Hôm 8.10, báo chí đưa tin một đứa trẻ ở Thái Nguyên bị bố đánh đến mức phải nhập viện. Đây không phải lần đầu những tin tức như thế này xuất hiện trên mặt báo. Chỉ cần gõ Google nhanh đã có không biết bao nhiêu tin: Con gái 14 tuổi bị bố đánh phải nhập viện; Con trai 8 tuổi bị bố dùng điếu cày đánh nhập viện; Mẹ ruột đánh con mình đến mức nhập viện…
Hình ảnh bé trai ở Thái Nguyên bị bố đánh tím đen mông được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Lý do đưa ra hầu hết do áp lực cuộc sống, mải lo làm ăn không dạy được con, con hư và đánh. Lý do này hoàn toàn không sai, không bao biện, không gian dối, chỉ đau lòng. Một năm, có bao nhiêu đứa trẻ bị đánh đến mức lên báo và có bao nhiêu những đứa trẻ khác nữa bị đánh mà không ai biết ? Nguyên do như đã viết, bởi những bức bối của cha mẹ từ cuộc sống mà bản chất là sự bất lực, không biết phải làm gì với con.
Có một thực tế rất dễ nhìn thấy ở đất nước ta hiện nay là trẻ con thành phố hầu hết đều được chăm bẵm hết sức chu đáo. Cha mẹ nào có điều kiện một chút đều cố gắng cho con đi học trường tốt, cho học thêm đàn, hát múa, thể thao, tiếng Anh, làm bánh… Mùa hè nào cũng tìm cách cho con đi trại hè, đi nghỉ mát, có điều kiện thì cho ra nước ngoài du lịch. Số trẻ em bị bỏ rơi trong sự cô đơn vì cha mẹ mải làm ăn không chiếm tỉ lệ lớn, nhưng với trẻ em nông thôn thì cuộc sống lại là một thực tế hoàn toàn khác.
Tôi đã đi nhiều làng mạc, từ đồng bằng Bắc bộ đến Đồng bằng sông Cửu long, cảnh trẻ con sống thiếu tình cảm cha mẹ, thiếu sự dạy dỗ là không hiếm. Cùng với sự phát triển của đất nước và bùng nổ dân số, quỹ đất nông thôn ngày một giảm, ruộng vườn bé, cấy hái không đủ ăn, người nông dân chọn lên thành phố làm lao động phổ thông ngày một nhiều.
Cảnh mẹ lên thành phố làm giúp việc, phụ bán hàng, buôn đồng nát, làm lao công, vài tháng về nhà một lần, làng nào cũng có. Cảnh bố đi làm đá, làm mỏ, làm khu công nghiệp, lên thành phố, vào Nam, năm đáo về nhà vài ba hôm cũng không phải chuyện hiếm hoi. Có những làng tôi đến, hầu như rất ít bóng thanh niên và phụ nữ. Có những làng mà đồng nghiệp tôi đã làm phim, cả làng chỉ còn toàn đàn ông.
Giải pháp mẹ lên phố đi làm để bố ở nhà chăm con là sự lựa chọn của nhiều gia đình nông thôn Việt Nam. Phụ nữ không nghiện hút, ít bồ bịch và chi tiêu tằn tiện, hy sinh sự có mặt của mẹ, là giải pháp an toàn cho nhiều gia đình.
Như vậy, rõ ràng rằng sự mất cân bằng về phân bố việc làm và sự chênh lệch lớn về thu nhập đã khiến chúng ta đã và sẽ có một thế hệ trẻ con nông thôn lớn lên trong sự thiếu hụt tình cảm và dạy dỗ của cha mẹ. Nhiều em lớn lên cùng ông bà như những trẻ mồ côi dù bố mẹ còn đầy đủ cả.
Chúng ta chưa có một nghiên cứu xã hội học nào về những em bé lớn lên trong hoàn cảnh này. Không ai biết các em có những sang chấn tinh thần nào, có những năm tháng tuổi thơ bấp bênh về mặt tâm lý ra sao.
Và bởi thế, khi các em lêu lổng để bị đánh hoặc thậm chí trở thành trộm cắp cũng dễ dàng trở thành chuyện có thể tìm thấy trên Google chỉ trong vòng vài giây. Hậu quả có thể nhìn thấy xa hơn trong con số trẻ vị thành niên xuất thân từ nông thôn phạm tội ngày một nhiều.
Bài toàn phát triển xã hội và phân bố các khu kinh tế hợp lý để không phá vỡ cơ chế nông thôn làng mạc luôn là một bài toán khó cho bất cứ quốc gia nào. Việc cung cấp việc làm cân bằng giữa các tỉnh thành là câu chuyện khó khăn và cần nhiều nỗ lực từ bao nhiều thập kỷ trên toàn cầu. Tuy thế, việc nhiều trẻ em nông thông Việt Nam lớn lên trong hoàn cảnh như hiện tại cũng là chuyện không thể không đặt ra và nghĩ đến.
Hình dung trong vòng 10 năm nữa, thậm chí ngay cả hiện tại, chúng ta đã và sẽ tiếp tục có một hố sâu ngăn cách lớn giữa những thế hệ thanh niên Việt Nam, về tâm lý, thể chất, tri thức đến thế nào.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, một xã hội ổn định chắc chắn không thể xây dựng trên một mặt bằng tri thức bấp bênh và lồi lõm. Bấp bênh của sự xa cách về nếp sống, suy nghĩ và nhận thức xã hội. Giữa sang chấn tâm lý, mặc cảm thiệt thòi và sự những khái niệm mới về công dân toàn cầu.
Một chú bé 13 tuổi bị đòn vì hư, một người cha mải miết kiếm ăn đến không còn thời gian dạy con, đánh con trong sự tủi hổ và bất lực rồi khóc, không là câu chuyện của một gia đình. Nó đã trở thành câu chuyện của xã hội Việt Nam, đang ngày càng phát sinh nhiều vấn đề mới, từ sự thiếu cân bằng và xa cách giàu nghèo trong xã hội.
Câu chuyện ấy không đơn giản chỉ là chuyện buồn hay bạo lực gia đình, nó đã mang tín hiệu báo động về tương lai một thế hệ trẻ em sinh ra và lớn lên ở nông thôn Việt Nam trong bối cảnh kinh tế phát triển một cách thiếu cân bằng giữa nông thôn và thành thị.
Câu chuyện ấy ngày hôm nay đã không mới và được nhìn nhận như hiện tượng phổ biến, bởi thế, dứt khoát phải được tính đến như một vấn đề xã hội cần quan tâm và có giải pháp trong bài toán có tính vĩ mô về phát triển kinh tế của đất nước, một bài toán song song của kinh tế và ồn định xã hộị. Rất khó để hình dung một xã hội thiếu bài tính này, nếu có, chắc chắn sẽ là một xã hội ngày một phân hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.