Giá giảm, nông dân lỗ 6.000 đồng/kg
Theo thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, giá hồ tiêu tại nhiều địa phương tiếp tục xu hướng giảm, hiện chỉ đạt 43.000 - 44.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, với mức giá này, nông dân trồng hồ tiêu lỗ 6.000 đồng/kg. Nguyên nhân vẫn là do áp lực dư cung lớn, đó là chưa kể tình trạng tiêu chết hàng loạt cũng khiến người trồng tiêu lâm vào cảnh khó khăn.
Hồ tiêu cần đi theo con đường nâng cao chất lượng. Ảnh: N.H
Theo thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, giá hồ tiêu tại nhiều địa phương tiếp tục xu hướng giảm, hiện chỉ đạt 43.000 - 44.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng hồ tiêu lỗ 6.000 đồng/kg. |
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), XK hồ tiêu tháng 1.2019 đạt 15.000 tấn, trị giá 46 triệu USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với tháng 12.2018, nhưng giảm 12,8% về lượng và giảm 33,3% về trị giá so với tháng 1.2018. Tháng 1.2019, giá XK bình quân hồ tiêu đạt mức 3.067 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 12.2018 và giảm 23,5% so với tháng 1.2018.
Trong năm 2018, XK hồ tiêu tăng 8,3% về khối lượng nhưng giảm 32,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá hồ tiêu XK bình quân năm 2018 đạt 3.260 USD/tấn, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2017. XK tiêu của Việt Nam năm 2018 ghi nhận sự tăng trưởng về lượng XK ở hầu hết các thị trường nhưng lại giảm mạnh về giá trị do giá XK giảm đáng kể so với các năm trước đó, theo xu hướng giảm giá chung của thị trường tiêu thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết: Giá hồ tiêu đã bắt đầu vào quỹ đạo giảm từ nửa cuối năm 2016 sau khoảng 1 thập kỷ tăng giá liên tục (2006 - 2015). Nguyên nhân chủ yếu là do sự mở rộng đáng kể diện tích trồng tiêu ở hầu hết các nước sản xuất, đặc biệt là tại Việt Nam, Brazil và Campuchia, khiến cho cung tăng cao so với cầu. Thị trường hồ tiêu chịu sức ép giảm giá do nhu cầu thấp, nguồn cung dư thừa.
Chất lượng là đòi hỏi tất yếu
Theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ NNPTNT, mục tiêu đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng hồ tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000ha. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt cho hay, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu trong nước tăng rất nhanh. Năm 2010, cả nước chỉ trồng 51.500ha; năm 2014 là 85.591ha; đến hết năm 2017 là 152.668ha, tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch trên 100.000ha. Năm 2018, sản lượng hồ tiêu đạt khoảng 230.000 tấn, tăng so với mức ước tính 210.000 tấn năm 2017 (175.000 tấn năm 2016).
Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, 4 nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, bao gồm Việt Nam, Brazil, Indonesia, và Ấn Độ đều dự báo giảm sản xuất so với năm 2018. Trong đó, sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2019 được kỳ vọng sẽ đạt 175.000 tấn tiêu đen và 25.000 tấn tiêu trắng, tổng sản lượng tiêu đạt khoảng 200.000 tấn, giảm nhẹ so với năm 2018 do giảm diện tích sản xuất hồ tiêu tại 1 số khu vực. Điều này có thể kéo giá hồ tiêu phục hồi nhẹ trong năm 2019.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam XK tới 95% sản lượng hồ tiêu. Do đó, để XK hồ tiêu bền vững, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu tại Việt Nam, điều này chứng tỏ ngành tiêu Việt Nam được thế giới quan tâm, vẫn được đánh giá là nơi có hồ tiêu chất lượng nhất toàn cầu. Doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam cần liên kết, kết nối với các đối tác khách hàng quốc tế, hiệp hội gia vị thế giới để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, gia tăng chất lượng cho sản phẩm hồ tiêu, bởi tình trạng cung vượt cầu là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu phục hồi chậm.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những năm qua diện tích tăng trưởng nóng đang đặt ra những vấn đề lớn, nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng. “Do vậy, từ nay, cây tiêu không nên đi theo con đường chạy theo số lượng nữa mà phải là chất lượng, cần tập trung tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu, không tăng thêm diện tích hồ tiêu mà phải kiên quyết giảm xuống ở những nơi không phù hợp, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết, đồng thời tìm quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.