Hỗ trợ DN vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn: Ngân hàng muốn làm cũng “bó tay”

Mai Hương Thứ ba, ngày 16/09/2014 14:16 PM (GMT+7)
Hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn đang trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”, không có nguyên tắc cơ bản nào, quá nhiều chính sách song lại không đem lại hiệu quả. Bản thân các ngân hàng khi tham gia cũng “bó tay”…
Bình luận 0

Ông Phạm Quang Thắng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank nêu một thực tế, hầu hết các DN vừa và nhỏ nông thôn đều có tài chính không minh bạch. Việc điều hành DN cũng chủ yếu là do chủ DN nên không chuyên nghiệp, rất rủi ro cho ngân hàng khi tài trợ vốn. Tài sản của DN cũng ít, năng lực tài chính yếu nên rất dễ tổn thương. “70% quyết định để cho DN vừa và nhỏ nông thôn vay chúng tôi phải đánh giá gián tiếp, dựa vào các thông tin bên ngoài DN. Ngay các bộ ngành có hợp đồng làm ăn với các DN này cũng từ chối việc hỗ trợ, chứng nhận, đánh giá DN để hỗ trợ ngân hàng trong việc cho vay, khiến DN và ngân hàng “tắc tị”, không biết phải làm thế nào. Có chính sách song bản thân DN lại bị “bơ vơ” trong các chính sách hỗ trợ”- ông Thắng bày tỏ.

Bắc Ninh là tỉnh có nhiều DN nông thôn và làng nghề nhất trong các tỉnh phía Bắc. Cả tỉnh có tới 15 khu công nghiệp tập trung, trên 30 cụm công nghiệp, 10 khu thương mại dịch vụ làng nghề. Mỗi năm “cơ đồ” này của tỉnh thu hút không biết bao nhiêu nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngặt nỗi, theo ông Nguyễn Phương Bắc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư (KHĐT) Bắc Ninh, nhiều DN, làng nghề nhưng hoạt động của các đơn vị này cứ lẹt đẹt, mãi không vươn lên được dù không thiếu chính sách hỗ trợ.

“Thực tiễn công tác hỗ trợ DN của chúng tôi đã cho thấy, nếu “tung” cho DN một cục tiền mà không đánh giá đúng DN thì càng không hiệu quả, thậm chí đã có DN đổ vỡ từ đây, hệ quả để lại là vô cùng lớn”- ông Bắc nói.

Theo ông Bắc, nhắc đến hỗ trợ DN nông thôn ai cũng nói “phải thiết thực” và tiền tưởng là thiết thực nhất, song nhiều khi lại không phải vậy.

Hiện nay, theo các địa phương, việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn đang làm theo “cảm tính”. Không chỉ tại Bắc Ninh mà từ Trung ương tới địa phương đều chưa có điều tra kỹ để hướng việc hỗ trợ vào DN. DN nông thôn có cảm giác không được ưu đãi, còn DN nước ngoài, Nhà nước được ưu đãi nhiều hơn.

Ông Bắc cho biết, hiện khung pháp lý cho hỗ trợ DN còn chung chung. Các chương trình hay dự án hỗ trợ cũng không theo nguyên tắc cơ bản nào. Có thể nói, DN nông thôn đang bị “chết ngụp” bởi có quá nhiều chính sách, càng tìm kỹ càng thấy nhiều hơn và mạnh ai nấy làm.

“Các địa phương hỗ trợ DN hết sức tùy hứng, có tiền thì hỗ trợ, hết thì thôi. Nếu xin được ngân sách thì lại làm nữa, do vậy ít phát huy tác dụng…” - ông Bắc ví dụ.

Ông Hồ Sĩ Hùng- Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KHĐT) cho rằng, cần phải bàn lại mục tiêu hỗ trợ DN nhỏ và vừa nông thôn để định hướng cho các chính sách hỗ trợ rõ ràng, đúng hướng.

Bà Phạm Thu Hằng- Phó Tổng Thư ký VCCI cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa nông thôn nên hạn chế hỗ trợ trực tiếp từ tiền mà nên theo hướng tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho DN hoạt động

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem