Nói tới internet là nói tới một thế giới ảo và hiện tượng internet vì thế đương nhiên cũng là ảo. Tuy nhiên, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của nó không chỉ giới hạn ở lúc người ta ngồi trước laptop gõ bàn phím.
Ví dụ đơn giản nhất là câu chuyện của hai bé gái Cadence, Emerson và ba cậu em trai khi các em “biểu tình” đòi bố mua cho con chó mới. Thay vì từ chối, ông bố Ryan Cordell đã thách đố rằng: “Các con sẽ được một con chó khi có 1 triệu like trên Facebook”.
Harry nhăn nhó khi bị cậu em cắn mạnh vào ngón tay.
Điều kiện tưởng khó như “hái sao trên trời” của ông bố không ngờ lại được các cô cậu nhóc giải quyết tinh tươm. Bức ảnh 5 em bé cầm trên tờ giấy với hàng chữ “Mến chào thế giới, chúng cháu muốn có một con chó. Bố nói nếu chúng cháu xin được 1 triệu like thì sẽ mua cho” xuất hiện trên Facebook. Và chỉ chưa đầy 24 giờ đồng hồ, các em có tới 1,2 triệu lượt like. Ông bố Ryan không còn sự lựa chọn nào khác là phải thực hiện lời hứa.
Không dừng ở chuyện mua chó, khi trở thành hiện tượng internet, điều này đôi khi đồng nghĩa với chuyện, cuộc đời ai đó đã thay đổi. Câu chuyện về người phụ nữ da màu Sweet Brown là ví dụ điển hình.
Năm em bé được bố mua cho chú chó mới sau khi đăng ảnh “cầu cứu” trên Facebook.
Năm 2011, Brown Brown vô tình xuất hiện trong một đoạn phỏng vấn trên truyền hình, miêu tả về một vụ cháy nơi cô sống. Trong vài chục giây ngắn ngủi, điều ở Brown khiến khán giả truyền hình nhớ mãi là câu nói: “Ain’t nobody got time for that” (Tạm dịch: Làm gì có ai còn thời gian cứu hỏa”) với ngữ điệu và biểu cảm khuôn mặt độc nhất vô nhị, vô cùng hài hước và khó ai bắt chước nổi.
Ngay sau đó, đoạn clip của Sweet Brown lan truyền chóng mặt trên các trang mạng và thu hút tới hơn 50 triệu lượt truy cập.
Do nhận được quá nhiều sự quan tâm của công chúng, Sweet Brown đã từng được mời tham gia talkshow trên kênh truyền hình ABC News uy tín của Mỹ, được mời đóng phim chỉ để nói lại câu nói “cộp mác Sweet Brown” khiến người ta cười nghiêng ngả.
Thậm chí, câu nói đó đã được phổ nhạc, được hãng Apple phát hành và rầm rầm đắt khách. Sau đó, Sweet Brown đã phải đâm đơn kiện Apple vì tự do sử dụng lời thoại mà không hề xin phép cô.
Sau một câu nói ngắn ngủi nhưng “trứ danh” trên truyền hình, cuộc đời của Sweet Brown đã bước sang ngã rẽ mới: tươi sáng và vẻ vang hơn rất nhiều!
Từ một cuộc sống bình dân, Sweet Brown bỗng thành người phụ nữ thành đạt, giàu có và cực kỳ nổi tiếng. Cô kiếm bộn tiền nhờ “bệ phóng” truyền thông, nhờ ký hợp đồng quảng cáo, đóng phim và phí bản quyền từ các dịch vụ, sản phẩm ăn theo.
Gangnam Style góp phần nâng quyền lực mềm cho Hàn Quốc.
Năm 2012, cả thế giới gần như điên cuồng vì điệu nhảy ngựa tưng tửng của “chàng béo” Psy. Sau khoảng 2 tháng ra mắt, MV Gangnam Style đã lập kỷ lục với hơn 210 triệu lượt xem trên Youtube, đồng thời làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc lâu nay vốn là “đại bản doanh” của các ca sỹ phương Tây như: Billboard Top 100, iTunes Top Music Video…
Người người nhảy Gangnam Style, nhà nhà nhảy Gangnam Style và ngay cả các chính trị gia cũng chẳng phải ngoại lệ. Hình ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon… thử nhảy ngựa đã trở thành những cú hích quảng bá tuyệt vời, khiến cả thế giới càng “điên đảo” vì điệu nhảy.
Khỏi phải nói về ảnh hưởng của hiện tượng Gangnam Style đối với bản thân ca sỹ Psy. Nườm nượp giải thưởng, hàng trăm triệu fan trên khắp thế giới, doanh thu ngập đầu người… là những điều ai cũng thấy rõ. Tuy nhiên, sức mạnh ghê gớm của Gangnam Style chính xác nằm ở chỗ: Một điệu nhảy làm nâng tầm “quyền lực mềm” của xứ sở kim chi.
Gangnam Style được quốc tế hóa đã kéo cả một nền công nghiệp showbiz Hàn đi lên, thương hiệu được chắp cánh và người ta bắt đầu hồ hởi tìm hiểu: Gangnam là đâu? Phong cách của Gangnam là thế nào? Truyền thống nơi đó ra sao? …. Điều đó cũng có nghĩa, văn hóa Hàn Quốc đang được truyền bá rộng rãi, hình ảnh của đất nước kim chi đang ngày càng rõ nét hơn trong con mắt cộng đồng quốc tế.
2012 được coi là năm chật vật đối với kinh tế Hàn Quốc nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, giữa bức tranh ảm đạm ấy vẫn có điểm sáng rực rỡ nhờ hiệu ứng của Gangnam Style.
Báo cáo của HSBC khẳng định, du lịch chính là “cứu tinh” giúp Hàn Quốc phục hồi kinh tế trong năm 2013. Trong đó, công lao của điệu nhảy ngựa hoàn toàn không nhỏ.
“Nửa cuối năm 2012, khi thương mại toàn cầu đột ngột đi xuống thì điệu nhảy vui nhộn trong Gangnam Style đã khiến ngành du lịch Hàn Quốc khởi sắc”, HSBC phân tích.
Như vậy, không quá lời khi nói rằng, hiện tượng internet là một trong những gạch nối gắn kết thế giới ảo với cuộc sống thực, và bất cứ ai cũng không nên dửng dưng với nó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.