Thu Hường
Thứ bảy, ngày 13/07/2024 17:15 PM (GMT+7)
Tính đến hết ngày 30/6/2024, tỉnh Điện Biên đã trồng được 224,28 ha/246,78 ha rừng trồng thay thế của 11 dự án/13 dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đạt 91% kế hoạch giao của UBND tỉnh. Trong đó, các dự án thủy điện chiếm gần 374 ha, dự án công cộng (điện, đường, trường…) gần 216 ha.
Ðể đảm bảo chất lượng rừng trồng thay thế, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trồng rừng thay thế thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo các quy định về quản lý công trình lâm sinh.
Ðồng thời, cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, đảm bảo diện tích rừng trồng thay thế đủ tiêu chí thành rừng đến hết thời gian đầu tư. Nếu diện tích rừng trồng đến thời điểm nghiệm thu, bàn giao không đảm bảo các tiêu chí thành rừng theo quy định, mà nguyên nhân được xác định là do chủ quan, không phải do thiên tai và các điều kiện bất khả kháng thì đơn vị thực hiện phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại kinh phí trồng rừng cho Nhà nước.
Năm 2023, toàn tỉnh trồng được 21,16 ha/38,07 ha, đạt 56% theo kế hoạch UBND tỉnh giao tại Quyết định số 644/QĐ-UBND ngày 18/4/2023 phê duyệt kế hoạch trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng và phân bổ kinh phí để thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác (đợt 1) năm 2023. Cụ thể: Dự án Hồ Huổi Trạng Tai, huyện Điện Biên (đợt 1) do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo làm chủ đầu tư trồng được 20 ha rừng trồng thông mã vĩ; dự án San ủi mặt bằng phục vụ di chuyển các hộ dân khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông, giai đoạn 1 (đợt 1) do UBND huyện Điện Biên Đông làm chủ đầu tư trồng được 1,16 ha rừng trồng mỡ.
Thực hiện Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 16/01/2024 của UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị được giao chủ đầu tư đã thực hiện trồng được 222,92 ha/225,77 ha, đạt 99% kế hoạch giao. Cụ thể: UBND huyện Tuần Giáo trồng được 2,7 ha/2,7 ha rừng trồng thông mã vĩ, trồng ban (đạt 100% kế hoạch); UBND huyện Mường Ảng trồng được 89,7 ha/89,7 ha rừng trồng thông mã vĩ, ban (đạt 100% kế hoạch); Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo trồng được 13,1 ha/13,1 ha rừng trồng thông mã vĩ, ban (đạt 100% kế hoạch); Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên trồng được 5,26 ha/5,6 ha rừng trồng thông mã vĩ (đạt 100% kế hoạch); Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng trồng được 12,15 ha/15 ha rừng trồng thông mã vĩ, ban (đạt 81% kế hoạch); Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé trồng 100 ha/100 ha rừng trồng cây giổi xanh, giổi găng, cây ban (đạt 100% kế hoạch). Các diện tích rừng trồng vừa được tổ chức thực hiện từ tháng 5/2024, hiện đang trong quá trình chăm sóc, bảo vệ.
Thực hiện Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 08/01/2024 của UBND tỉnh phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế và giao nhiệm vụ chủ đầu tư, kinh phí trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực dọc trục Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên (đợt 2), UBND huyện Tuần Giáo đã tổ chức thực hiện trồng được 1,36 ha/1,351 ha rừng trồng thông mã vĩ, ban (đạt 100,6% kế hoạch). Diện tích rừng trồng vừa được tổ chức thực hiện từ tháng 5/2024, hiện tại đang trong quá trình chăm sóc, bảo vệ.
Thực hiện các Quyết định số 218/QĐ-UBND, số 219/QĐ-UBND ngày 01/2/2024 của UBND tỉnh phê duyệt các phương án nộp tiền trồng rừng thay thế và giao nhiệm vụ chủ đầu tư, kinh phí trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Thanh Minh - đồi Độc Lập và khu dân cư (đường vành đai phía Bắc), thành phố Điện Biên Phủ; dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư hai bên tuyến đường Thanh Minh - đồi Độc Lập (đường vành đai phía Bắc) thành phố Điện Biên Phủ, UBND huyện Mường Nhé được giao nhiệm vụ chủ đầu tư đã tổ chức khảo sát, thiết kế để trồng 19,68 ha theo kế hoạch, tuy nhiên diện tích khảo sát không đúng đối tượng quy hoạch rừng trồng phòng hộ, do đó huyện chưa tổ chức triển khai được.
Cùng với công tác trồng rừng, việc giám sát, kiểm tra kết quả trồng rừng thay thế cũng được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, nhằm đảm bảo cho chủ dự án sử dụng kinh phí đúng mục đích. Qua kiểm tra cho thấy, các vị trí, diện tích rừng trồng cơ bản đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt; mật độ cây trồng đạt 90% so với mật độ thiết kế; cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Tổng diện tích rừng trồng cơ bản đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc theo quyết định được phê duyệt; diện tích rừng trồng đang phát triển tương đối tốt, không bị cháy, không bị chặt phá…
Ðối với diện tích trồng rừng chưa đúng quy định, trồng mới đầu năm 2024 và những diện tích trồng năm thứ tư chưa thành rừng, cơ quan chức năng yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường việc trồng giặm để có thể đảm bảo 100% diện tích trồng thành rừng. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng rừng trồng thay thế trước khi chuyển kinh phí theo từng giai đoạn theo thiết kế, dự toán được phê duyệt.
Hiện nay, diện tích trồng rừng thay thế chủ yếu tập trung trên địa bàn các huyện: Mường Chà, Ðiện Biên, Tuần Giáo và Mường Ảng. Trong khi đó, một số địa phương chưa chủ động đăng ký trồng rừng thay thế, trách nhiệm đối với công tác trồng rừng thay thế của một số chủ đầu tư chưa cao. Ðịa điểm trồng rừng thay thế đa phần ở những nơi có địa hình, giao thông đi lại rất khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn. Ảnh hưởng của việc chăn nuôi gia súc thả rông của người dân (đa số các diện tích rừng trồng thay thế không đảm bảo chất lượng đều do trâu, bò, dê phá hoại). Nhận thức của một số hộ gia đình nhận khoán thực hiện trồng rừng thay thế chưa tốt nên chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của các chủ đầu tư.
Theo ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời chỉ đạo các chủ đầu tư khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện, khắc phục những diện tích rừng không đảm bảo chất lượng. Giám sát việc sử dụng cây giống đủ tiêu chuẩn. Ðồng thời, với các chủ đầu tư không thể khắc phục diện tích rừng trồng chưa đảm bảo chất lượng, sẽ phải bồi hoàn lại kinh phí đã được đầu tư để bố trí cho đơn vị khác thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.