Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch mang tính nhân văn nhưng lại khó tiếp cận bởi quy định tréo ngoe

Huy Hoàng - Thanh Tùng Thứ ba, ngày 30/11/2021 13:29 PM (GMT+7)
Theo đó nhiều doanh nghiệp du lịch đánh giá cao chính sách hỗ trợ mang tính nhân văn, trong thời điểm các doanh nghiệp cạn kiệt vốn. Tuy nhiên một vài ý kiến cho rằng, những con số hỗ trợ quá nhỏ nhoi và khó tiếp cận bởi một số quy định tréo ngoe.
Bình luận 0

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đã được thực hiện trong hai năm qua

Sáng ngày 30/11, đã diễn ra diễn đàn Du lịch mở "Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam" do Tổng cục du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng 26 điểm cầu hiệp hội du lịch địa phương và các doanh nghiệp du lịch. 

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch mang tính nhân văn nhưng lại khó tiếp cận bởi quy định tréo ngoe - Ảnh 1.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục Du lịch điều hành tại diễn đàn Du lịch mở "Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam" diễn ra sáng ngày 30/11. Ảnh: Thúy Hà

Trong phiên 1 với chủ đề Chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch đã chia sẻ về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước với toàn ngành: "Ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Tổng cục Du lịch đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, đề xuất để giúp đỡ doanh nghiệp. Các hỗ trợ này đến với nhiều lĩnh vực khác nhau của du lịch và đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Trước bối cảnh chung, Tổng cục Du lịch đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành trong quá trình hỗ trợ những chính sách về thuế, chính sách tín dụng và chính sách an sinh xã hội. Các chính sách cụ thể về thuế đã được thực hiện như: Gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021. 

Thời hạn gia hạn 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021. Giảm 15% tiền thuê đất năm 2020 (Quyết định số 22/2000/QĐ-TTg ngày 10/8/2020) và giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 (Quyết định số 27/2021/QĐ). Giảm 30% mức thuế suất VAT hoặc giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT kể từ ngày 01/1/2021 đến hết 31/12/2021 đối với hàng hóa , dịch vụ: dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch (Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH 15, ngày 19/10/2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của địch Covid-19)".

Với các chính sách hỗ trợ vay vốn và an sinh xã hội. Chính phủ đã miễn giảm lãi vay đến hết tháng 6/2022 (Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí và giữ nguyên. Các chính sách liên quan đến an sinh xã hội cũng được thực hiện và ban hành mức hỗ trợ: 1.500.000 đ/người/tháng, hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. 

Mức hỗ trợ: 1.855.000 đ/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng và 3.710.000 đồng/người đối với trường hợp từ 30 ngày trở lên. Qua đó, chúng ta đã hỗ trợ được gần 14.000 hướng dẫn viên với tổng mức hỗ trợ là 51 tỉ 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chính sách như giảm giá điện cho cở sở lưu trú, giảm 50% phí giấy cấp phép, giảm 80% tiền ký quỹ đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp lữ hành.

Con số hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quá nhỏ nhoi và khó tiếp cận bởi quy định tréo ngoe

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch mang tính nhân văn nhưng lại khó tiếp cận bởi quy định tréo ngoe - Ảnh 2.

Ông Đào Mạnh Lượng – Phó chủ tịch hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh, chi hội trưởng chi hội tàu du lịch Hạ Long đã có những chia sẻ cởi mở thực tiễn các chủ tàu doanh nghiệp Hạ Long đang phải đối mặt tại diễn đàn. Ảnh: Huy Hoàng

Tiếp nối phần hỗ trợ chính sách, ông Đào Mạnh Lượng – Phó chủ tịch hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh, chi hội trưởng chi hội tàu du lịch Hạ Long đã chia sẻ về vấn đề thực tế của các doanh nghiệp du lịch Hạ Long đang phải đối mặt trong thời điểm hiện tại do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong gần hai năm vừa qua.

Cụ thể theo ông Đào Mạnh Lượng, đánh giá về thiệt hại do dịch Covid-19 trong hai năm qua đối với Chi hội tàu du lịch cực kỳ thiệt hại. Chi hội tàu du lịch Hạ Long là 11 chi hội trực thuộc Hiệp hội du lịch Quảng Ninh, có 240 hội viên, là các chủ tàu, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh tham quan, dịch vụ lưu trú trên Vịnh Hạ Long.

Hiện nay chúng tôi đang sở hữu 505 tàu các loại. Lực lượng lao động thường xuyên là 4.000 người và thời gian cao điểm con số lao động lên tới 6.000 người. Sau gần hai năm đại dịch diễn ra, sự tàn khốc của dịch khiến hầu hết các doanh nghiệp đã cạn kiệt sức lực và vốn để chi tiêu nhằm duy trì, chờ đợi dịch được khống chế để phục hồi trở lại.

Việc chi tiêu này, khiến cho nhiều chủ tàu doanh nghiệp du lịch đã phải đường cùng tìm đến vay vốn từ tín dụng đen dẫn tới nhiều hệ lụy sau đó.

Hiện nay 505 tàu du lịch Hạ Long đã dừng hoạt động trong một thời gian dài, cùng 3.000 người lao động đã bị mất việc làm, số ít còn lại là trông giữ, bảo dưỡng máy, vận hành tàu. Trong khi phải trả tất cả các chi phí trông coi, bảo dưỡng, chi phí hành chính hác.

Nói thực tế như doanh nghiệp của tôi, một tháng tôi chi ra ít nhất 200 triệu, 6 tháng tiêu hết 1 tỷ. Dừng hoạt động vào tháng 3/2020 cho đến thời điểm hiện tại, ngày cuối của tháng 11/2021 thì khoảng 4 tỷ đồng phải chi phí duy trì cho 8 tàu du lịch. Và để duy trì 8 con tàu này tôi đã phải quyết định bán bớt tàu để trả nợ và duy trì, chi phí cho những con tàu còn lại. May mắn là tôi đã bán được. Tôi nói từ may mắn bởi thời điểm này bán tàu cũng rất khó, không có ai muốn mua tàu trong thời điểm này.

Mặc dù chúng ta cũng đang hy vọng khôi phục và đã đang từng bước thận trọng thực hiện các hoạt động du lịch nhưng trên thực tế chúng ta cũng đang vấp phải rất nhiều khó khăn.

Khó khăn thứ nhất là không có khách du lịch, bởi tâm lý khách vẫn còn e ngại đi du lịch trong thời điểm này, bên cạnh đó không phải thời điểm mùa du lịch.

Khó khăn thứ hai là không có lực lượng lao động do phần lớn lực lượng này đã chuyển nghề. Cộng với việc thiếu vốn đầu tư, trang sửa, sau hai năm xuống cấp, đóng cửa.

Khó khăn tiếp đến là do các cơ quan nhà nước đã đưa ra những quy định rất ngặt ngèo bởi sợ trách nhiệm trên địa bàn mình quản lý. Những quy định mà cơ quan quản lý trên địa bàn đó thường đưa ra không đồng bộ, thậm chí mỗi nơi một kiểu gây khó khăn, khiến các chủ tàu rất e ngại. Một đặc thù đối với các doanh nghiệp du lịch tàu Hạ Long, không như nhà hàng, khách sạn cứ mở cửa ra và khách du lịch có thể đến. Với các chủ tàu muốn đón khách bắt buộc phải được cấp phép, phải có lệnh, bởi các chủ tàu thường và khách du lịch rất e ngại.

Nói về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các chủ tàu du lịch Hạ Long, ông Đào Mạnh Lượng cho biết, chính sách hỗ trợ quá khí tiếp cận vì có quá nhiều thủ tục hành chính. Và nếu các doanh nghiệp có tiếp cận được các chính sách hỗ trợ đó thì cũng rất nhỏ, và thực sự hỗ trợ đó không thể vực dậy doanh nghiệp.

Ví dụ gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh, chúng tôi đủ các điều kiện để được hỗ trợ đã đủ thế nhưng không một doanh nghiệp nào tiếp cận được bởi có một tiêu chí nhỏ mà hầu như không đáp ứng được, đó là xác nhận báo cáo quyết toán thuế của cơ quan thuế. Tuy nhiên theo thông lệ thì đầu năm chưa có doanh nghiệp nào lại được cơ quan thuế đến quyết toàn thuế và xác nhận, nhất là trong thời điểm dịch Covid như thế này.Nên 100% tàu du lịch Hạ Long chúng tôi không thể có được xác nhận này.

Còn gói vay để trả lương cho nhân viên làm việc, nghe thì có vẻ hay, rất nhân văn nhưng trên thực tế chưa đến 6% các doanh nghiệp chúng tôi có thể tiếp cận với gói vay này bởi liên quan tới điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội. Điều kiện trong gói này rất rõ ràng, muốn vay thì phải có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội. Xác nhận rằng doanh nghiệp vẫn đang trả bảo hiểm xã hội cho các công nhân viên đó trong thời gian vay. Nhưng thực tế, số tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng rất lớn, nếu tất cả các công nhân viên công ty tôi vẫn đóng bảo hiểm thì như vậy chúng tôi đang "rất khở’ không cần hỗ trợ. 

Nhưng thực tế, sau khi các doanh nghiệp làm hồ sơ, thì trong tổng số 240 doanh nghiệp thì chỉ có 14 doanh nghiệp đủ điều kiện để vay. Và 14 doanh nghiệp này tiếp cận được gói vay đó, thì cũng chỉ được hỗ trợ cho 174 người lao động, trong khi chúng tôi có tới hơn 1.000 người lao động, vậy thì tỷ lệ người lao động được tiếp cận gói hỗ trợ chỉ đạt 3%-4%. Như vậy là con số quá nhỏ nhoi.

