Nuôi dưỡng niềm đam mê
Cách đây 3-4 năm, khi HLV Hoàng Văn Phúc mới lên dẫn dắt Hà Nội ACB, ít ai tin ông thầy có vẻ ngoài hiền lành, cởi mở, thật như đếm trong từng câu chuyện lại có thể giúp đội bóng thủ đô trụ hạng thành công sau khi V.League 2007 khép lại.
|
Niềm vui của HLV Hoàng Văn Phúc (trái) và các học trò đội U16 ngày trở về sau giải U16 Đông Nam Á mở rộng. |
Chính cái tình của người "đàn anh" đi trước đã thuyết phục những gương mặt đầy cá tính ở Hà Nội ACB lúc đó như Mạnh Dũng, Anh Dũng, Việt Cường, Huỳnh Điệp, Mạnh Hùng... chịu bỏ qua cái tôi cá nhân trong những thời khắc khó khăn nhất để hợp sức cùng nhau thoát hiểm.
Có lẽ hiếm có HLV nào lại bàn chiến thuật cùng tập thể đội bóng trên bàn... cafe như ông Phúc, thay vì tạo ra một không khí căng thẳng bên trong một căn phòng ở khu tập luyện, hay trong phòng thay đồ giữa giờ nghỉ 2 hiệp đấu.
"Cầu thủ cũng là con người, họ có những lúc bị ức chế, và chắc chắn khi bình tĩnh lại họ sẽ nghĩ khác. Với tư cách người thầy, nếu mình mà cũng nóng, không kiềm chế được cảm xúc thì sẽ rất khó nói chuyện" - ông Phúc chia sẻ.
Nhìn lại những ngày tháng làm "tướng", ông Phúc vẫn thấy tiếc vì đã không thể cùng Hà Nội ACB đi tới tận cùng của cuộc chơi. Nhưng những bài học từ thời cầu thủ tới khi làm HLV giúp ông biết rõ mình phải làm gì sau khi rời ghế "nóng" ở đội bóng thủ đô khi V.League 2008 mới đi qua chưa được nửa chặng đường.
Theo ông Phúc thì bóng đá mỗi thời mỗi khác, nhưng ở thời nào thì cầu thủ cũng cần phải duy trì được niềm đam mê, sự khát khao, chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Các cầu thủ cần học thuộc điều đó khi mới chập chững vào nghề. Điều đó sẽ giúp họ có đủ sức đề kháng trước những cám dỗ vật chất.
Biến tiềm năng thành khả năng
Cầu thủ có tiềm năng thì tốt rồi, nhưng bóng đá Việt Nam còn cần thêm nhiều người thầy giúp họ biến tiềm năng ấy thành khả năng. Bản thân tôi cũng đang cố gắng làm được một điều gì đó cho bóng đá trẻ Việt Nam
HLV Hoàng Văn Phúc
Thực tế, nếu biết ông Phúc từng lặn lội từ Bắc vào Nam tìm kiếm những "hạt ngọc" thô, định hình bộ khung đội tuyển U16, mới thấy danh hiệu vô địch Đông Nam Á mở rộng 2010 không dừng ở ý nghĩa một chiếc Cúp.
Có một thời gian khá dài, ông Phúc "béo" đã chìm đi giữa đời sống bóng đá gắn với những bản chuyển nhượng đình đám dành cho các cầu thủ, HLV.
Âm thầm "mài ngọc", lứa U16 dưới sự dẫn dắt của ông đã khiến người dư luận bất ngờ khi đoạt vé dự vòng chung kết giải U16 châu Á, sau khi đánh bại U16 Thái Lan, hoà U16 Hàn Quốc... ở vòng loại.
Cái nền ấy là cơ sở để U16 Việt Nam thắng U16 Trung Quốc cùng tỷ số 1-0 trong 2 cuộc đọ sức ở vòng loại và trận chung kết giải U16 Đông Nam Á mở rộng mới đây. Trong những bước chạy của Anh Tuấn, Ngọc Toàn, Xuân Nam... có sự khát khao khẳng định giá trị. Họ hiểu được khoác trên mình chiếc áo đội tuyển U16 là một vinh dự mà không phải cầu thủ nào cũng có được.
"Những năm 1990 ở đội Tổng cục Đường sắt, chúng tôi chỉ nhận khoảng 700-900 nghìn đồng/tháng nhưng ai cũng "máu" vào sân. Tìm được một vị trí chính thức đã khó, và khi có được rồi thì phải cố gắng hết sức để giữ. Tôi vẫn chưa quên ngày vợ sinh con đầu lòng, mình không thể ở bên chăm sóc vì bận thi đấu" - HLV Hoàng Văn Phúc tâm sự.
So với thế hệ trước, cầu thủ trẻ ngày nay có nhiều cơ hội để phát triển, được sống đầy đủ hơn, nhưng họ lại phải đứng trước nhiều thử thách phía hậu trường. Ông Phúc nói rằng, chiếc Cúp vô địch U16 Đông Nam Á mở rộng vừa qua thực chất mới chỉ là bước đệm đầu tiên, và các cầu thủ trẻ cần phải rèn thêm về tư cách đạo đức và ý thức về cuộc sống của cầu thủ chuyên nghiệp, trước khi nghĩ tới ngày khoác trên mình chiếc áo đội tuyển Olympic, ĐTQG.
Chính Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.