Hiệp hội Vận tải góp ý quy định ngưỡng tối thiểu vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển xe máy

Thứ bảy, ngày 03/02/2024 16:35 PM (GMT+7)
Cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam góp ý cụ thể ngưỡng quy định vi phạm nồng độ cồn (trên 0) với xe máy.
Bình luận 0

Theo Hiệp hội Vận tải ôtô, Khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Như vậy, theo quy định trong dự thảo thì cả người đi xe đạp cũng bị điều chỉnh bởi quy định này.

Hiệp hội Vận tải góp ý quy định ngưỡng tối thiểu vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển xe máy- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn với xe máy. Ảnh: Xuyên Đông

Hơn nữa Hiệp hội Vận tải ôtô cho rằng, quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì chỉ cấm người điều khiển mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lit khí thở.

Do đó, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm quy định này và có tham khảo kinh nghiệm quốc tế quy định (ngưỡng tối thiểu vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lit khí thở với xe máy) để pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và phù hợp với phong tục, tập quán của Việt Nam.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, Bộ Công an cho rằng, căn cứ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 và kết luận của UBTVQH, dự thảo Luật quy định cấm tất cả các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến sẽ thông qua vào tháng 5.2024.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều đơn vị cũng kiến nghị bỏ ngưỡng 0 trong xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Trước đó, 2 địa phương kiến nghị bỏ quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn bằng 0.

UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ, Khoản 1 (Điều 8) quy định về hành vi "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Theo quy định này được hiểu là nồng độ cồn trong máu ở mức trên 0 miligam/100 mililit máu hoặc trên 0 miligam/1 lit khí thở là đã vi phạm.

Dự thảo Luật không quy định cụ thể nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở ở mức bao nhiêu thì vi phạm là chưa phù hợp với thực tiễn.

Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét quy định cụ thể nội dung này.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, Khoản 1 (Điều 8) đề nghị bổ sung nội dung "vượt quá mức quy định" vào cuối câu, viết lại thành "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định".

Hiếu Anh (Theo Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem