Từ hiện tượng “ca sĩ Lệ Rơi”: Hiểu thêm về đời sống giới trẻ nông thôn

Mai Mai Thứ năm, ngày 03/07/2014 09:25 AM (GMT+7)
Thế giới ảo đang xôn xao bởi hiện tượng Lệ Rơi - một chàng trai nông dân huyện Thanh Hà, Hải Dương đã tự hát, tự quay video các ca khúc và tải lên mạng. Báo NTNN đã tổ chức một cuộc giao lưu trực tuyến với người làm nên hiện tượng này.
Bình luận 0

Tiếng hát át nỗi nhọc nhằn

Sáng ngày 2.7, Báo điện tử Dân Việt (danviet.vn) của Báo NTNN đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với “ca sĩ” Lệ Rơi, có chủ đề: “Lệ Rơi - Từ lũy tre làng bước lên thế giới phẳng”.

Lệ Rơi tên thật là Nguyễn Đức Hậu, ở huyện Thanh Hà, Hải Dương. Trả lời các độc giả, Lệ Rơi chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên tại làng quê, những công việc ruộng, vườn, đồng áng gắn liền với tuổi thơ, cuộc sống của anh. Ngoài thú giải trí đơn thuần là chọi gà, Lệ Rơi còn có niềm đam mê ca hát, và muốn chia sẻ sở thích đến với những người bạn, những người yêu nhạc. “Ngoài công việc đồng áng hàng ngày tôi phải làm, những lúc nghỉ giải lao tôi vẫn hay ngồi hát và giao lưu cùng các bạn của tôi. Tôi không nghĩ mình sẽ nổi tiếng, rất tình cờ và thật bất ngờ khi được cộng đồng mạng biết đến. Và mặc dù tôi biết mình hát không hay, nhưng tôi mong muốn lời ca tiếng hát của mình có thể xua đi những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống” - Đức Hậu tâm sự.

Đức Hậu cho hay, suốt tuổi thơ của mình, anh nhìn thấy những ngày nhọc nhằn của bố, những ngày vất vả một nắng hai sương của mẹ. Nhà anh có đến 2-3 lần bị cháy, có những lần cháy, cả bố và mẹ anh chỉ mặc một bộ quần áo trong 20 ngày mà không có quần áo thay. Vất vả, nhọc nhằn là vậy, nhưng Lệ Rơi vẫn nghĩ rằng, được sống và lớn lên ở nông thôn, là niềm vui, hạnh phúc mà các bạn thanh niên thành thị không có.

“Tôi vẫn luôn nghĩ, thanh niên nông thôn chưa bao giờ thua thiệt so với thanh niên thành thị. Bởi, thanh niên nông thôn có những điều mà thanh niên thành thị không có như một không gian, môi trường trong lành, được làm những gì mình thích, được chơi những trò chơi dân gian. Trong khi thanh niên thành thị lại suốt ngày chỉ có học, bị bó hẹp trong bốn bức tường và chỉ biết đến những trò chơi game, điện tử” - Đức Hậu nói.

Hãy trân trọng cuộc sống

Khi được hỏi nếu bây giờ, Đức Hậu được các chuyên gia hướng dẫn sử dụng công nghệ Internet để cải thiện công việc và cuộc sống hiện tại thì anh muốn được giúp đỡ theo hướng nào, chàng trai cho biết mình là người làm nông nghiệp nên xin được tiếp thu những kỹ thuật khoa học mới về nông nghiệp trồng trọt để công việc tốt hơn, đó là điều rất quý. Bản thân anh và bà con xung quanh nếu tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp tốt hơn để phục vụ cộng đồng thì cuộc sống của chính mình sẽ được thay đổi.

Đã nhận tấm bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài chính – Ngân hàng, nhưng Đức Hậu lại quyết định về quê và trở thành anh nông dân quyết tạo dựng cuộc sống trên chính mảnh đất của mình. Đức Hậu dường như hiểu được cuộc sống luôn bất biến, bởi vậy, anh cũng biết sự nổi tiếng đó theo thời gian rồi cũng mờ nhạt.

Cũng rất thật thà và chân chất đúng với tính cách của người nông dân, Đức Hậu tâm sự, khi thành người nổi tiếng, lúc đầu anh cũng chưa quen, thấy hơi lúng túng, đặc biệt khi có các nhà báo tìm về để phỏng vấn. Đôi lúc anh cảm thấy không được vui, nhưng cuộc sống có gì mang đến, gửi gắm được cho mọi người thì Đức Hậu lại thấy vui: “Nếu các bạn vui thì tôi cũng thấy vui, mặc dù sự nổi tiếng ấy, đôi khi cũng mang lại phiền phức.

Ví dụ như, có một số bạn trẻ cũng chỉ là vì yêu quý tôi thôi, nhưng hơi quá khích đã trèo tường vào nhà để thăm, xin chữ ký, chụp ảnh, cả ban ngày lẫn buổi tối... Tôi nghĩ trong cuộc sống gửi được điều gì đó cho các bạn tôi cũng thấy rất vui, tôi cũng không để ý đến chuyện nổi tiếng và không nổi tiếng, chỉ mong các bạn trẻ hãy yêu và biết trân trọng cuộc sống”.

Sự chân thực đáng trân trọng

Từ câu chuyện của Lệ Rơi, trò chuyện với phóng viên NTNN, nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng nhận định: Âm nhạc về đề tài nông thôn đang bị bế tắc. Tôi chạnh lòng khi chứng kiến ngày hôm nay luôn có sự hổ lốn của các loại ca khúc tùy tiện, bát nháo.

Chính điều đó đã khiến giải trí của lớp lứa thanh niên nông thôn cũng đang đi vào bế tắc, khi mà họ không có trò chơi, giải trí nào. Họ thiếu đi món ăn tinh thần, những giai điệu, âm nhạc đúng nghĩa... Ông Hùng cho rằng: “Mặc dù nông thôn cần khoa học kỹ thuật, cần cách làm ăn, nhưng cũng cần lắm được nuôi dưỡng tâm hồn, được nâng cao đời sống tinh thần bằng âm nhạc. Một nền âm nhạc trong sáng, lành mạnh để thúc đẩy người nông dân là rất cần thiết”.

"Cá nhân tôi thấy nửa mừng nửa lo. Lo là hình như xã hội đầy sự bất tín, khả ố và lừa dối, mừng là một bộ phận rất lớn thanh niên vẫn khao khát điều chân thực, sự dung dị và những điều thuộc bản chất cần gìn giữ. Nói về quyền con người, Lệ Rơi không có gì là sai”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ - người có nhiều tác phẩm viết về nông thôn thì nói ngay rằng: “Hiện tượng Lệ Rơi là sự chân thực! Một thanh niên bình thường, hát sai nhạc, không có chất giọng tốt để thể hiện ca khúc, lại phát âm ngọng bỗng trở thành hiện tượng âm nhạc giải trí. Người ta nghe anh hát không phải để thưởng thức cái hay, cái đẹp thuộc về mỹ học, về thanh nhạc mà thấy buồn cười. Sự cười từ cái không được của anh so với những tiêu chí âm nhạc, nhưng không phải sự cười thương hại mà bật cười như thấy cái ngây thơ chân chất của một người điếc không sợ súng”.

Theo nhà văn, về bản chất, Lệ Rơi là cái tên rất sến - cũng từ nhận thức của nhân vật. Nhưng người ta bị khuất phục bởi khuôn mặt chân chất của anh, từ giọng nói đến ánh nhìn, tất cả đều không có gì diễn, không hề làm điệu tự đánh bóng ngoài sự thật của mình. Đây sự chân thực, sự thật cũng là cái đẹp đáng tôn vinh, trân trọng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem