Anh Nam sang Libya làm thợ xây từ tháng 12.2010, theo hợp đồng với Công ty Cung ứng nhân lực và Thương mại (Sona). Để có tiền đi xuất khẩu lao động, anh đã phải bán hầu hết các vật dụng có giá trị trong nhà và vay thêm ngân hàng 9 triệu đồng, chưa kể hơn 40 triệu đồng tiền vay ngân hàng do công ty môi giới tín chấp.
|
Vợ chồng anh Nguyễn Nam lo lắng với món nợ vay đi Libya. |
Sau 3 tháng làm việc cực nhọc, anh Nam chưa có tiền gửi về nhà do tiền lương 2 tháng đầu đơn vị sử dụng lao động chuyển cho Công ty Sona, còn lương tháng thứ 3 chưa được nhận thì đã phải chạy loạn.
"Chừ gia đình tui hoàn toàn trắng tay, nợ nần ngập đầu nên không biết lấy chi mà sống" - anh Nam thở dài. Chị Bùi Thị Lư, vợ anh Nam, tiếp lời với vẻ mặt rầu rĩ: "Ăn uống thì rau cháo cũng qua ngày, nhưng ngặt nỗi nợ ngân hàng không biết đào đâu ra mà trả".
Đến thời điểm hiện tại đã có 37 lao động của tỉnh Thừa Thiên- Huế làm việc tại Libya về đến nhà. Tất cả những lao động này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Thanh Kiếm- Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, khi các lao động trên địa bàn tỉnh trở về từ Libya, Sở đã kịp thời phối hợp với các địa phương tổ chức động viên, thăm hỏi, đồng thời tiến hành phân loại đối tượng để có phương án hỗ trợ thiết thực.
Những lao động muốn được đào tạo nghề sẽ được Sở tổ chức đào tạo nghề miễn phí, những lao động muốn có việc làm sẽ được giới thiệu vào làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn…
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của NTNN, đến thời điểm hiện tại, sự hỗ trợ đối với những lao động Thừa Thiên- Huế trở về từ Libya vẫn chỉ là chủ trương chứ chưa được triển khai trên thực tế.
Anh Phan Văn Hiền, ở thôn An Bình, xã Hương Hồ, lao động vừa trở về từ Libya cho biết, hiện anh vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào khác ngoài 1 triệu đồng của Chính phủ. "Chúng tôi muốn được hỗ trợ kịp thời để sớm gượng dậy sau hoạn nạn” - anh Nguyễn Nam bày tỏ.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.