Hồ hởi chuyển đổi nghề

Thứ hai, ngày 30/08/2010 16:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ khi chuyển đổi nghề, đời sống của các hộ nông dân tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu trở nên khá hơn.
Bình luận 0

Đưa chúng tôi đi thăm vườn mai, cây cảnh, ông Đỗ Văn Nguyên (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đây là “sản phẩm” của quá trình chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình mới sau khi đất lúa bị thu hồi.

img
Ông Nguyên trong vườn cây chuyển đổi từ đất lúa của mình

Trước đây, gia đình ông Nguyên có 2ha đất trồng lúa và cây ăn trái. Khi Khu công nghiệp Phú Mỹ I được đầu tư xây dựng, ông Nguyên là người đi đầu trong việc giao đất cho nhà nước. Với diện tích đất còn lại khoảng 7 sào và số tiền đền bù hơn 150 triệu đồng, lúc đầu gia đình ông không khỏi lo lắng trong việc tìm kế sinh nhai. Khi Hội Nông dân thị trấn Phú Mỹ tổ chức lớp đào tạo nghề trồng hoa lan, cây cảnh cho nông dân, ông Nguyên hăng hái tham gia.

"Ngay sau khi nông dân được đào tạo nghề, cần hỗ trợ cho nông dân vay vốn đầu tư mở cơ sở làm ăn theo đúng quy định trong quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy họ mới sống được với nghề đã học", ông Nguyễn Văn Thống- Chủ tịch Hội ND tỉnh.

Với kiến thức tiếp thu được, ông Nguyên quyết định đầu tư trồng mai, cây cảnh. Hiện nay, vườn mai nhà ông có hơn 500 gốc, thu nhập bình quân từ 15-20 triệu đồng/tháng, so với công việc cày xới trước đây thì hiệu quả kinh tế cao gấp mấy chục lần. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông ngày càng khá giả, đủ lo cho 3 người con học đại học ở TP. Hồ Chí Minh.

Theo dự kiến, năm 2010, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 7.200ha đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi, kéo theo đó là khoảng hơn 8.000 lao động không còn đất sản xuất. Đón trước xu hướng đó, từ năm 2004 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã mở hàng trăm lớp dạy nghề, thu hút hàng ngàn nông dân tham gia. Kiến thức có được qua các lớp dạy nghề thúc đẩy nhiều học viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho mình và cho nhiều lao động khác. Đặc biệt, tại các vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, nông dân sau khi học các khóa học nghề tại trung tâm đã chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn và ngày càng có của ăn, của để.

Tuy nhiên, không phải mô hình nào làm cũng thành công. Ông Nguyễn Văn Hoàng (ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cho biết, từ trước tới nay người nông dân đã quen cách trồng rau truyền thống nên bây giờ học cách trồng rau an toàn rất khó. Tuy được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, nhưng sau thời gian học, trồng thử nghiệm bà con lại quay về với cách làm cũ. Hơn nữa, giá cả thị trường không ổn định, chi phí trồng rau an toàn cao hơn, mất nhiều thời gian chăm sóc hơn nên nông dân không mấy mặn mà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem