Hồ Giáo và “Cỏ xanh im lặng”

Thứ ba, ngày 25/02/2014 10:37 AM (GMT+7)
Một đời Anh hùng Hồ Giáo gần như chưa bao giờ đi ra ngoài biên giới của những trảng cỏ xanh. Suốt đời ám ảnh với những trảng cỏ và những chú bê non, Hồ Giáo là hình mẫu của sự tận tụy, dâng hiến...
Bình luận 0
Đúng như lời bình của phim “Cỏ xanh im lặng”, suốt 50 năm gắn bó với đàn bò Ba Vì rồi đàn trâu Mu Ra ở Sông Bé, và cuối cùng là trại trâu Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), Anh hùng Lao động Hồ Giáo chưa bao giờ đi ra ngoài biên giới của những trảng cỏ xanh, dù ông từng là Đại biểu Quốc hội trong nhiều khoá, từng đặt chân đến những nơi trang trọng nhất như Phủ Thủ tướng, Phủ Chủ tịch… từng dự những bữa cơm thân mật với các nguyên thủ quốc gia. Là bởi, chân ông đã in dấu lên những nơi đó nhưng lòng ông thì luôn hướng về nông trường, nơi có những đàn bò, đàn trâu đã quá đỗi thân quen với ông.

Hồ Giáo và những chú bê thân thuộc ở Trại trâu Nghĩa Hành.
Hồ Giáo và những chú bê thân thuộc ở Trại trâu Nghĩa Hành.

Suốt đời ám ảnh với những trảng cỏ và những chú bê non, đau đáu với chuyện làm sao để đàn trâu, đàn bò mà ông chăm bẵm, nuôi dưỡng ngày một béo tốt, Hồ Giáo như một hình mẫu của sự tận tụy, luôn vắt kiệt cùng khả năng và sức lực cho công việc mà mình đảm trách.

Ông nhập vào công việc và im lặng như cỏ xanh, nhưng từ trong bụi bặm của gian khó ấy, chợt sáng lên một phẩm chất xả thân đầy trách nhiệm-điều không dễ có ở một người thuần mỗi việc nuôi trâu và bò như ông. Đó là một trong những lý do để trong đời mình, có đến 2 lần ông nhận vinh quang với danh hiệu Anh hùng Lao động. Cho đến nay, Hồ Giáo là người duy nhất ở Việt Nam được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động đến 2 lần, mỗi lần cách nhau 20 năm.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ mà nói được cái hồn cốt của cả một đời người nuôi trâu và bò đến 50 năm, kể cũng thật kỳ khu trong việc chắt lọc để chọn ra những điều cần nói nhất về Hồ Giáo.

Hai nhà đạo diễn NSND Nguyễn Thước và Lê Thị Thiện Đoan, dù có “vay mượn” những thước phim của các đồng nghiệp từng làm về Hồ Giáo trước đó thì cũng phải ghi nhận ở họ về sự cẩn trọng trong việc chọn lựa để cung cấp cho người xem một chân dung đầy đủ nhất, tinh luyện nhất về người anh hùng “chân đất” này.

“Cỏ xanh im lặng” đã thành công trong việc cắt nghĩa vì sao con người “giản đơn” ấy lại hai lần nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Xem xong bộ phim, người xem có thể “à” lên một tiếng: “Ra thế! Hồ Giáo anh hùng là vì những lý do” như vậy”.

Cuộc đời người anh hùng mang tên Hồ Giáo, thoạt nghe có vẻ giản đơn nhưng để dựng lên chân dung ông với những phẩm chất lung linh nhất, ngời sáng nhất, quả thật không đơn giản. Các nhà làm phim “Cỏ xanh im lặng” (do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất năm 2013) đã thành công trong việc cắt nghĩa vì sao con người “giản đơn” ấy lại 2 lần nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Xem xong bộ phim, người xem có thể “à” lên một tiếng: “Ra thế! Hồ Giáo anh hùng là vì những “lý do” như vậy”. Ông không chỉ tận tụy với công việc, nếu chỉ một phẩm chất ấy thôi thì chưa đủ để ông trở thành anh hùng mà cái chính là Hồ Giáo đã “cảm hóa” được những con vật để chúng trở thành “bè bạn” với ông.

Nhưng Hồ Giáo không “cảm hóa” con vật như những nhà làm xiếc trong sở thú để chúng làm theo ý mình mà ở ông, bằng tình thương và những “tín hiệu” rất khó lý giải, ông đã chinh phục hoàn toàn, có thể biến bản năng chúng thành một thứ “tình cảm” rất thiêng liêng.

Hai lần nhận danh hiệu Anh hùng Lao động nhưng Hồ Giáo gần như không xem đó như một “công trạng” cần được công kênh. Ông “im lặng” như những trảng cỏ xanh ở Ba Vì, ở Sông Bé và Hành Thuận-Nghĩa Hành. Cái im lặng của người anh hùng nhưng đã “nói” được nhiều điều về tình yêu, về lẽ sống và trách nhiệm với cuộc đời. Các nhà làm phim đã cho người xem một chân dung đủ đầy về sự “im lặng” rất đáng yêu này.
Trần Đăng (Trần Đăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem