Dạy theo đơn đặt hàng
Đào tạo hơn chục nghề cho lao động nông thôn, từ nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đến các nghề may, cơ khí, dệt… nhưng Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm - Hội ND tỉnh Hà Nam không ôm đồm, mà chọn những nghề thế mạnh, thuận lợi về đầu ra để dạy cho người dân. Trong đó, Trung tâm đặc biệt chú ý đến khâu liên kết theo đơn "đặt hàng" của các công ty khi đào tạo.
|
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hoàng Anh. |
Bà Trần Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hay: "Trung tâm xác định dạy nghề cho nông dân là khó, nên chúng tôi chỉ tập trung vào một số nghề như may, dệt, cơ khí… để mở lớp. Ngoài thực hành tại trung tâm, các học viên còn được thực hành ngay tại các công ty đã ký cam kết tiếp nhận lao động sau khi học xong, nên hiệu quả đào tạo rất cao. Hiện có khoảng 90% học viên ra trường có việc làm, số còn lại tự mở xưởng, hoặc đi làm ở nơi khác".
Anh Võ Hữu Tam - Giám đốc Công ty TNHH Hữu Tam (chuyên dệt, may quai, viền đệm túi siêu thị) hiện đang phối hợp với Trung tâm vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho biết: "Trước kia công ty tự tuyển công nhân, nên nhiều khi tuyển xong phải đào tạo lại để cho phù hợp với công việc. Từ năm 2010, công ty phối hợp với Trung tâm Dạy nghề "đào tạo theo yêu cầu", công ty vừa không phải đào tạo lại mà công nhân lại làm được việc".
Không lo đầu ra
Bà Hạnh cho biết, hiện có rất nhiều công ty đang phối hợp và sẽ phối hợp với Trung tâm để đào tạo nghề cho công nhân nên vấn đề đầu ra cho lao động sau khi học nghề đang rất mở. "Nhiều công ty đang cần lao động, với lượng học viên Trung tâm đang đào tạo vẫn chưa đáp ứng đủ. Với những học viên muốn làm tại công ty, chúng tôi hoàn toàn có thể sắp xếp được" - bà Hạnh nói.
Chị Thiều Thị Quế - công nhân đang làm tại Công ty TNHH Hữu Tam phấn khởi nói: "Gia đình khó khăn, nên tôi chỉ học hết THPT rồi ở nhà làm ruộng. Nhà 5 khẩu, nhưng chỉ có 4 sào ruộng nên thu nhập chẳng đáng là bao. Tôi học nghề tại trung tâm, ra trường lại được công ty nhận vào làm với mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, nhờ đó mà gia đình cũng đỡ khó khăn hơn".
Theo bà Trần Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm, chương trình phối hợp giữa Trung tâm và các công ty đã được tiến hành 2 năm nay. Các công ty đã ký cam kết với Trung tâm là đảm bảo học viên sau khi học nghề sẽ có việc làm ít nhất trong 4 năm.
Anh Võ Hữu Tam cho hay, hiện công ty đang tạo việc làm cho hơn 20 công nhân. Hàng làm ra chủ yếu được xuất khẩu đi các nước Tây Âu, châu Phi… với số lượng lớn nên không lo đầu ra.
Đang cần mẫn may những túi vải siêu thị, cho Công ty TNHH Hồng Anh, em Nguyễn Thị Hiên ở thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm) dừng tay tâm sự: "Em làm ở đây được 2 năm rồi, làm may không vất vả, chỉ cần chịu khó, nhanh nhẹn chút là được. Nhà chỉ cách vài cây số nên em về nhà ăn cơm, nếu mới vào làm cũng phải được 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, như em hiện được khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng".
Ông Trần Văn Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Anh khẳng định: "Hiện công ty đang tạo việc làm cho từ 400 - 500 lao động, với mức lương 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi đang tiếp tục mở thêm dây chuyền, nên lao động sau khi học nghề không lo không có việc làm".
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.