Khi viết những dòng này, người viết chợt nhớ đến tiểu thuyết: “Chúng tôi sẽ chết như đã sống” của nhà báo, nhà văn Liên Xô cũ – Anatoly Golubev. Tiểu thuyết không dài nhưng tràn ngập những ý tưởng khiến những thế hệ trẻ sống trong thời bình như chúng tôi phải sôi sục. Ngày đó, trong thời chiến, tại sao những cầu thủ vẫn có thể ra sân cống hiến một cách vô tư như thế! Họ chơi bóng như thể chứng minh chiến tranh không thể vùi dập được niềm tin, ước mơ, những gì trong trẻo nhất của tinh thần thể thao cao thượng! Ngày đó, trong thời chiến, có những con người biết nhìn lại mình và thấy rõ rằng những gì mình đang phải trải qua, trong đó có những nhà báo tâm huyết đi tới cùng sự việc, thực ra, những khổ cực đó cũng không đáng là gì so với những “anh hùng vô danh” khác, đang ở đâu đó quanh ta!
HLV Hữu Thắng. Ảnh: Đàm Duy.
Như một sự đồng cảm từ xa xôi, từ trong sâu thẳm có thể xóa nhòa những ranh giới của thế hệ, của quốc gia… có đâu xa, ngay sau trận thắng Đài Loan (Trung Quốc) tối 24.3, HLV Hữu Thắng đã “lộ” bí mật giúp tuyển Việt Nam đá với tinh thần bất khuất: “Ngẫu nhiên thôi, ngay trước khi trận đấu diễn ra, tôi có đọc bài thơ “Niềm tin đứt gãy” của cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập. Tôi đã phóng to ipad của mình lên và đọc cho toàn đội nghe. Tôi nói với họ rằng một người đã sắp đi xa mà vẫn còn viết được những câu thơ như thế. Vậy thì không có lý do gì chúng ta là những người đàn ông mà không dám cống hiến, cháy hết mình…”.
Phía trước đội tuyển Việt Nam đang là chuyến làm khách ở xứ "Nghìn lẻ một đêm" trước Iraq tối 29.3 trên sân trung lập tại Iran. Cơ hội đi tiếp vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018 là cực kỳ nhỏ. Nó nhỏ hơn nhiều so với cơ hội dự World Cup của đội futsal Việt Nam. Cách đây hơn 1 tháng, tuyển futsal chỉ cần thắng Nhật Bản là đi vào lịch sử. Còn với thầy trò HLV Hữu Thắng, dù có thắng Iraq thì vẫn phải chờ may mắn từ kết quả các trận đấu khác mới mong lọt vào tốp 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để giành quyền đi tiếp.
Vậy là rõ ràng tuyển Việt Nam không có quyền quyết định số phận của mình. Nhưng có ai nghĩ, đây chỉ là “số phận” trong một giải đấu? Trong thực tế, trong tình yêu, niềm tin của người hâm mộ Việt Nam, thầy trò HLV Hữu Thắng vẫn hoàn toàn nắm trong tay số phận của mình – Số phận, vận mệnh mở ra một tương lai xán lạn cho bóng đá nước nhà. Điều đó có ý nghĩa hơn không, chắc hẳn HLV Hữu thắng và các học trò là những người cần xác định rõ!
Nói đến đây, người viết lại nhớ thời điểm cách đây gần 9 năm. Thế hệ ghi dấu ấn lịch sử cho bóng đá Việt Nam thời điểm đó khi lọt vào tứ kết ASIAN Cup 2007, giờ chỉ còn mỗi Công Vinh. Ngày ấy, đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV A.Riedl đã phải dừng bước trước Iraq trong trận tranh vé vào bán kết với tỷ số thua 0-2. Ai đó có chút tiếc nuối thì đều cảm thấy được xoa dịu khi ở những trận sau đó, Iraq đã thi đấu như những “chiến binh”, như để chứng minh cho cả thế giới thấy những bất ổn chính trị, chiến tranh không thể ảnh hưởng đến khát khao, sức sống mãnh liệt, niềm đam mê thể thao đến tột cùng của họ, thậm chí là ngược lại! Những ngày cuối tháng 7.2007, rất nhiều, rất nhiều người dân Iraq đã đổ ra đường ăn mừng danh hiệu vô địch châu Á đầu tiên của đội nhà, ca tụng lòng quả cảm của các cầu thủ con cưng. Trong thời khắc đó, những chiếc huy chương vàng ấy thật vô giá!
Trở lại với đội tuyển Việt Nam, các tuyển thủ đang sống trong thời bình, được tận hưởng những điều kiện ưu ái nhất có thể. Vậy thì chuyến bay được một số người cho là “hành xác” từ Việt Nam đến Iran có đáng phải kêu ca, than vãn mệt mỏi? Gạt sang bên tất cả, hãy vào trận như những “chiến binh” mang theo khát khao chiến thắng, có được không? Chỉ biết rằng, trận thắng trước Iraq có thể sẽ là lời chia tay đẹp của đội tuyển Việt Nam với giấc mơ World Cup 2018! Nhưng đó đồng thời cũng sẽ là lời chào cho một tương lai mới rực rỡ hơn, nhiều niềm tin hơn, bắt đầu từ vòng chung kết ASIAN Cup 2019!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.