Hay người lao động được chính sách hỗ trợ thất nghiệp từ quỹ hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động được giảm mức đóng 1% xuống 0% và được tham gia giảm 12 tháng. Nghe thì có vẻ hỗ trợ nhiều nhưng thực tế lại rất ít.

Như công ty của tôi thời điểm hiện tại còn 24 nhân viên, mỗi tháng tôi phải chi trả cho các nhân viên là 150 triệu đồng, nhưng số tiền được giảm này chỉ được là 1.200 đồng.

Gói hỗ trợ đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động được giảm 0,5%, nếu giảm được 5% mỗi nhân viên được giảm 25.000 đồng/1 người/1 tháng và 24 nhân viên trong công ty của tôi được giảm 600.000 đồng, trong khi đó số tiền nộp là 40.000.000 đồng. Và nếu một năm số tiền được giảm khoảng 7.000.000 đồng và số tiền doanh nghiệp phải nộp khoảng 500.000.000 triệu đồng.

Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ, chi rất nhiều tiền để hỗ trợ nhưng tác dụng thực sự từ hỗ trợ này đối với doanh nghiệp, để doanh nghiệp vực dậy tiếp tục hoạt động, kinh doanh là rất khó"

Bên cạnh đưa ra những thực tiễn mà các chủ tàu Hạ Long đang phải đối mặt, ông Đào Mạnh Lượng cũng cho biết các chủ tàu cũng sẽ vẫn nỗ lực hoạt động, duy trì đảm bảo tốt dịch vụ để không làm thất vọng các công ty lữ hành, cũng như kỳ vọng của khách du lịch trong thời tới.

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch tập đoàn Viettravel đã chia sẻ về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch: "Thời gian qua, Tổng cục Du lịch và các Hiệp hội du lịch đã thực hiện nhiều chính sách kết nối, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp. Những giải pháp, kiến nghị kịp thời của Tổng cục Du lịch đã khẳng định sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với Hiệp hội và doanh nghiệp du lịch. 

Bên cạnh nhiều giải pháp căn cơ, chạm tới tình hình thực tiễn, doanh nghiệp du lịch mong muốn đóng góp thêm những giải pháp để góp phần hoàn thiện hơn những cơ chế, chính sách trong hoạt động khôi phục ngành du lịch. Có thể thấy rằng hiện nay, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách mở cửa. 

Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa thực sự đồng bộ ở nhiều địa phương. Có thể nhận thấy một số ít các địa phương vẫn còn tâm lý e ngại trong quá trình mở cửa. Từ đó dẫn đến sự bị động trong công tác chuẩn bị và khôi phục trở lại của nhiều doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xây dựng những chính sách nhất quán, lâu dài và đồng bộ để đạt được hiệu cao hơn nữa".

Đề xuất về những mong muốn, giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trong thời tới, ông Nguyễn Quốc Kỳ mong mỏi: "Trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện. Tôi mong muốn chúng ta có thể đề nghị Quốc Hội giảm từ 10% xuống 5% đối với mức thuế VAT cho người tiêu dùng đến năm 2023. 

Việc giảm mức thuế này sẽ giúp khách du lịch giảm mức phải chi cho hoạt động du lịch, từ đó tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn các sự kiện, chương trình du lịch. Cùng với đó, chúng ta có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 22% xuống 17% để các doanh nghiệp du lịch có thể vượt qua khó khăn và có sự tích lũy. 

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn có thể nhận thêm các gói vay để hỗ trợ lãi suất ngân hàng. Tôi cho rằng việc trợ giúp lãi suất xuống mức 3 – 3,5% sẽ là mức lãi phù hợp với các doanh nghiệp trong quá trình khôi phục sản xuất trở lại. Tôi mong rằng các đề xuất này sẽ được cân nhắc và xem xét chấp nhận đến năm 2023. Bởi lẽ ngành du lịch của cả nước cần có thêm thời gian để khôi phục và trở lại sau đại dịch".

Về những chính sách hỗ trợ với người lao động, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị việc hỗ trợ người lao động nên thực hiện thông qua các doanh nghiệp quản lý lao động. Bởi lẽ, các doanh nghiệp đã có đầy đủ về thông tin liên quan đến bảo hiểm, mã số thuế cá... nên sẽ thuận tiện hơn trong công tác hỗ trợ với từng cá nhân người lao động.

Bên cạnh những bài phát biểu của ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì cũng còn nhiều tham luận của các Hiệp hội du lịch địa phương, các doanh nghiệp du lịch về những khó khăn, chính sách hỗ trợ, sản phẩm du lịch và đề xuất giải pháp phục hội du lịch trong điều kiện bình thường mới. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem