Giảm chi phí với giống ngô biến đổi gen

Minh Trí - Khải Huyền Thứ tư, ngày 09/09/2015 07:30 AM (GMT+7)
Trên cùng diện tích và cách chăm sóc giống nhau, giống ngô (bắp) biến đổi gen đã cho năng suất vượt trội và giảm nhiều chi phí so với giống ngô lai truyền thống.
Bình luận 0

Một ngày cuối tháng 8, hơn 350 nông dân trong vùng tham quan và kiểm chứng ruộng ngô biến đổi gen (BĐG) tại ấp Láng Me, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai.

Tiết kiệm công lao động

Trên 2 ruộng ngô thí điểm giữa giống truyền thống và giống chuyển gen NK66 Bt/GT, bà con nông dân được tận tay thu hoạch và cân đếm sản lượng ngô. Kết quả với cùng diện tích 100m2, giống ngô BĐG đạt 121kg, ngô thường đạt 107kg. Tính ra, với 1ha trồng giống ngô BĐG, lợi nhuận cộng thêm khoảng 15 triệu đồng, chưa kể bà con tiết kiệm được ngày công lao động và an toàn cho sức khỏe khi ít phải tiếp xúc với các loại thuốc BVTV.

img

Bà con nông dân Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đang tìm hiểu về giống ngô biến đổi gen mới. Ảnh: K.H

Theo tính toán của anh Nguyễn Đình Hưng, ngụ xã Lâm Sang, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, người đang trồng giống ngô BĐG, trồng giống ngô này lợi công hơn rất nhiều so với ngô lai. Theo đó, nếu như trước đây mỗi vụ anh Hưng phải phun thuốc cỏ từ 2-3 lần, đồng thời, khi phun phải che chắn, không để thuốc dính vào thân, lá ngô thì nay, mỗi vụ, anh Hưng chỉ cần phun thuốc cỏ glyphosate 1 lần duy nhất.

“Chưa hết, giờ phun thuốc cỏ cứ phun thoải mái mà không sợ ảnh hưởng, mỗi công đất chỉ chừng 10 – 15 phút là xong. Ruộng ngô nhà tôi cây phát triển mạnh, cứng cáp mà không bị sâu đục thân phá hoại. Vừa tiết kiệm công sức vừa tránh nhiều rủi ro”- anh Hưng hào hứng cho biết.

Trong khi đó, bắt đầu trồng ngô từ năm 1986 nhưng lúc đầu, do trình độ canh tác còn hạn chế, chưa có giống tốt vào thời điểm đó, cộng thêm những vấn đề như cỏ dại, nấm bệnh, sâu đục thân luôn đi kèm nên năng suất ruộng ngô nhà ông Hoàng Kiến Bảo (ngụ ấp Cọ Dầu 2, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) chỉ ở mức xấp xỉ 3-4 tấn/ha.

Năm nay, lần đầu tiên trồng thử giống ngô BĐG trên diện tích 2 công (2.000m2), ông Bảo cho biết, một điểm khác biệt có thể nhận thấy là trước đây, sâu đục thân bắt đầu xuất hiện từ khi xuống giống, đặc biệt là phá hoại mạnh vào giai đoạn ngô được 80 ngày cho đến tận khi thu hoạch nhưng nay, tình trạng sâu đục thân hoàn toàn không còn, cỏ dại được quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn, quan sát thấy bắp phát triển rất đẹp, hạt chắc mẩy. Ông Bảo dự định mở rộng canh tác ngô chuyển gen lên 10 công cho vụ tiếp theo.

Bước tiến mới của công nghệ  giống

Tính ra, với 1ha trồng giống ngô BĐG, lợi nhuận cộng thêm khoảng 15 triệu đồng, chưa kể bà con tiết kiệm được ngày công lao động và an toàn cho sức khỏe khi ít phải tiếp xúc với các loại thuốc BVTV. Đến thời điểm này, cả nước có khoảng 3.000ha trồng ngô BĐG, trong đó có 2.500ha của Công ty Syngenta Việt Nam.  

Nói về những lợi ích của giống ngô BĐG, ông Nguyễn Xuân Hưng - Giám đốc thương mại Công ty Syngenta Việt Nam phân tích, giống ngô BĐG NK66 Bt/GT của Công ty Syngenta áp dụng công nghệ sinh học Agrisure Bt/Gt và đã được thương mại hóa trên thế giới từ nhiều năm trước.

Tại Việt Nam NK66 Bt/Gt được cho phép thương mại hóa từ 3.2014. Trồng ngô BĐG chi phí quản lý cỏ dại  giảm từ 1,2 triệu đồng/ha  xuống còn 750.000 đồng/ha. Bên cạnh đó, năng suất sẽ tăng từ 13 - 25%.

“Giống ngô BĐG với khả năng kháng được sâu đục thân suốt mùa vụ. Bên cạnh đó, giống ngô này chống chịu được thuốc trừ cỏ lưu dẫn gốc glyphosate nên người nông dân có thể phun thuốc trừ cỏ thuận tiện và hiệu quả hơn. Mỗi mùa vụ người trồng sẽ giảm được số lần phun và chi phí lao động”- ông Hưng cho biết thêm.

Trong khi đó, tại một hội thảo quốc tế về cây trồng BĐG tổ chức tại TP.HCM hồi cuối tháng 8, bà Anni Mitin – Giám đốc cao cấp, Ủy ban An ninh lương thực và Giao thương công bằng khu vực Đông Nam Á cho biết, đã có 28 quốc gia trên khắp thế giới cho phép trồng cây BĐG, với diện tích gần 1,8 triệu ha, vì những lợi ích mang lại cho cộng đồng mà người nông dân. Việt Nam là quốc gia thứ 29 cho phép thương mại hóa giống ngô BĐG, trước đó, Việt Nam cũng đã nhập hàng triệu tấn sản phẩm từ cây trồng BĐG, chủ yếu là ngô và đậu tương, để chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem