Hiểu nông dân để giúp cho trúng

Thứ bảy, ngày 20/10/2012 08:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thay cho cây sắn và lúa nương, giờ đây trên những quả đồi bạc màu của xã Đại Sơn (huyện Văn Yên, Yên Bái) là bạt ngàn quế.
Bình luận 0

Xã Đại Sơn được như ngày hôm nay là nhờ công của Hội ND, trong đó anh Đặng Kim Thanh - Chủ tịch Hội ND xã góp phần không nhỏ.

Đại Sơn là một trong những xã khó khăn của huyện Văn Yên. Đường giao thông khó khăn, bà con chủ yếu trồng ngô, sắn, lúa nương. Do năng suất cây trồng thấp, cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn.

img
Anh Đặng Kim Thanh đi thăm vườn quế.

Hiểu nông dân cần gì

Trong chuyến trở lại Đại Sơn lần này, chúng tôi thấy sự thay đổi lớn ở nơi đây. Trên những nương, vườn trước chỉ trồng sắn, ngô giống cũ hoặc bỏ hoang thì bây giờ bạt ngàn là quế.

Anh Lý Văn Minh – một người dân của xã cho biết: “Trước đây, nhà tôi trồng sắn, cả nhà lúc nào cũng đói. Từ khi cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng quế, mình đánh liều phá hết sắn, lúa nương đi trồng quế. Bây giờ mình có 10ha quế 5 năm tuổi đã bắt đầu thu hoạch được cành và lá. Giờ nhà mình không phải lo cái ăn, cái mặc, lại có của để dành cưới vợ cho thằng lớn”.

Anh Hoàng Văn Thảo, ND xã Đại Sơn, tâm sự: “Hội ND, mà đứng đầu là Chủ tịch Đặng Kim Thanh tổ chức tập huấn khuyến nông sát thực lắm. Trước hết, chi hội lấy ý kiến của bà con dân bản cần tập huấn về nội dung gì, rồi tập hợp lại chuyển lên Hội ND xã. Hội ND xã phân nhóm đối tượng để chuyển giao kỹ thuật theo những nội dung cụ thể, như: Trồng lúa nước, thâm canh đất nương, cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi trâu, bò, trồng cây công nghiệp... Có kiến thức, tôi làm ăn hiệu quả hơn. Nhà tôi giờ có 15ha quế, mỗi năm thu gần 200 triệu đồng”.

Lập kế hoạch giúp nông dân

Nói về công việc của mình, anh Thanh chia sẻ: “Trước khi làm Chủ tịch Hội ND, tôi làm công tác đoàn, tham gia công tác văn hóa – xã hội rồi công tác ở bên địa chính, xây dựng nên rất hiểu những thuận lợi và khó khăn của quê mình”.

Năm 2007, anh được bầu làm Chủ tịch Hội ND xã, lúc đó bà con rất ngại sinh hoạt hội. Anh liền phân công các ủy viên BCH xuống từng hộ tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con, từ đó lập kế hoạch cụ thể để giúp đỡ. Cứ thế, bà con tin rồi tự nguyện tham gia sinh hoạt hội.

Hỏi về phương châm làm việc của mình, anh Thanh chia sẻ: “Mình phải hiểu được tâm tư nguyện vọng của ND thì sẽ biết phải làm gì để giúp họ”.

Anh Thanh kể: “Thấy cây quế phù hợp với chất đất và khí hậu địa phương, tôi rất muốn bà con phát triển cây trồng này để cải thiện đời sống. Để bà con tin tưởng, tôi và các cán bộ hội thống nhất, tất cả cán bộ hội trồng quế trước để bà con nhìn thấy hiệu quả. Ba năm sau, tất cả những hộ có rừng trong xã đều đồng loạt trồng quế”.

Nhiều hộ trồng quế rồi, vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho bà con tiếp tục được Hội đặt ra. Năm 2011, Hội ND phối hợp với UBND xã mở lớp dạy chế biến quế, nhờ đó, thu nhập của người dân tăng lên rõ rệt.

Hỏi về phương châm làm việc của mình, anh Thanh chia sẻ: “Mình phải hiểu được tâm tư nguyện vọng của ND thì sẽ biết phải làm gì để giúp họ”.

Với những việc đã làm cho quê hương, anh Thanh tiếp tục được hội viên ND tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội ND xã nhiệm kỳ 2012-2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem