Hàng trăm nắp hố ga không cánh mà bay
Theo phản ánh của người dân sinh sống tại khu dân cư Hòa Bình (Hà Đông, Hà Nội), thời gian gần đây liên tiếp xảy ra hiện tượng mất nắp hố ga. Theo thống kê của UBND phường Yên Nghĩa, tại khu vực này có tới hơn 200 hố ga mất nắp.
Ghi nhận của PV Dân Viêt, tại khu dân cư Hoà Bình, hầu như tất cả hố ga bằng sắt trên các con đường của khu dân cư đều bị mất nắp, đe doạ sự an toàn của người dân trong khu dân cư. Đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ông Long - một cư dân ở khu dân cư Hoà Bình kể: “Mới đây, một cháu bé học lớp 3 trong khi tập xe đạp đã ngã vào hố ga, gãy 2 chiếc răng cửa. Trước đó, một số ôtô sập bẫy hố ga phải nhờ người dân đến giúp đẩy xe”.
Nhiều hố ga bị mất nắp, người dân phải dùng vật dụng khác để cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: H.P
Ông Long cho biết thêm, nắp cống bằng sắt rất dày, kẻ trộm lấy đi bán được ít tiền nhưng nhà nước đầu tư lại rất tốn kém. Cư dân ở đây thường xuyên phản ánh lên các cấp chính quyền bởi nếu những hố ga mất nắp này không được thay thế sẽ trở thành cái bẫy với người dân.
Trước đó, vào năm 2009, chị Trần Thị Mến (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng gặp phải tai nạn do hố ga mất nắp dẫn tới tử vong. Cụ thể, khi đang điều khiển xe máy đến trước cửa số nhà 531 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, chị Mến bất ngờ rơi xuống một hố ga không nắp trên đường khiến chị ngã xuống đường. Đúng lúc ấy, chiếc ôtô mang BKS: 29LD - 2224 từ phía sau lao tới và va phải chị.
Bày bỏ quan điểm về thực trạng nêu trên tại cuộc giao lưu trực tuyến “Nguy hiểm rập rình do hố ga mất nắp hàng loạt - Giải pháp nào?”, PGS-TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Trước tiên, xét về mức độ đảm bảo tính an toàn, nhà sản xuất phải thiết kế được loại nắp hố ga, nắp cống có khả năng chống ăn cắp. Ngoài ra, cơ quan an ninh, chính quyền địa phương phải tham gia vào cuộc quản lý để chống mất cắp. Cuối cùng, phải đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nắp hố ga, nắp cống”.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Hùng, khi xảy ra tình trạng mất nắp hố ga, phải tìm được nguyên nhân mất nắp hố ga là do đâu? Quá trình khai thác, sử dụng ở địa phương có phân công trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cho từng khu vực hay không?
“Nước ta cần có chế tài, quy trình xử lý khi để xảy ra mất nắp hố ga, chứ như hiện nay không có ai chịu trách nhiệm cả. Đấy là kẽ hở trong luật pháp nước ta” - PGS-TS Nguyễn Văn Hùng nói.
Nước ta cần có chế tài, quy trình xử lý khi để xảy ra mất nắp hố ga, như hiện nay không có ai chịu trách nhiệm cả. Đấy là kẽ hở trong luật pháp nước ta”.
PGS - TS Nguyễn Văn Hùng
|
Vết sẹo của đô thị
Ở nhiều đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM, người đi đường không khó để bắt gặp những chiếc nắp hố ga với đủ hình dạng: Tròn, vuông, chữ nhật... hoặc nâng lên cao hơn so với mặt đường, hoặc thấp dần sau mỗi lần làm đường, tạo thành những ổ gà, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Bày tỏ sự bức xúc với tình trạng này, bà Bùi Thị Ngọc Lan - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Phát cho biết, thiết kế nắp hố ga ở Việt Nam hiện không đồng bộ, mang tính chất tùy hứng, cổ xưa, rất lộn xộn. Có những nắp hố ga được thay nhưng không đồng bộ, như hố ga hình vuông nhưng lại thay nắp hình tròn. “Tôi rất bức xúc khi thiết kế nắp hố ga trên đường cái hình vuông, cái hình tròn. Thậm chí có hố hình vuông lại đậy nắp tròn nên 4 góc xung quanh hở ra và lở lói cả 4 góc. Nó làm mặt đường trở nên xấu xí, vá víu, mất thẩm mỹ, thậm chí là nguy hiểm” - bà Lan nói.
Bà Lan chia sẻ: “Chúng ta nên có thiết kế mang tính đồng bộ riêng biệt cho từng loại ứng dụng. Ví dụ nắp tròn sử dụng cho hố ga nước thải, nắp vuông cho hố viễn thông... để tránh tình trạng lộn xộn về kích thước, dẫn tới việc nắp đậy không chuẩn. Nếu không chuẩn rất dễ bị lấy cắp, gãy vỡ, mất độ an toàn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.