Theo thông tin từ bộ Công thương, hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam vẫn thiếu ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa. Thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, chủ yếu lệ thuộc vào Trung Quốc với giá trị thấp do xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và thường ở thế bị động.
Việc “nhập nhằng” giữa xuất khẩu chính ngạch với buôn lậu khiến phía Trung Quốc làm chủ cuộc chơi, có thể thay đổi chính sách bất cứ lúc nào.
Nguyên nhân được phía bộ Công thương đưa gồm, chất lượng sản phẩm thấp, mẫu mã chưa đa dạng là những rào cản trong việc ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, tính kết nối của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu còn yếu.
Hiệp định EVFTA mở ra những cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, đối với thị trường EU, xuất khẩu của Việt Nam mới đạt gần 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU. Cụ thể, chỉ khoảng hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được hưởng mức thuế 0% (kể cả các mặt hàng thuộc Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP). Đây là con số còn rất khiêm tốn so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cũng như quy mô thị trường của EU.
Với cam kết cắt giảm thuế trong Hiệp định EVFTA và đặc thù là cơ cấu thương mại bổ sung mạnh mẽ, tiềm năng để hai bên phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại sau khi có FTA là rất lớn. Trên cơ sở đó, EVFTA giúp thị trường trong nước tháo gỡ các khó khăn nội tại.
Cụ thể, đối với việc mở rộng thị trường tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp, EVFTA giúp cắt giảm thuế nhập khẩu gần như hoàn toàn đối với các mặt hàng nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó bao gồm nhiều ngành hàng thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên, toàn bộ các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi, v.v.. Tham gia EVFTA sẽ giúp nền nông nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, qua đó, tăng tính kết nối giữa các doanh nghiệp thông qua việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Từ đó tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh những tiềm năng trên, một số vấn đề khó khăn, cần cẩn trọng khi tham gia EVFTA như công tác phòng vệ thương mại cho mặt hàng nông sản trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối EU… cũng được các bộ ban ngành có chức năng lưu ý.
Dự kiến, ngày 21 tháng 8 năm 2019, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Một số cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý” tại Khách sạn Rex Sài Gòn, Số 141 Nguyễn Huệ, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội nghị là diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm xác định những khó khăn chính. Từ đó đưa ra định hướng chiến lược nhằm tháo gỡ những khó khăn nội tại đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp tận dụng có hiệu quả cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.