Hỗ trợ người nghèo vượt qua lạm phát

Thứ năm, ngày 31/03/2011 05:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 30.3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng Ba. Vấn đề kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo đời sống người nghèo, cắt giảm các dự án đầu tư chưa cấp bách... là những nội dung chính của phiên họp.
Bình luận 0

Cắt giảm 3.400 tỷ đồng đầu tư công

Kết quả của các giải pháp kiềm chế lạm phát, đặc biệt là việc cắt giảm các dự án xây dựng chưa cấp thiết, kém hiệu quả là một trong những nội dung chính của phiên họp. Theo báo cáo sơ bộ của 30 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tổng số dự án đã được cắt giảm là 1.387 với tổng số vốn cắt giảm gần 3.400 tỷ đồng.

img
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận phiên họp ngày 30.3

Về giải pháp tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo đã và sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng điều chỉnh cơ cấu tín dụng để tập trung vốn vay cho phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất.

Các giải pháp khác như tiết kiệm chi tiêu công; giảm nhập siêu, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ như ô tô, điện thoại, xe máy đắt tiền, rượu ngoại sẽ được triển khai.

Xác định người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong tình hình lạm phát, tại cuộc họp hôm qua, Chính phủ đưa ra các giải pháp hỗ trợ.

Theo đó, từ 30.3 sẽ hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương ngạch bậc từ 3.0 trở xuống; người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH mức thấp từ 2,19 triệu đồng/tháng trở xuống; người có công với cách mạng, đối tượng hưởng trợ cấp tuất với 2 mức là 100.000 và 250.000 đồng/người.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ đột xuất cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo với mức 250.000 đồng/người; cho giãn 1 năm thời gian nộp thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Ông Phúc khẳng định, các chương trình an sinh xã hội và cho HS- SV vay vốn để học tập sẽ tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh tăng.

Xăng dầu tăng giá là bất khả kháng

Tại cuộc họp báo chiều 30.3, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tăng giá xăng là quyết định bất khả kháng trong tình hình giá xăng dầu thế giới tăng cao và không sai so với quy định quản lý giá xăng của Chính phủ.

Theo ông Thỏa, đợt tăng giá xăng vào tối 29.3 chỉ đạt mức 40-50% mức đáng ra phải tăng, và giá xăng vẫn rẻ hơn các nước trong khu vực 3.000-5.000 đồng/lít. Trước câu hỏi về việc Nhà nước vẫn thu nhiều khoản trước khi xăng về đến người tiêu dùng, ông Thỏa cho biết, mức thu của Nhà nước trong cấu thành giá xăng dầu là 22%; trong khi đó Lào là 38%, Campuchia là 48%...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định sẽ tiếp tục loại bỏ việc kinh doanh vàng miếng. Việc thu đổi ngoại tệ sẽ vẫn được diễn ra nhưng được quản lý chặt thông qua các ngân hàng.

Trả lời phóng viên về việc một số địa phương vẫn chưa thực sự thực hiện cắt giảm đầu tư công, ông Bùi Hà - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KHĐT) cho biết: Có việc đó, nhưng Bộ đã có công văn yêu cầu các tỉnh này thực hiện nghiêm.

Tốc độ tăng GDP quý I/2011 ước đạt 5,43%; trong đó sản xuất công nghiệp tăng 14,2%, nông nghiệp tăng 3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2011 ước đạt 19,2 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem