Những dấu ấn
Thật khó khen ngợi chính mình nhưng sự thật không thể phủ nhận là Đại Lộc đã có một chặng đường thành công trong những năm qua. Các ngành kinh tế đều phát triển cao. Trong đó, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nổi bật nhất. Giá trị công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phần huyện quản lý tăng bình quân 19,29%/năm.
Trong 5 năm qua (2010 – 2015), huyện Đại Lộc đã tạo được những đột phá mới về phát triển kinh tế, nhất là cơ sở hạ tầng đã được đầu tư hiện đại. Ảnh: Đoàn Hồng
Đại Lộc đã đầu tư phát triển 2 cụm công nghiệp có quy mô lớn là Đại Hiệp và Đại Đồng. Về công nghiệp phân tán, huyện thu hút 5 dự án đầu tư ở vùng nông thôn, với tổng vốn đăng ký khoảng 100 tỷ đồng. Toàn huyện đã tiếp nhận 29 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.729 tỷ đồng. Trong đó, đã có 5 dự án đi vào sản xuất ổn định với tổng vốn thực hiện trên 1.117 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.097 lao động.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch luôn được huyện chú trọng, tạo tiền đề quan trọng cho đầu tư phát triển bền vững. Huyện đã hoàn thành quy hoạch phát triển KT-XH của huyện giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Đại Lộc chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, với giá trị sản xuất tăng bình quân 4,57%/năm. Huyện xây dựng được 2.800ha đất sản xuất đạt giá trị trên 80 triệu đồng/ha; liên kết sản xuất trên 1.200ha lúa lai F1 và lúa thuần các loại; hình thành nhiều trang trại và gia trại có quy mô từ 3.000- trên 15.000 con/trại. Diện tích mặt nước nuôi cá nước ngọt đạt 127ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng bình quân 18,69%.
Giáo dục - đào tạo tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực về quy mô, cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên. Dự kiến năm 2015, 61/61 trường (từ mầm non đến THCS) đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành sớm chỉ tiêu 100% các trường THCS, tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức 1; trong đó có 20 trường đạt chuẩn mức 3.
Tự tin con đường phía trước
Nhiệm kỳ tới (2015-2020), Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đại Lộc đề ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12-13%/năm, trong đó tốc độ tăng giá trị các ngành công nghiệp– tiểu thủ công nghiệp- xây dựng đạt 13 - 14%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp- xây dựng chiếm 65,7%, thương mại - dịch vụ: 23,3%; nông - lâm nghiệp - thủy sản: 11%. Giải quyết việc làm từ 1.500 - 1.700 lao động/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1 - 1,5%/năm. Có 75% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; thị trấn Ái Nghĩa đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Huyện cũng tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới và đô thị hoá nông thôn.
Trong ngành nông nghiệp, huyện chú trọng phát triển bền vững, trong đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, tỷ trọng sản xuất hàng hóa. Tiếp tục tổ chức thực hiện sản xuất lúa giống; xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị cao để đến năm 2020 có trên 3.000ha đạt giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/ha.
Huyện tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Giữ vững các trường đã đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học; củng cố, nâng chuẩn các trường đã đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng trường học chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 20% trường mầm non, trên 70% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức 2...
5 năm đến là chặng đường phấn đấu đầy khó khăn, thách thức nhưng với ý chí và quyết tâm cao, đoàn kết một lòng giữa Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân toàn huyện, tôi tin tưởng rằng huyện Đại Lộc sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, góp phần sớm đưa Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.