HN vỡ đường ống nước liên tiếp: “Chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm”

Nguyễn Đức - Ong Lý Thứ năm, ngày 01/10/2015 21:29 PM (GMT+7)
Giá nước tăng thêm 19%, thế nhưng chất lượng dịch vụ đi xuống. Cũng vì vậy, nhiều người dân Thủ đô sống trong cảnh “khát” nước sạch và nỗi lo lại vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ n…
Bình luận 0

img

9 tháng đầu năm 2015, đường ống nước Sông Đà đã bị vỡ tới 5 lần. Hàng ngàn hộ dân Thủ đô bị ảnh hưởng.

Giá nước tăng 19%, dân vẫn “khát” nước

Từ 1.10, các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn TP.Hà Nội sẽ tăng giá bán nước sạch lên 19% so với giá hiện đang áp dụng. Trong ngày, người dân ở khu vực phố Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bàn tán rôm rả về câu chuyện “khát” nước sạch giữa Thủ đô. Bên cạnh câu chuyện “dở khóc, dở cười” vì mất nước, nhiều người còn nhăn nhó khi nhắc đến việc Hà Nội tăng giá nước sạch.

Bà Nguyễn Diệu Thúy (50 tuổi, ở phố Hoàng Văn Thái) cho biết, đến chiều 30.9, khu vực nhà bà mới có nước trở lại. Bà Thúy chia sẻ, người dân khu phố đều chấp nhận tăng giá nước, nhưng công ty nước sạch phải cam kết đảm bảo đường ống dẫn nước không bị vỡ.

“Những ngày mất nước vì vỡ đường ống nước Sông Đà, mấy đứa con nhà tôi sáng thì dậy đi làm thật sớm, chiều cố ở lại ở cơ quan để đi vệ sinh... Vợ chồng tôi đang tính phải làm cái giếng khoan, chứ cứ vài hôm lại vỡ đường ống thì gia đình lao đao. Giá nước tăng mà chất lượng không tăng thì không thể chấp nhận được”, bà Thúy nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Viết (Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình ông có một máy bơm giếng khoan, mấy hôm nay mất nước sạch, ông Viết lại phải bơm nước giếng khoan lên sử dụng. Nhưng vì gia đình ông ở gần khu vực nghĩa trang, dù đã qua lớp lọc cát, nhưng nước giếng khoan bơm lên vẫn đục và có mùi tanh, nên ông Viết chỉ dùng để giội nhà vệ sinh.

“Do vậy, nhà tôi đều phải đi mua nước về nấu cơm, tắm giặt. Có hôm xót tiền, tôi lấy nước giếng khoan nấu nướng, nhưng nấu xong rồi lại không dám ăn. Tăng giá nước mà cứ phải cắn răng dùng nước cạnh nghĩa trang thì tôi không đồng ý”, ông Viết nói.

img

Bệnh viện 198 - Bộ Công an và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lao đao vì thiếu nước sạch.

Lưu lượng nước cung cấp cho Hà Nội không giảm

Ông Trương Quốc Dương - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex, đơn vị cung cấp nước và quản lý vận hành đường ống nước Sông Đà - cho hay, khi đường ống nước vỡ, đơn vị mất khoảng 10 tiếng để khắc phục và cấp nước lại cho người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương cho biết: “Trước khi đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 14, chúng tôi cấp cho Hà Nội với tổng lưu lượng khoảng 230.000m3/ngày đêm. Sau khi khắc phục xong, chúng tôi vẫn cấp đủ cho Hà Nội, lưu lượng 240.000m3/ngày đêm. Công ty không giảm áp trong ống hay lưu lượng nước”.

Theo ông Dương, sau khi đường ống nước vỡ, các bể tích trữ, téc nước của nhà dân đều cạn. Do vậy, khi nguồn nước sạch Sông Đà được cấp trở lại, nhiều hộ dân đầu nguồn có tâm lý muốn tích trữ đầy bể, nên nhiều người dân ở cuối nguồn nước, khu vực cao thì chịu cảnh nước chảy chậm, thậm chí mất nước.

“Để khắc phục việc mất nước, các công ty phân phối, bán lẻ nước phải linh hoạt trong việc điều tiết nước ở từng khu vực bằng cách cấp nước cho những hộ dân ở đầu nguồn một vài tiếng, sau đó đóng van lại, dồn nước cho khu vực dân cư ở xa nguồn, nơi cao. Cứ đảo như vậy, người dân sẽ có nước dùng, đỡ “khát” hơn”, ông Dương nêu giải pháp.

Trả lời về việc nhiều ý kiến cho rằng công ty nước sạch phải đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị mất nước, phải mua nước giá cao về dùng, ông Dương khẳng định: “Khi vỡ đường ống, chúng tôi có trách nhiệm khắc phục sự cố, cấp nước trở lại đầy đủ cho đơn vị bán lẻ, không giảm lưu lượng (230.000m3/ngày đêm). Như vậy, chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm. Một số khu vực dân cư thiếu nước là do trách nhiệm của các đơn vị bán lẻ nước. Họ phải có kế hoạch điều tiết làm sao cấp đủ nước cho người dân. Chúng tôi không ký hợp đồng với người dân nên rất khó xem xét đến phương án đền bù”.

Ông Dương cho biết, giá nước tăng 19% kể từ ngày 1.10, đây là mức giá đã được Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội phê duyệt, quyết định cách đây hơn 1 năm. Mức giá này tăng theo lộ trình của UBND TP.Hà Nội.

Kể từ năm 2012 đến nay, đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội bị vỡ 14 lần. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, đường ống bị vỡ 5 lần.

Ngày 26.9, đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội lại vỡ lần thứ 14, tại km26 + 350, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Khoảng 70.000 hộ dân Thủ đô ở các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… bị ảnh hưởng.

Tại Bệnh viện (BV) 198 - Bộ Công an (quận Cầu Giấy), bác sĩ, người nhà bệnh nhân phải đi xách từng can nước để sinh hoạt. Đặc biệt, tại BV Phụ sản Hà Nội (quận Ba Đình), nước dự trữ trong bể cũng hết, các bác sĩ phải tạm dừng tất cả các ca mổ chủ động vì thiếu nước sạch. Đến ngày 1.10, nước sạch cấp cho BV mới ổn định trở lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem