“Hiệp sĩ môi trường” U80 gần 40 năm tình nguyện vớt rác

Nguyễn Quang Thứ ba, ngày 15/05/2018 13:50 PM (GMT+7)
Trong ký ức của ông, dòng kênh Cầu Mé trước kia trong xanh, mát rượi. Tuổi thơ ông đã bao lần tắm mát ở dòng kênh này, thế mà giờ đây kênh chỉ toàn rác và rác. Không chịu nổi cảnh đó, ông tình nguyện vớt rác trên dòng kênh này gần 40 năm nay.
Bình luận 0

img

Năm nay đã 78 tuổi, nhưng ông Tân vẫn đều đặn đi dọn rác mỗi ngày.

Gần 40 năm qua, người dân khu vực đường Lạc Long Quân, phường 13, quận 11 (TP.Hồ Chí Minh) đã quá quen với hình ảnh ông Phạm Văn Tân (Bảy Tân), 78 tuổi chuyên hốt xà bần và vớt rác dưới dòng kênh đen ngòm. Ông bảo: ban đầu là vì sở thích, nhưng sau được bà con động viên, ủng hộ nên ông tình nguyện làm luôn.

“Thế mà cũng có người bảo tôi gàn dở đấy” – ông Tân mỉm cười – “nhưng tôi kệ, ai nghĩ thế nào thì nghĩ. Tôi gàn dở dòng kênh này mới được như hôm nay, không thì sẽ thành một bãi rác khổng lồ từ lâu rồi. Ngày nắng còn đỡ, chứ mưa xuống thì không thể chịu nổi”.

img

Ông Tân ít khi mang bao tay và khẩu trang vì vướng víu công việc, đôi lúc vợ ông ép ông phải mang bao tay vào để tránh vật nhọn.

Đã thành thói quen, mặc dù đang bận việc, cứ thấy trời ngớt mưa là ông Bảy lại xách bộ đồ nghề, xắn quần lội xuống dòng kênh. Đồ nghề của ông đơn giản lắm, vẻn vẹn có cái xẻng và ba cây tre gắn đầu móc, dài từ hai đến năm mét.

Tùy đoạn kênh, rác ở xa hay gần mà ông dùng loại phù hợp. Đồ nghề sơ sài vậy thôi mà hiệu quả, cây móc của ông lướt tới đâu, rác được móc hết sạch tới đó, nước chảy hết xuống cống. Rác được chất đống hai bên kênh, có đụn cao quá đầu người và đều được phân loại cẩn thận. Xác súc vật sẽ được cho vào các bao, cột cẩn thận để đem đi tiêu huỷ; các loại rác vô cơ không phân hủy sẽ được đưa lên xe rác chuyên dụng chở đi.

img

Vớt rác đã trở thành công việc thường ngày, quan trọng với ông Tân như cơm ăn, áo mặc.

Thắc mắc vì sao ai cũng thấy rác, ngày ngày sống chung với rác mà chỉ mình ông dọn rác, ông Bảy Tân trầm ngâm rít một hơi thuốc rồi thở dài: “Chỉ cần đi qua thôi, người ta cũng cảm thấy lợm giọng, ghê người chứ nhắc chi đến việc thò tay xuống móc rác. Tôi nghĩ, ai cũng sợ dơ, sợ bẩn thì con kênh chết mất. Không ai làm, mình làm, môi trường có trong sạch mới sinh sống được. Điều làm tôi thấy yên tâm với công việc nhất là luôn được gia đình đồng hành và ủng hộ”.

Ông chìa đôi bàn tay ra, chằng chéo sẹo to sẹo nhỏ. Ông kể, đó là vết thương do mảnh thủy tinh và cây nhọn đâm vào trong những lần đi vớt rác. Được cái máu lành, chảy xong thì lại lành, không sao cả.

Nếu ai muốn gặp ông Bảy là phải hẹn trước để ông sắp lịch, ở nhà tắm rửa sạch sẽ đón khách còn không là ông thường xuyên vắng nhà, không đi kiếm ăn thì vớt rác. Ông tham việc lắm. Ngay cả vợ con ông cũng chểnh mảng, ông không thích nói chuyện mà chỉ thích làm thôi.

img

Mỗi khi dòng kênh chất đầy rác ông Tân lại tự mang dụng cụ ra đi dọn.

Chứng kiến ông gồng mình lên vớt rác, bới móc tất cả những thứ đã "lên men" mới thấu cảm được niềm đam mê "khùng điên" của ông. Những đêm đang nằm thiếp đi trong giấc ngủ dài, trời bỗng đổ mưa, ông sực nhớ đến chiếc cống Cầu Mé có nguy cơ bị nghẹt, ông vùng dậy lao ra ngoài bới rác. Nước mưa quyện với nước cống "dầm ông" ướt như chuột, tay chân ông run cầm cập nhưng vẫn ráng kéo cho bằng hết mớ rác tồn đọng dưới cống. Ông trở về nhà cũng là lúc trời chạng vạng sáng. Thế là thức luôn chờ đến sáng đi buôn phế liệu.

Ông Tân tâm sự: “Rác ở kênh Cầu Mé ngày càng nhiều, tôi lo số rác ấy sẽ là “ổ” sinh sôi của muỗi, chuột... Ở đây còn có hai trường tiểu học nằm gần kề, nếu mình không vớt rác thì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu”.

img

Lúc đầu, nhiều người bàn tán về công việc “bao đồng” của ông. Lâu dần, nhiều người hiểu ông làm việc tốt nên có người đi qua cho ông ít tiền uống nước, đôi khi ghé lại giúp ông một tay dọn rác.

Vợ con của ông kể,  lúc ông mới làm không ai biết. Mãi sau, người ta nói nhiều quá mới hay. Gia đình ra sức ngăn cản vì cho đó là việc làm vô nghĩa. Công việc nhà làm chưa hết, đi lo việc thiên hạ. Tuy nhiên lời nói của vợ chẳng thể lay chuyển được chồng. Ông vẫn âm thầm thực hiện niềm yêu thích. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, nghe thấy tiếng nước chảy róc rách qua khe cống, ông thở phào nhẹ nhõm và cười thật sảng khoái buông lời: "Nghe vậy là sướng đó. Cống không bị nghẹt".

Với những đóng góp của mình cho xã hội, ông Tân đã nhận được rất nhiều bằng khen, kỷ niệm chương của thành phố, quận trao tặng. Ông còn được UBND thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương gương “Người tốt việc tốt”. Chia sẻ về công việc thầm lặng của mình, ông bộc bạch: “Thấy việc có ích cho mọi người thì mình làm thôi chứ đâu có nghĩ là sẽ được trao tặng bằng khen. Tôi vẫn sẽ tiếp tục vớt rác chừng sức khỏe còn cho phép”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem