có cho các cây khác (do nguồn lực có hạn và cũng đã có một số chính sách khác như “cánh đồng lớn”. Phạm vi hỗ trợ mở rộng khắp các vùng miền (trừ đồng bằng sông Hồng) và mức hỗ trợ tối đa nâng lên 3 triệu đồng/ha thay vì chỉ có 2 triệu đồng như Quyết định 580.

Còn sự vào cuộc và hỗ trợ của các doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

- Khi làm mô hình, diện tích còn ít, sản lượng ngô thu hoạch trước so với chính vụ không nhiều và ở đây mới chỉ thấy có sự tham gia của doanh nghiệp “đầu vào” là giống và phân bón; còn đầu ra hiện ở nhiều vùng vẫn phụ thuộc thương lái, nếu giá ngô thấp, năng suất lại không cao trội, chi phí lớn, bà con lãi ít, sẽ khó mở rộng diện tích trồng ngô.

Theo tôi, quan trọng là chính quyền địa phương phải cùng vào cuộc với các nhà chuyên môn; cùng tìm tòi, vận động các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con; một số địa phương có chính sách hỗ trợ chuyển đổi, hỗ trợ một phần khâu vận chuyển sản phẩm cho các doanh nghiệp tiêu thụ. Khi đã thuần thục, đã có gói kỹ thuật hiệu quả, thì giá thành ngô sẽ thấp và chúng ta mới có thể cạnh tranh tốt với ngô nhập.

Mở rộng diện tích ngô biến đổi gen

Muốn tăng năng suất cho cây ngô, một trong những giải pháp đầu tiên là phải giải quyết khâu giống. Hiện Bộ NNPTNT đã công nhận và cho phép sản xuất đại trà một số giống ngô biến đổi gen (BĐG). Ông đánh giá như thế nào về các bộ giống mới này?

- Mô hình sử dụng giống ngô BĐG cùng với một số giống thông thường khác là một giải pháp để lựa chọn nhằm khuyến cáo cho nông dân giống nào cho năng suất cao, chi phí thấp, giá thành rẻ, có vậy mới nâng cao được giá trị gia tăng.

Qua nhiều công đoạn kiểm tra, đánh giá và hiện nước ta đã cho phép phổ biến các giống ngô BĐG do các giống này đảm bảo đủ điều kiện về an toàn sinh học, an toàn trong sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Trong 2 năm 2015-2016, đã có khoảng 150.000ha ngô BĐG được trồng ở nước ta.

Hiệu quả của các giống ngô BĐG ra sao thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ có những giải pháp gì để mở rộng diện tích trồng các giống ngô này, thưa ông?

- Theo kết quả đánh giá từ các mô hình trình diễn diện rộng ở các tỉnh đều thống nhất đánh giá ngô BĐG cho hiệu quả kinh tế tăng 15-25% so ngô thường, có điểm cho hiệu quả tăng 45-50%. Bộ NNPTNT đã giao Cục Trồng trọt xây dựng kế hoạch phát triển ngô, trong đó có lộ trình đưa rộng hơn, nhiều hơn ngô BĐG. Diện tích ra nhanh hay chậm sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, cơ bản nhất là hạ giá thành ngô giống. Hiện giá ngô giống BĐG cao hơn so với với ngô thường.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem